14/07/2015 - 09:37

Đổi mới đánh giá học sinh tiểu học

Giảm áp lực cho học sinh

Kết thúc năm học đầu tiên thực hiện đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết quả bước đầu cho thấy, đã giảm áp lực về điểm số cho học sinh. Đồng thời, phụ huynh và học sinh dần thích nghi với cách đánh giá này, tác động hiệu quả đến quá trình phấn đấu trong học tập và rèn luyện của học sinh…

* Hiệu quả bước đầu

 Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Thới Thuận 2, quận Thốt Nốt.

Thông tư 30 có hiệu lực từ ngày 15-10-2014 quy định về đánh giá học sinh tiểu học không sử dụng điểm số mà thay vào đó là nhận xét trực tiếp vào vở học sinh, sổ theo dõi chất lượng…. Việc đánh giá này là nền tảng quan trọng để học sinh phát triển toàn diện về sở trường, năng lực và phẩm chất. Ông Trần Thanh Tài, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT thành phố, cho biết: "Mục tiêu lớn của Thông tư 30 là đánh giá sự tiến bộ, từng mặt mạnh, mặt yếu của học sinh, làm căn cứ để giáo viên có giải pháp điều chỉnh. Theo chúng tôi, Thông tư 30 góp phần làm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh về điểm số, không còn phải "canh" thành tích thể hiện trên phương diện điểm số, đánh giá học sinh điểm cao hay thấp". Thông qua lời nhận xét cụ thể và từ sự định hướng, học sinh kịp thời khắc phục hạn chế, không ngừng tiến bộ về học tập và phẩm chất. Qua đó nhận biết và điều chỉnh cách học phù hợp thế mạnh và điểm yếu từng học sinh.

Đầu năm học, em Nguyễn Quốc Thắng (học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học Long Tuyền 2, quận Bình Thủy) học yếu môn Toán. Cô giáo nhận xét Thắng cần ôn luyện môn toán, về cách viết số, đọc và tính… Từ đó Thắng thấy được hạn chế, cố gắng học tập và dần dà Thắng học khá môn này hơn… Năm học qua, em Trần Văn An (học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Thới Thuận 2, quận Thốt Nốt) đạt danh hiệu học sinh xuất sắc toàn diện. Để có được kết quả này là sự nỗ lực vượt bậc của An và sự hỗ trợ tích cực của giáo viên chủ nhiệm. Học giỏi nhưng An rất hiếu động hay chọc phá bạn bè. Đến lớp, An ít chú tâm làm bài tập, đôi khi xao lãng việc học. Biết được đặc điểm đó, cô Phan Thị Ngọc Mai, giáo viên chủ nhiệm trực tiếp uốn nắn, khích lệ qua những lời nhận xét, An dần khắc phục nhược điểm, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè. An nói: "Qua nhận xét của cô, em nhận ra một số khó khăn chưa thể vượt qua và nhờ cô hướng dẫn, giúp đỡ cách sửa chữa. Nhờ vậy, cuối năm học này, em được bầu chọn là học sinh xuất sắc toàn diện". Cô Ngọc Mai cho biết: "Sau 1 năm thực hiện Thông tư 30, tôi thấy học sinh thoải mái, tự tin, ít so sánh điểm số, tự chủ trong giao tiếp, không tự ti, biết đoàn kết, giúp đỡ bạn bè". Đồng quan điểm trên, cô Lê Thị Hường, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy nói: "Việc không cho điểm thường xuyên giảm áp lực cho học sinh lẫn phụ huynh, hạn chế dần tình trạng dạy và học thêm...".

* Thêm nhiều nỗ lực

Từ khi Thông tư 30 được áp dụng, các đơn vị trường học tuyên truyền khá kỹ, làm thay đổi suy nghĩ của phụ huynh học sinh về việc đánh giá mới này. Ông Phan Quốc Khanh, phụ huynh em Phan Huỳnh Nhật Linh (học sinh lớp 2A1, Trường Tiểu học Long Tuyền 2, quận Bình Thủy), nói: "Từ khi trường thực hiện thông tư, tôi ít hỏi con về điểm số mà hỏi cô giáo dạy điều gì, học được gì từ thầy cô và bạn bè. Nhìn vào nhận xét của giáo viên, tôi thấy sự tiến bộ hằng ngày, hằng tuần của con. …".

Theo các giáo viên và nhà quản lý giáo dục, việc chuyển từ cách đánh giá bằng điểm số kết hợp với nhận xét sang bằng nhận xét, thời gian đầu dĩ nhiên gặp bỡ ngỡ. Dần dà giáo viên quen với việc đánh giá học sinh mới như: trực tiếp trên lớp, qua tập học sinh cũng như sổ theo dõi chất lượng từng tháng, cuối học kỳ. Theo thầy Tài, để việc đánh giá học sinh không rập khuôn, mỗi đơn vị cần linh động và có sự sáng tạo phù hợp. Do thông tư này đánh giá học sinh trên 3 phương diện: học tập, năng lực, phẩm chất và việc đánh giá không đơn thuần những điểm số khô khan, mà là lời đánh giá rất cụ thể, sinh động, nên học sinh có điều kiện phát huy tốt ưu điểm, hạn chế dần thiếu sót. Cô Lâm Kiều Nga, giáo viên lớp 4A1, Trường Tiểu học Long Tuyền 2, quận Bình Thủy, cho biết: "Lời nhận xét của giáo viên quan trọng, phải cụ thể, sát thực để giúp học sinh tiến bộ. Giáo viên phải chọn lời hay, đẹp để động viên, khích lệ tinh thần học sinh. Theo tôi, lời khen khắc sâu vào tâm trí học sinh hơn điểm số".

Theo ngành giáo dục thành phố, việc thực hiện Thông tư 30 còn một số vấn đề vướng mắc. Giáo viên ghi lời nhận xét chung chung chưa kích thích tinh thần học tập của học sinh, hoặc thầy cô giáo các môn: Âm nhạc, Mỹ Thuật và Thể dục, do dạy nhiều lớp, nhiều học sinh nên việc đánh giá gặp không ít khó khăn. Đơn cử, Trường Tiểu học Long Tuyền 2 có 1 giáo viên môn Âm nhạc và Mỹ thuật, mỗi giáo viên đánh giá nhận xét 618 học sinh. Trước tình hình này, Sở GD&ĐT thành phố có công văn chỉ đạo do đặc thù môn học nên giáo viên chỉ đánh giá những học sinh nổi trội và học sinh hạn chế cần khắc phục. Còn đối với học sinh hoàn thành thì không cần ghi vào sổ nhận xét mà đánh giá trực tiếp trong tiết học hoặc vào vở của học sinh. Mặt khác, hiện nay giáo viên tiếng Anh vẫn nằm trong định biên 1,5 giáo viên/lớp, chưa có chính danh trong biên chế nhà trường. Theo quy định, mỗi giáo viên bậc tiểu học dạy 23 tiết/tuần nhưng thực tế nhiều giáo viên dạy vượt quá số tiết. Giáo viên dạy tiếng Anh nhiều lớp nên không thể đánh giá tất cả học sinh nên dẫn đến tình trạng học sinh học tiếng Anh vẫn chưa được đánh giá vào trong sổ mặc dù được đánh giá bằng nhận xét trong tiết học, chưa ghi lại làm cơ sở khen thưởng. Thầy Tài cho biết thêm: "Chúng tôi yêu cầu giáo viên môn Ngoại ngữ đánh giá từng học sinh trong khi số giáo viên ngoại ngữ quá ít, số lớp lại nhiều. Do đó, Bộ GD&ĐT cần kết hợp với Bộ Nội vụ để định biên giáo viên tiếng Anh cho các trường".

Bài, ảnh: MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết