10/07/2019 - 10:27

Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu 

Hoạt động xuất khẩu của nước ta đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do nhiều quốc gia trên thế giới gia tăng bảo hộ mậu dịch, cũng như căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới gần đây. Song, nước ta vẫn có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nếu biết khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và chủ động tháo gỡ vướng mắc để duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu chủ lực truyền thống.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2, TP Cần Thơ.

► Tăng trưởng chậm 

 Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhu cầu nhập khẩu và giá nhiều mặt hàng giảm đã tác động xấu đến hoạt động xuất khẩu của nước ta, nhất đối với các sản phẩm nông, thủy sản. Bên cạnh đó, nhiều nước trên thế giới cũng gia tăng các rào cản kỹ thuật trong thương mại để hạn chế hàng nhập khẩu và tăng cường sản xuất, tiêu dùng hàng trong nước. Ngoài ra, hoạt động sản xuất và xuất khẩu nhiều sản phẩm nông, thủy sản cũng gặp khó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết và dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi.

Theo số liệu báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của nước ta 6 tháng đầu năm nay ước đạt 122,72 tỉ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trên thấp hơn mức tăng 16,4% của 6 tháng đầu năm 2018 và 19,4% của 6 tháng đầu năm 2017. Riêng trong tháng 6-2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 21,6 tỉ USD, giảm 1,4% so với tháng trước. Trong 6 tháng đầu năm nay có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, các mặt hàng này chiếm 86,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 23,5 tỉ USD; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,5 tỉ USD; hàng dệt may đạt 15 tỉ USD; giày dép đạt 8,8 tỉ USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng đạt 4,3 tỉ USD… Đáng chú ý 6 tháng đầu năm nay được bổ sung thêm 2 mặt hàng mới đạt giá trị trên 2 tỉ USD là rau quả và xơ, sợi dệt. 

Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch tăng hơn 27,4% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm tỷ trọng khoảng 22,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; tiếp đến là EU giảm 0,4% và chiếm tỷ trọng 16,7%; ASEAN tăng 6,7% và chiếm tỷ trọng 10,6%; Nhật Bản tăng 9,1% và chiếm tỷ trọng  7,9%; Trung Quốc tăng 1% và chiếm tỷ trọng 13,7%.

► Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Xuất khẩu hàng hóa không chỉ đem lại nguồn ngoại tệ cho đất nước mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển nền sản xuất trong nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nhiều phân tích, dự báo của cơ quan chức năng và của các chuyên gia cho thấy, nước ta vẫn có nhiều cơ hội để tăng cường xuất khẩu trong thời gian tới. Tuy nhiên, các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương cần phải vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ kịp thời các khó khăn và vướng mắc, cũng như có giải pháp chủ động nắm bắt tốt các cơ hội.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tác động rất mạnh đến một số đối tác và thị trường của chúng ta, trong đó có thị trường Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rất lớn các sản phẩm nông sản, thủy sản của nước ta. Trong 6 tháng cuối năm, chúng ta phải tập trung quyết liệt các giải pháp để khơi thông thị trường này, bằng cách không chỉ tăng cường xuất các mặt hàng đã được Trung Quốc cho xuất khẩu chính thức mà chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường, tăng thêm các mặt hàng xuất khẩu chính ngạch mới. Thứ 2, đẩy nhanh tiến trình phối hợp với phía Trung Quốc để cấp phép cho doanh nghiệp ta trong xuất khẩu các lĩnh vực, ngành hàng để mở rộng quy mô, năng lực xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại để khôi phục, phát triển thị phần tại thị trường Trung Quốc, đặc biệt đảm bảo yêu cầu tiêu thụ của ngành hàng kinh tế lớn và rất nhạy cảm của ta là nông nghiệp.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 6 năm 2019 ước đạt 3,63 tỉ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 19,8 tỉ USD, tăng 2,2% cùng kỳ năm 2018. 

Trong các thị trường chúng ta đã phát triển tương đối tích cực thì tập trung khai thác quyết liệt, nhất là các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do (FTA). Gần đây, tất cả các thị trường mà chúng ta có hiệp định thương mại tự do đều có tăng trưởng tích cực về xuất khẩu, kể cả Nga, Nhật hay các thị trường từ CPTPP mới đây, như: Canada tăng 34%, Chile và Mexico cũng tăng trưởng ở mức rất cao, 2 con số, tới gần 40%. Đây là cơ hội chúng ta tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt là những ngành hàng lớn như: dệt may, da giày… để đảm bảo tốc độ tăng trưởng những ngành này cao hơn so kế hoạch, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu.

Để gia tăng xuất khẩu, nước ta cũng cần lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể nhằm phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa. Tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường mới còn tiềm năng, đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác đã có hiệp định tự do thương mại (FTA). Quan tâm tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là về thông tin thị trường, hỗ trợ làm nhanh các hồ sơ thủ tục xuất khẩu và hướng dẫn, tập huấn kịp thời cho doanh nghiệp về tiêu chuẩn hàng hóa, quy tắc xuất xứ mà từng thị trường xuất khẩu yêu cầu. Mặt khác, chúng ta cần tăng cường các giải pháp phòng vệ thương mại và chống chuyển tải hàng hóa, phòng tránh hàng nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam để xuất khẩu đi các nước làm ảnh hưởng đến uy tín và tạo nguy cơ hàng Việt bị áp thuế thương mại của các đối tác. Chủ động phối hợp với cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết