21/12/2010 - 22:04

Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Những căn nhà ven kinh Cái Sắn, cặp quốc lộ 80 trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, có nguy cơ bị sạt lở cao, ảnh hưởng từ BĐKH.

Theo đánh giá chung của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã trở thành mối đe dọa toàn cầu và Việt Nam là một trong năm nước trên thế giới dễ bị tổn thương nhất. Trong đó, ĐBSCL được xác định là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề và có thể gây tác hại xấu đến việc đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, bảo vệ môi trường... của khu vực và cả nước. Vì thế, các ngành chức năng trong vùng đã và đang nỗ lực tìm cách ứng phó, sống chung với tình trạng này.

* NGUY CƠ TỪ BĐKH

ĐBSCL được biết đến là vựa lúa của cả nước, đóng góp trên 50% sản lượng lúa, 70% sản lượng trái cây, 58% sản lượng thủy sản; chiếm 90% tổng lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Do địa hình thấp so với mực nước biển, nằm ở hạ lưu sông Mêkông, tiếp giáp với biển nên ĐBSCL phải đối mặt với nhiều thách thức môi trường, đặc biệt là tác động của BĐKH toàn cầu và sự thay đổi lưu lượng dòng chảy của con sông Mêkông.

Theo nhiều nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, BĐKH thể hiện rõ nhất như nhiệt độ đang có xu hướng tăng cao trong khoảng vài ba thập niên gần đây. Lượng mưa qua các quan trắc và mô phỏng cho thấy sự bất thường ngày càng nhiều, lượng mưa đầu mùa giảm, các trận mưa lớn cuối mùa lại tăng. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mêkông đổ về ngày càng ít, trong khi xâm nhập mặn ngày càng sâu vào đất liền, gây khó khăn mới cho sản xuất nông nghiệp cũng như sinh kế của cư dân. Tại TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, năm nay lũ thấp, tổng lượng nước trên sông Cửu Long chỉ bằng 30% so với những năm lũ lớn, bằng 60-70% so với những năm lũ trung bình. Trong khi đó, triều cường lại dâng cao hơn so với những năm gần đây, khiến nhiều cụm dân cư, đô thị ngập sâu trong nước. Các nhà chuyên môn lại dự báo: khả năng hạn, xâm nhập mặn sẽ diễn ra sớm và kéo dài, gay gắt hơn trong những năm tới.

Anh Ngô Văn Bé, ở xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, cho biết: “Năm nay nước lũ về ít, đồng ruộng ít phù sa nên có thể năng suất lúa không cao như những năm trước. Theo kinh nghiệm của tôi, nước lũ về ít thì mùa khô sắp tới (khoảng tháng 3-5 âm lịch) có khả năng bị thiếu nước sản xuất. Do đó, việc nạo vét kênh, rạch dẫn nước là rất cần thiết”.

Theo Kịch bản BĐKH tại ĐBSCL của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị xâm nhập mặn, mất 2 triệu ha đất trồng lúa. Hàng loạt địa phương bị chìm trong nước như: Bến Tre, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Tiền Giang... mất từ 40% - 50% diện tích; đồng thời 6 tỉnh có trên 400 ngàn người/tỉnh sẽ bị ảnh hưởng... Nhiều người dân ĐBSCL sẽ bị mất nhà đất và ruộng vườn khi mực nước biển dâng cao. BĐKH và ngập mặn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của quốc gia. Với mật độ dân số cao và hoạt động kinh tế chủ yếu là sản xuất nông ngư nghiệp nên các tác động của BĐKH đối với sự đa dạng sinh học, điều kiện cư trú, sức khỏe, tài sản và sinh kế của người dân, các ngành kinh tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật... ở ĐBSCL là hết sức nghiêm trọng.

* TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN, ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC

Người dân ĐBSCL đã khá quen thuộc với quy luật dòng chảy của lũ và đã thích nghi với tình trạng lũ lụt ở đây. Họ biết cách hạn chế các nguy cơ của lũ, khai thác các lợi ích do lũ đem lại. Người dân cũng đã bắt đầu làm quen với khái niệm “sống chung với BĐKH” và có nhiều sáng tạo để thích nghi. Quan điểm “sống chung với BĐKH” chưa là khẩu hiệu chính thức từ cấp chính quyền nhưng đã được người dân một số nơi và các phương tiện truyền thông đại chúng nói đến. Thực tế cho thấy, hai biện pháp giảm nhẹ và thích nghi đều tồn tại song song và bổ sung cho nhau trong việc ứng phó với BĐKH ở ĐBSCL.

Để giảm nhẹ thiên tai, người dân vùng ĐBSCL làm những việc đơn giản, như trồng cây quanh nhà, trữ nước ngọt, tiết kiệm nước trong sản xuất đến các công việc phức tạp hơn như nâng nền, thay đổi cấu trúc nhà cửa, điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, sử dụng giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu hạn, chịu nóng, ngập và mặn tốt hơn. Một số biện pháp đang được đề xuất như trồng rừng phòng hộ, làm đê bao, gia cố kè sông, chống sạt lở ven biển, xây dựng các nhà cộng đồng trú bão lụt và gia tăng biện pháp cảnh báo thời tiết. Nhiều lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH, lồng ghép BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã và đang được thực hiện.

Theo Viện nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, việc ứng phó lâu dài với hiện tượng BĐKH và nước biển dâng ở ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực thực hiện việc ứng phó còn thiếu và yếu, sự phân công trách nhiệm, phân cấp thực hiện cho các ban ngành và địa phương chưa rõ rệt. Hầu hết cán bộ kỹ thuật đều lúng túng khi chưa có một phương pháp phân tích và biện pháp ứng phó cụ thể, chi tiết. Các quy hoạch phát triển của từng địa phương ở tầm ngắn hạn, chừng 5-10 năm, so với diễn biến dài hạn của BĐKH là vài chục năm. Một số địa phương còn ngần ngại vì cho rằng đánh giá các nguy cơ do thiên tai, BĐKH sẽ làm khó khăn hơn trong việc kêu gọi đầu tư hoặc phá vỡ kế hoạch triển khai các dự án đã được phê duyệt.

Theo các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu BĐKH, nếu quyết tâm, biết phối hợp giữa chính quyền, các nhà khoa học, nhân dân bằng những bước đi hợp lý và khoa học, vùng ĐBSCL có thể có những giải pháp thiết thực nhằm giảm nhẹ các tác hại, thậm chí có thể khai thác, tận dụng lợi ích do BĐKH mang lại. Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Viện Phó Viện Nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Trường Đại học Cần Thơ đã, đang và sẽ tiếp tục đào tạo học viên, cán bộ có nhu cầu theo học các chuyên ngành có liên quan BĐKH ở bậc đại học, sau đại học để lực lượng này đủ khả năng, kiến thức phục vụ tốt công tác ứng phó, thích ứng BĐKH trong thời gian tới”.

Vai trò của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về hậu quả cũng như các biện pháp thích ứng với BĐKH là đặc biệt quan trọng. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể, nhất là tăng cường đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt công tác ứng phó, thích nghi BĐKH.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết