12/09/2023 - 07:10

Giảm sử dụng thuốc lá - giảm bệnh tật và tử vong 

Bài, ảnh: H.H

Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá (TL), tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói TL nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm TL gây ra. Bảo đảm quyền được sống, làm việc và học tập trong môi trường không khói TL của người dân. Đó là mục tiêu của Chiến lược phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 theo Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24-5-2023.

Bảng tuyên truyền tại cổng Trường THPT Châu Văn Liêm.

Bảng tuyên truyền tại cổng Trường THPT Châu Văn Liêm.

Theo Quỹ Phòng, chống tác hại TL, tỷ lệ sử dụng TL trong toàn quốc giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020, trong đó nam giới là từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Tỷ lệ sử dụng TL trong thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống 1,9% (năm 2022). Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia hút TL nhiều nhất trên thế giới; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN có số người trưởng thành hút TL cao nhất. Thuế TL của Việt Nam còn rất thấp. Khả năng tiếp cận với các sản phẩm TL rất dễ dàng; cảnh báo sức khỏe trên bao bì sản phẩm thuốc lá từ 2013 chưa thay đổi; xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá mới; công tác kiểm tra, xử phạt chưa được thực hiện thường xuyên; việc vi phạm quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thuốc lá tại các điểm bán thuốc lá và trên mạng Internet khá phổ biến.

Từ bối cảnh đó, mục tiêu cụ thể của Chiến lược đến năm 2030: Giảm tỷ lệ sử dụng TL trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói TL: tại nơi làm việc xuống dưới 25%; tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TL điện tử, TL nung nóng, shisha và các sản phẩm TL mới khác trong cộng đồng.

Chiến lược đề ra 7 nhóm giải pháp. Nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của TL gồm: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm TL; đề xuất ban hành quy định về ngăn ngừa các sản phẩm TL điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm TL mới khác trong cộng đồng; xây dựng, ban hành các quy định, quy chế lồng ghép hoạt động tư vấn cai nghiện TL vào các chương trình y tế quốc gia về phòng, chống các bệnh không lây nhiễm; nghiên cứu, đề xuất ban hành các quy định về sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm hỗ trợ cai nghiện; nghiên cứu đề xuất việc chi trả cho các hoạt động điều trị, tư vấn cai nghiện TL từ Quỹ bảo hiểm y tế.

Các nhóm giải pháp còn lại gồm: tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành; tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống giám sát; kiện toàn, nâng cao năng lực mạng lưới về phòng, chống tác hại của thuốc lá và hợp tác quốc tế.

Chia sẻ bài viết