15/05/2009 - 15:12

Giáo viên phải là người tiên phong đổi mới phương pháp dạy và học

Ngày 14-5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp dạy và học ở các trường Sư phạm trong xu thế hội nhập” với sự tham dự của các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và đông đảo các chuyên gia giáo dục.

Hơn 30 báo cáo khoa học tại Hội thảo xoay quanh các vấn đề như: sự cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy và học trong xu thế hiện nay, phương pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả của đổi mới phương pháp dạy và học.

Trong những năm qua, các trường sư phạm đã có nhiều đổi mới, nâng cao cơ sở vật chất cho các lớp học, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã có hệ thống thư viện có đủ cơ sở tài liệu, giáo trình, hệ thống mạng thông tin giúp sinh viên thực hiện có hiệu quả quá trình tự học. Một số trường đã chuẩn bị tốt giáo trình điện tử, bài giảng, đưa lên mạng để sinh viên chủ động trong quá trình học, giảng viên giảm được giờ lên lớp. Các trường cũng có nhiều chủ trương thúc đẩy sinh viên tham gia tập dượt nghiên cứu khoa học ngay từ năm thứ 2, một trong những tiền đề quan trọng đào tạo sinh viên theo hướng nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhiều khó khăn, hạn chế cũng được nêu ra, trong đó nổi bật nhất là về quan điểm đổi mới chưa thực sự thống nhất về nội dung, phương pháp thực hiện. Vì vậy, việc tiến hành đổi mới dạy và học chưa mang tính đồng bộ về mặt đánh giá cũng như thống nhất phương pháp để có thể tiến hành triển khai rộng rãi.

Tại hội thảo, một số giải pháp để đổi mới phương pháp dạy và học đã được đưa ra, trong đó hầu hết cho rằng muốn đổi mới hiệu quả phải có sự chuyển biến trước hết ở giảng viên, khi giảng viên có cách thức giảng dạy phù hợp sẽ hướng dẫn được sinh viên cách học hiệu quả hơn. Theo đó, giảng viên là người truyền đạt kinh nghiệm, ý tưởng nghiên cứu chứ không chỉ đơn thuần truyền thụ kiến thức một chiều, không nhồi nhét và áp đặt thông tin cho sinh viên. Việc giảng dạy phải gắn với giáo dục động cơ, ý thức học tập của người học, tạo sự tự tin cho người học, biến người học thành trung tâm, biến giờ học thành quá trình giao tiếp 2 chiều. Việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá cũng đặc biệt được lưu ý. Hiện nay, nhiều nơi giảng viên chỉ thực hiện kiểm tra sinh viên vào cuối học phần, cuối học kỳ mà không có sự kiểm tra thường xuyên, liên tục dẫn đến tâm lý “học nước rút” - chỉ học khi thi, “học đối phó” - chỉ trọng tâm vào các phần nằm trong bài kiểm tra... mà không có sự trau dồi kiến thức thường xuyên. Khi thay đổi cách kiểm tra đánh giá sẽ kéo theo sự thay đổi trong dạy và học.

NGỌC ANH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết