04/04/2009 - 07:50

Giám sát thực hiện chính sách di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi tại miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 3-4, Phiên họp toàn thể lần thứ 5 Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thảo luận về Báo cáo kết quả giám sát công tác di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Nam, Kon Tum và Phú Yên.

Báo cáo của Hội đồng Dân tộc và ý kiến của nhiều đại biểu đánh giá: công tác bồi thường, di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi cơ bản hoàn thành, đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ ban đầu để khởi công công trình. Các điểm tái định cư được bố trí đất ở bình quân mỗi hộ khoảng 400-1.400 m2, dọc các tuyến đường giao thông, gần các khu dân cư cũ, thuận tiện cho việc đi lại của đồng bào. Hầu hết cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh được triển khai tương đối đồng bộ, bước đầu cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại của nhân dân tái định cư. Công tác hỗ trợ di dân, tái định cư được coi trọng, việc lựa chọn mẫu nhà ở, các công trình công cộng có sự tham khảo ý kiến của người dân. Việc tổ chức di chuyển các hộ dân từ nơi ở cũ đến điểm tái định cư được chuẩn bị chu đáo, có sự hỗ trợ bước đầu về lương thực, y tế, giáo dục, điện, dầu thắp sáng... giúp đồng bào yên tâm sinh sống tại nơi ở mới.

Qua hoạt động giám sát cũng cho thấy: Công tác di dân, tái định cư vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hiện nay, đất sản xuất ở hầu hết các nơi đều thiếu, trong khi đó, tại nhiều dự án thủy điện, diện tích bị ngập rất lớn, đất ở vùng bị ngập thường là đất tốt, có khả năng sản xuất nông nghiệp. Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) nêu lên thực trạng nhân dân đến nơi ở mới được giao đất sản xuất ít hơn nơi ở cũ, chất lượng đất xấu; bà con mới chủ yếu độc canh cây cà phê và cây lúa nên thu nhập thấp, khó ổn định cuộc sống. Công tác quy hoạch các khu điểm tái định cư có nơi chưa thật hợp lý, chưa khảo sát tính toán sát với thực tế và chưa tính đến nguyện vọng và yếu tố phong tục tập quán của đồng bào. Tiến độ triển khai xây dựng các công trình phúc lợi công cộng còn chậm, tại các khu, điểm tái định cư ngoài nhà ở, hệ thống điện sinh hoạt, đường giao thông nội vùng, nước sinh hoạt đã được triển khai tương đối tốt, tuy nhiên, tiến độ xây dựng các công trình công cộng như trường học, trạm xá, nhà văn hóa tiến hành chậm, nhiều điểm chưa triển khai... Theo đại biểu Danh Út, 4 tỉnh trên đã quy hoạch, xây dựng 66 điểm tái định cư, nhưng hiện mới có 46 điểm tái định cư hoàn thành việc xây dựng và tổ chức tiếp nhận 4.241 hộ dân đến tái định cư.

Qua phân tích những tồn tại, hạn chế trong công tác di dân tái định cư, Hội đồng Dân tộc kiến nghị: Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, di dân và tái định cư đối với các công trình thủy điện, thủy lợi trên phạm vi cả nước. Chính phủ cần tổng kết toàn diện, đánh giá tổng thể về việc xây dựng các công trình thủy điện trong những năm qua để có các giải pháp phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường và ổn định đời sống nhân dân vùng dự án tái định cư. Công tác di dân, tái định cư phải đầu tư trước một bước, đảm bảo các yếu tố để dân đến nơi ở mới có điều kiện tốt hơn nơi ở cũ; sớm ban hành quy định khung về chính sách bồi thường, áp giá, hỗ trợ tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi thống nhất trong cả nước để các địa phương vận dụng thực hiện...

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết