03/06/2019 - 07:02

Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (1-8/6 )

Giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa đến hệ sinh thái biển 

Thuật ngữ nhựa thường được sử dụng để chỉ nhựa tổng hợp có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Những tác động của nó gây chết sinh vật biển do tiêu hóa hoặc mắc kẹt trong ngư cụ trôi nổi. Ðồng thời phá hủy sinh cảnh, tạo điều kiện du nhập cho các loài ngoại lai. 80% rác thải nhựa đại dương có nguồn gốc từ lục địa, do đó các giải pháp tổng hợp phải dựa trên việc quản lý rác thải rắn trên đất liền.

Quản lý tốt rác thải rắn trên đất liền là một trong những giải pháp để giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa trên đại dương. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ dọn rác tại Bờ kè ven sông Khu dân cư 586, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Ảnh: CTV

► Những tác hại to lớn

Chuyên gia Hà Thanh Biên, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, kể từ năm 1950 sản lượng nhựa trên thế giới tăng từ 1,5 triệu tấn lên tới 380 triệu tấn/năm. Trong đó chỉ có khoảng 9% được tái chế, 12% bị đốt còn 79% đều xử lý theo kiểu chôn lấp và thải bỏ. Hiện có 393 triệu tấn nhựa đang trôi nổi trên bề mặt biển và bị phân rã thành các mảnh vi nhựa với kích cỡ mircro, nano, pico, là mối đe dọa tiềm tàng đến các hệ sinh thái biển và sức khỏe con người.

Cụ thể, ảnh hưởng vật lý của rác thải nhựa đến môi trường gây phá hủy hoặc suy giảm đa dạng sinh học; làm chết các sinh vật bởi vướng vào lưới đánh cá bị mất hoặc bị bỏ lại trên đại dương; gây chết sinh vật qua con đường ăn uống; thay đổi cấu trúc, thành phần loài của các hệ sinh thái bao gồm việc chuyên chở các sinh vật ngoại lai từ nơi khác đến. Các tác động về mặt hóa học sẽ tăng lên khi các rác thải nhựa giảm kích cỡ. Các nhà khoa học lo ngại rằng, các sinh vật biển ăn phải các hạt vi nhựa sẽ làm tăng nguy cơ các sinh vật bậc cao (bao gồm cả con người) có thể bị ảnh hưởng bởi các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, dẫn đến nhiều bệnh lý như vô sinh, ung thư… Về kinh tế - xã hội, rác thải nhựa tác động trực tiếp lên những hoạt động kinh tế trên biển: rác chặn các cửa hút nước hoặc rác vướng vào lưới đánh cá; tổn thất trong việc dọn dẹp các bãi biển du lịch và luồng hàng hải…

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, chất thải nhựa chiếm 8 -16% chất thải rắn sinh hoạt đô thị ở nước ta. Việt Nam thuộc tốp các quốc gia xả nhiều rác thải biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Trong đó túi ni lông chiếm khối lượng khá lớn trong thành phần nhựa thải và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống xã hội, từ đô thị đến nông thôn. Ước tính mỗi năm Việt Nam sử dụng và thải bỏ khoảng hơn 30 tỉ túi ni lông/năm. Riêng khu vực đô thị, nhựa là túi ni lông chiếm khoảng 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Chỉ khoảng 17% số túi ni lông được thường xuyên tái sử dụng, số còn lại đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần.

► Ngập ngụa rác thải nhựa ven biển

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, ước tính mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn chất thải nhựa xâm nhập vào đại dương, trong đó châu Á chiếm hơn 60% lượng rác thải. Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia hàng đầu về rác thải nhựa, chỉ đứng sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Kết quả khảo sát của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) năm 2018 cho thấy, thành phố Hải Phòng là một trong những địa phương của Việt Nam có nhiều rác thải nhựa trôi nổi trên biển từ các nguồn chất thải đô thị, sinh hoạt, nông nghiệp, bệnh viện, nuôi trồng thủy sản, giao thông vận tải biển… Tại đảo Cát Bà, số lượng phao xốp chiếm hơn 20% trong tổng số vật liệu nổi được sử dụng, trong đó có các loại bọc bạt dứa, bạt ô tô, hoặc các mảnh vụn của chai, lọ, nhựa, hộp xốp bị vỡ... Kết quả kiểm tra rác thải tại một số khách sạn và nhà hàng tại thị trấn Cát Bà, về mặt thể tích nhựa không thể tái chế chiếm một phần lớn lượng rác thải từ các nhà hàng. Riêng túi ni lông và các loại bao bì chiếm 87% tổng lượng rác thải nhựa không thể tái chế.

Còn tại khu vực ven biển Hạ Long, ô nhiễm cũng đang làm ảnh hưởng đến danh tiếng của Kỳ quan thiên nhiên này, đặc biệt trong mắt du khách quốc tế. Tại khu vực giáp ranh với quần đảo Cát Bà, rác là các mảnh phao xốp nổi trắng cả một vùng biển rộng lớn. Dọc tuyến ven bờ vào những ngày mưa hay nước triều cường, rác vây kín ngập ngụa nhiều khu vực. Ngoài  rác thải từ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, các tàu đánh cá cũng là những nhân tố gây ô nhiễm biển vì ngư dân thường xuyên vứt rác thải hằng ngày (như đồ đựng thức ăn và đồ uống) xuống biển.

► Thực hiện các biện pháp giảm thiểu

Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, GreenHub đã triển khai Dự án Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam. Dự án được Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) và Chương trình tái chế rác thải đô thị (MWRP) hỗ trợ, được triển khai từ tháng 3/2018-3/2020. Với mục tiêu nhằm giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa  thông qua sự hợp tác của các bên, nhằm tăng cường hiệu quả quản lý rác thải trong các ngành nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Đồng thời đặt nền móng cho việc xây dựng thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng thành khu vực kiểu mẫu về quản lý rác thải.

Bà Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub cho biết: Thực hiện Dự án Hướng đến các thành phố kiểu mẫu về quản lý rác thải ở khu vực ven biển phía Bắc Việt Nam, từ năm 2016 - 2018, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phối hợp với GreenHub đã phối hợp hoạt động sự kiện làm sạch bờ biển và thu thập số liệu về rác thải biển. Kết quả thống kê sau 4 lần tổ chức sự kiện có sự tham gia của 425 tình nguyện viên, 4.739kg rác thải được thu gom trên 4,4km bờ biển, trong đó rác xốp thu được chiếm hơn 50%, tiếp theo là các túi và chai nhựa.

Hiện Dự án đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và triển khai thí điểm các biện pháp thân thiện với môi trường trong sử dụng phao xốp ở công trình nổi của khu nuôi thủy sản lồng bè quần đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long. Đây được xem là “thủ phạm” gây ô nhiễm chính của 2 khu vực biển này. Các chuyên gia của Dự án đã tổ chức đào tạo và hỗ trợ thực hiện các biện pháp giảm thiểu và quản lý rác thải cho các ngư dân ở vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà. Mặt khác còn tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải nhựa và các cuộc khảo sát về rác thải nhựa, để tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc giảm thiểu. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với Dự án trong việc thúc đẩy thực hiện kế hoạch hành động để giảm rác thải biển trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, Dự án đã tổ chức các sự kiện làm sạch bờ biển bởi các thiếu niên và tình nguyện viên; tiến hành kiểm toán rác thải ở một số nhà hàng, hộ gia đình, khách sạn; thực hiện thí điểm các giải pháp thay thế (phao xốp được phủ sơn Line-X, ủ rác hữu cơ); điều phối cuộc họp giữa chính quyền địa phương và ngư dân thực hiện cải thiện môi trường trong khu nuôi trồng thủy sản lồng bè; tổ chức hội thảo về những thách thức trong quản lý rác thải và thực hiện quy định về môi trường, đặc biệt là vấn đề rác phao xốp trong khu vực lồng bè nuôi trồng thủy sản.

Dự án đã thu hút được sự quan tâm của các bên liên quan và các tổ chức quốc tế. Chính quyền địa phương và đại bộ phân cư dân nhìn nhận được các thiệt hại to lớn của rác thải nhựa tới môi trường biển nói chung và con người nói riêng, nên Dự án được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương và cư dân khu vực ven biển. Tuy vậy, Dự án cũng gặp một số khó khăn trong quá trình triển khai. Đó là việc nghiên cứu và thí điểm giải pháp thân thiện với môi trường cho vật liệu nổi có rất nhiều chỉ số cần xem xét, những rủi ro xảy ra mà GreenHub phải liên tục giám sát và phải kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, rác thải biển là một vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu, vì rác trôi theo nguồn nước từ nơi này sang nơi khác. Nên đòi hỏi các giải pháp phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh lân cận và các quốc gia ven biển có liên quan.

Bà Trần Thị Hoa kiến nghị các cơ quan chức năng tại các địa phương trong khu vực biển cần phối hợp đồng bộ để thực hiện các biện pháp giảm thiểu rác thải; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tổ chức bộ máy về kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; vận động chính quyền địa phương đẩy mạnh hệ thống chế tài xử lý những vi phạm về quản lý rác thải biển… Các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, xây dựng phương pháp xác định lượng chất thải nhựa trên biển Việt Nam; áp dụng công cụ kinh tế để phòng ngừa, giảm thiểu chất thải nhựa; ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm giảm tác động của các thiết bị nuôi trồng, đánh bắt hải sản sau thải bỏ. Ngoài ra, cần nhân rộng và ứng dụng các sáng kiến tái chế nhựa như sản phẩm nghệ thuật có sử dụng nguyên liệu tái chế; hỗ trợ mô hình xưởng tái chế rác thải nhựa; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu thân thiện với môi trường thay thế cho các sản phẩm nhựa, ni lông sử dụng một lần…

Văn Hào (TTXVN)

Chia sẻ bài viết