17/05/2008 - 22:56

Giao thương với nước ngoài ở Đàng Trong

Thương khẩu ở Sài Gòn xưa. Ảnh: TƯ LIỆU 
FAIFO THƯƠNG CẢNG SẦM UẤT

Lịch sử mở cửa giao thương với các nước Đông Á và châu Âu đã có từ khá lâu đời. Xứ Đàng Trong là tên gọi chung của vùng đất phía Nam từ Thuận Hóa đến Gia Định, về sau nối dài đến Hà Tiên, Phú Quốc. Một điểm độc đáo của thời ấy là các chúa nhà Nguyễn vừa mở mang, khai phá đất về phương Nam lại vừa quan hệ giao thiệp, buôn bán với nước ngoài. Xứ Đàng Trong là vùng đất mới có rất nhiều tài nguyên, sản vật được cai trị và quản lý bởi các chúa nhà Nguyễn. Sách Đại Nam thực lục tiền biên năm Nhâm Thân (1572) chép: “ Bấy giờ chúa ở Trấn đã hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, chợ không hai giá, dân không trộm cắp, tàu buôn các nước nhóm họp (nơi lỵ sở của chúa) biến thành một đô hội lớn”. Các chúa nhà Nguyễn, từ chúa Hy Tông Nguyễn Phước Nguyên trở đi, chúa nào cũng đặc biệt khuyến khích việc mua bán với người Tàu, người Nhật, người châu Âu. Các chúa Nguyễn có một tầm nhìn mới mẻ và chiến lược. Họ muốn tìm hiểu văn minh, khoa học của người ngoại quốc, đồng thời cũng muốn mua bán trao đổi những sản vật mà hai bên cần thiết.

Năm Nhâm Dần (1602) chúa Thái tổ Đoan quận công Nguyễn Hoàng lập dinh Quảng Nam, ở gần Hội An mà người châu Âu gọi là Faifo. Có giả thuyết cho rằng Faifo là Hoài Phố (phố trên sông Hoài). Sông Hoài (Hoài Giang) là khúc cuối của sông Thu Bồn đổ ra biển ở cửa Đại. Chúa giao cho con là công tử trưởng Nguyễn Phước Nguyên trấn thủ. Hội An trở thành trung tâm mậu dịch lớn nhất xứ Đàng Trong thời bấy giờ. Thương mãi mở ra cho người mọi nước.

Giáo sĩ Chistojoro Borri đã cư trú ở Hội An năm 1618 kể lại trong hồi ký như sau về thương cảng Hội An: “Thành phố rộng rãi, nên có thể nhận ra hai khu vực, một khu vực do người Trung Hoa ở, khu vực kia người Nhật Bản ở, mỗi khu vực đặt riêng người khu trưởng và y theo phong tục, tập quán riêng mà sinh sống” và: “... người Trung Quốc, người Nhật Bản là những thương nhân chủ yếu của chợ phiên nầy, năm nào cũng mở và kéo dài trong bốn tháng. Người Nhật thường đem lại 4, 5 vạn nén bạc, người Trung Quốc thì đi bằng một thứ thuyền buồm đem lại nhiều tơ lụa và sản vật đặc biệt của họ. Do chợ nầy, quốc vương thu được một số tiền lớn, toàn quốc cũng được nhiều lợi ích”.

Đà Nẵng ở phía bắc, cách Hội An chừng vài mươi cây số. Còn gọi là cửa Hàn, các thương nhân châu Âu gọi là Touron. Đà Nẵng và Hội An khá gần nhau và thông thương dễ dàng, nên cũng còn được gọi tên chung là hải cảng Quảng Nam.

GIAO THƯƠNG VỚI ĐÔNG Á

Từ khoảng tháng 12 dương lịch, tàu từ Nhật Bản, Trung Quốc đến bán phẩm vật của họ và mua sản vật của ta . Sau 4,5 tháng họ đi. Do lệnh cấm xuất khẩu các phẩm vật có tính chất quân sự và chiến lược của nhà Minh (1567) qua Nhật Bản, nên Hội An còn là một nơi mà các thương nhân Nhật Bản gián tiếp thu mua hàng Trung Quốc cần dùng cho Nhật. Các đoàn thương thuyền ngày ấy chủ yếu đi và đến Hội An theo gió mùa. Nếu vì lý do gì đó mà việc mua bán kéo dài, các thương nhân phải ở lại và đợi chuyến thuyền năm sau.

Các cuộc chính biến và loạn lạc liên miên ở Trung Quốc cuối đời nhà Minh đến đầu nhà Thanh (1644_1683) đã khiến một số khá đông người Hoa vốn là di thần của nhà Minh chạy lánh nạn, di cư đến Hội An và nhiều nơi khác thuộc xứ Đàng Trong. Hội An càng phồn thịnh với sự có mặt của khá đông người Hoa giỏi nghề mua bán. Hòa thượng Thích Đại Sán đến Thuận Hóa năm 1895, ghé Hội An viết trong sách Hải ngoại ký sự như sau: “Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông có con đường dài ba, bốn dặm gọi là Đại đường nhai, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố đều là người Phúc Kiến vẫn ăn mặc theo lối tiên triều (triều Minh) phần đông phụ nữ coi việc mua bán. Khách trú ở đây hay cưới vợ người bản xứ, cho tiện việc thương mãi. Cuối đường là cầu Nhật Bản, tức Cẩm Phố, cách bờ bên kia là Trà Nhiêu, nơi đánh bạc của tàu ngoại quốc, nhân dân đông đúc, chỗ ấy tôm cá, rau quả, tập hợp mua bán suốt ngày. Thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây...” và: “Quốc vương nói: các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn một năm chừng năm,sáu chiếc, nhờ đó mà nước tiêu dùng được dư dã...”.

Ngay từ đầu thế kỷ 17, người Trung Hoa cũng đã đến buôn bán ở Tân Châu và Đề Gi (Qui Nhơn). Để kiểm soát ngoại thương, thu thuế và cứu hộ các tàu bè ngoại quốc bị bão trôi giạt đến, các chúa Nguyễn đặt ra một cơ quan tên là Tào vụ ty ở Hội An chuyên lo việc giao dịch với các tàu ngoại quốc.

Thuế đặt ra lệ sau: tàu thuyền Thượng Hải đến nạp 3.000 quan, khi đi nạp 300 quan; tàu thuyền Phúc Kiến đến nạp 2.000 quan, khi đi nạp 200 quan; tàu Hải Nam đến nạp 500 quan, đi nạp 50 quan; tàu Ma Cao, Nhật Bản đến nạp 4.000 quan, khi đi nạp 400 quan; tàu thuyền Tiêm La, Lữ Tống đến nạp 2.000 quan, khi đi nạp 200 quan Tàu Tây Dương (châu Âu) khi đến nộp 8.000 quan, khi đi nộp 800 quan. Tàu thuyền nào giấu giếm hàng hóa thì tịch thu tàu, sung công hàng hóa. Tàu thuyền nào không có hàng hóa thì không cho vào cửa biển.

Ước lượng hàng năm, số tiền thu thuế được từ 1 vạn quan đến 3 vạn quan. Số thuế ấy sung vào kho 6 phần, còn 4 phần dùng trang trải,chi cho quan, quân, dân đã phụ trách các việc.

Các tàu thuyền nước ngoài khi đến và đi còn phải nạp thêm thuế như: “ lễ báo tin” , “ lễ tiến”, “lễ trình diện” gồm trà, gấm, đoạn, lãnh, sa, ngoạn vật, hoa quả... Các thứ trên độ chừng 500 quan tiền.

Hàng hóa mua bán ở thương cảng Hội An rất phong phú có đến hàng trăm thứ sản vật mua bán, trao đổi, ta thường bán cho nước ngoài các nông lâm, hải sản thô, mua lại hàng thủ công, mỹ nghệ và thực phẩm chế biến.

GIAO THƯƠNG VỚI CHÂU ÂU

Các nhà hàng hải châu Âu đã từng biết đến xứ Đông Dương từ thế kỷ 16. Trước đó nữa, nhà thám hiểm lừng danh Marco Polo trong chuyến đi dọc bờ biển của miền Viễn Đông, từ thế kỷ 13, đã gọi nước ta là Caugigu tức Kiaoche Kouo âm của Giao Chỉ quốc, tên mà người Tàu gọi nước ta lúc ấy... Nhưng đến thế kỷ 17 thì người châu Âu mới tiếp xúc nhiều với người Việt.

Người Âu từ đầu thế kỷ 17 rất coi trọng thương mại.Các nước Anh, Hà Lan lập nhiều công ty thương mại. Người Bồ Đào Nha thuê của Trung Quốc được Macao để làm căn cứ thương mại ở Viễn Đông. Người Bồ Đào Nha đã tới lui Faifo của xứ Đàng Trong thường xuyên trước năm 1660.

Người Việt bán cho người châu Âu các sản vật như tơ sống, gỗ quý, trầm hương, đường, xạ hương, quế, tiêu, gạo, v.v... Các tàu châu Âu đem đến bán cho ta đồ sành, đồ sứ, giấy, trà, bạc thỏi, binh khí, diêm sinh, lưu huỳnh, chì, kẽm, vải...

Các chúa nhà Nguyễn lúc ấy được lợi rất to từ quà cáp và sự thu thuế cao đánh trên tàu buôn ngoại quốc xuất nhập cảng.

Năm 1633, Duijcker được công ty Hà Lan giao làm quản lý mở thương điếm ở Faifo buôn bán với Nam Hà, ông ta đã đến Thuận Hóa yết kiến chúa Thượng và được tiếp đãi tử tế. Người Hà Lan được chúa cho tự do mua bán ở Đàng Trong. Về sau, do chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và công ty Hà Lan có những mối giao hảo đáng ngờ mà mật thám Đàng Trong nắm được, nên mối quan hệ hữu hảo ban đầu đã bị rạn nứt. Cuối cùng mâu thuẫn đã dẫn đến xung đột. Người Hà Lan bỏ thương điếm ở Faifo và dùng vũ lực gây chiến tranh với chúa Nguyễn. Năm 1644, ba chiếc tàu Hà Lan là Kievit, Nachtegels và Woeckende do Pieter Back chỉ huy đã bị thế tử Dũng Lễ hầu (chúa Hiền Nguyễn Phước Chu sau nầy) đánh cho tan tác và thiệt hại nặng nề ở cửa Eo (Thuận An)... Việc giao thương với người Hà Lan từ đó không còn như trước dù đã có một vài lần giàn xếp, giảng hòa.

Năm 1695, chủ tịch công ty người Anh Nathaneil Higginson có phái đại diện thương mại là Bowyer đến Faifo rồi ra Huế yết kiến chúa Nguyễn để xin giao thương. Bowyer trình lên chúa những thỉnh cầu của công ty Anh . Chúa Nguyễn hứa hẹn dành cho công ty những ưu đãi. Nhưng có lẽ Higginson không thấy những bảo đảm đầy đủ và chắc chắn từ phía chúa Nguyễn nên đã không tiếp tục chương trình giao thương của mình với Đàng Trong

Đến năm 1664 người Pháp mới thành lập công ty Đông Ấn (Compagnie des Indes Orientales). Đặc biệt công ty nầy có nhiều giáo sĩ giả làm thương nhân để truyền đạo. Tàu Tonquin của công ty Đông Ấn lúc ấy chở hàng hóa đến bán ở Đàng Ngoài chứ chưa ghé Đàng Trong. Sự thật người Pháp rất chú ý tới Đàng Trong và đã có nhiều kế hoạch cũng như mưu toan với vùng đất nầy khi thấy người Anh chiếm được Ấn Độ và thu rất nhiều của cải, tài vật. Họ đã có nhiều động thái bỏ vòi vào Đàng Trong nhưng chưa thành công. Nhiều thương nhân người Pháp tích cực thực hiện kế hoạch xâm nhập Đàng Trong, trước mắt là qua giao thương, buôn bán...

Đầu thế kỷ 18, việc mua bán với người châu Âu suy giảm trầm trọng. Đàng Trong và Đàng Ngoài đã chấm dứt chiến tranh nên không cần mua súng đạn và không cần sự giúp đỡ của người châu Âu. Các chính quyền phong kiến Việt Nam thời bấy giờ nghi ngờ người châu Âu có mưu đồ chính trị nên không còn dành cho họ sự dễ dãi như trước đó. Các chúa, quan ta đòi hỏi và yêu sách quá đáng, còn các thương nhân châu Âu sử dụng nhiều thủ đoạn bất chính có khi gần như cướp bóc trong việc mua bán với người bản xứ. Dần dần các thương nhân châu Âu chuyển sang Quảng Đông là thị trường mới và buôn bán thuận lợi hơn.

Suốt nửa đầu thế kỷ 18 và sau đó, có nhiều cố gắng của các thương nhân Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan... thiết lập mối quan hệ giao thương với các chúa phong kiến Việt Nam. Nhưng những mối quan hệ thường không bền vững do đôi bên có những sự lợi dụng, nghi kỵ và không tin tưởng nhau làm cho tình hình giao thương xấu đi và diễn biến đến căng thẳng có khi đi tới xung đột. Đó cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh xâm lược Việt Nam của người Pháp vào sau giữa thế kỷ 18.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

————————

Sách tham khảo:

- Việt sử xứ Đàng Trong - Phan Khoang (nxb Văn học tái bản 2001)

- Chúa Nguyễn và các giai thoại mở đất phương Nam (Nguyễn Hữu Hiếu - nxb Trẻ 2003)

- Quốc triều chính biên toát yếu - Quốc sử quán triều Nguyễn (nxb Thuận Hóa 1998).

- Đại Nam Thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn) Nxb Giáo dục 2002).

Chia sẻ bài viết