02/05/2010 - 10:02

Nâng cao hiệu quả mô hình chiếu sáng đô thị, tiết kiệm điện năng

Giải pháp nào ?

Giới thiệu các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng nhân “Sự kiện truyền thông nhân rộng các mô hình chiếu sáng hiệu suất cao, khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ.

Dự án chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (VEEPL) được Chính phủ giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện nhằm đưa ra mục tiêu góp phần tiết kiệm 1,32 tỉ kWh điện trong giai đoạn 2006 -2013, tương đương giảm phát thải 568.000 tấn khí CO2. Dự án còn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 3-5% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc giai đoạn 2006-2010. Mới đây, “Sự kiện truyền thông nhân rộng các mô hình chiếu sáng hiệu suất cao, khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ” diễn ra tại TP Cần Thơ, đã đưa ra các giải pháp chiếu sáng công cộng hiệu suất cao (CSCCHSC), tiết kiệm điện năng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nguồn điện năng tiêu thụ cho lĩnh vực chiếu sáng hàng năm chiếm khoảng 25,2% tổng điện năng thương phẩm. Để sử dụng tiết kiệm năng lượng, việc thực hiện CSCCHSC luôn là giải pháp thiết thực. “Sự kiện truyền thông nhân rộng các mô hình chiếu sáng hiệu suất cao, khu vực các tỉnh miền Tây Nam Bộ” được tổ chức nhằm tạo cơ hội chia sẻ thông tin, kinh nghiệm áp dụng các mô hình CSCCHSC, đặc biệt là chiếu sáng công cộng giữa các nhà quản lý, công ty chiếu sáng, doanh nghiệp sản xuất thiết bị chiếu sáng... tại các tỉnh, thành trong khu vực.

Trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm điện năng đã giới thiệu các giải pháp, công nghệ chiếu sáng tiết kiệm điện và các công cụ quản lý trong ngành chiếu sáng như 2 phần mềm về tính toán kinh tế kỹ thuật và thu thập thông tin đánh giá hệ thống chiếu sáng, giới thiệu hệ thống đèn chiếu sáng công cộng ứng dụng năng lượng mặt trời, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình CSCCHSC cho hệ thống đèn đường phố, ngõ xóm, trường học, bệnh viện, trụ sở làm việc tại một số thành phố như Cần Thơ, Quy Nhơn, TPHCM.

Chiếu sáng đô thị đang trở thành một trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống đô thị. Chiếu sáng công cộng đô thị không phải chỉ để mang lại ánh sáng về ban đêm mà còn tôn tạo vẻ đẹp, đặc biệt là cải thiện hình ảnh của đô thị và làm phong phú thêm các giá trị cảnh quan, nhấn mạnh các giá trị di sản, làm giàu lên bản sắc văn hóa của đô thị. Trong thời gian qua, chính quyền các đô thị đã quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chiếu sáng đô thị, các loại hình chiếu sáng đô thị ngày càng phong phú, tính thẩm mỹ, tính tiện nghi ngày càng cao. Tuy vậy, chiếu sáng đô thị còn ở mức thấp so với yêu cầu và còn nhiều vấn đề tồn tại như chiếu sáng công cộng chưa được quy định cụ thể trong các đồ án quy hoạch đô thị, mà mới chỉ là lồng ghép trong quy hoạch cấp điện đô thị. Chất lượng chiếu sáng chưa cao, tự phát, chưa có quy định mang tính pháp lý về nội dung quản lý. Chiếu sáng hiệu suất thấp, tiêu tốn điện năng vẫn còn rất phổ biến, việc khuyến khích sử dụng sản phẩm CSCCHSC, tiết kiệm điện chưa được thể chế hóa. Ngoài ra, chính sách cụ thể để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống chiếu sáng, việc tổ chức vận hành CSCCHSC chưa thống nhất ở đô thị...

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện nay chiếu sáng đô thị, trong đó có chiếu sáng công cộng là một trong những nội dung quan trọng đối với các cơ quan quản lý. Trên địa bàn TP Cần Thơ, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng theo Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị cũng như Thông tư liên tịch số 111/2009/TTLT-BTC-BCT của Bộ Tài chính, Bộ Công thương về việc hướng dẫn thực hiện tiết kiệm điện trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã được tổ chức triển khai thực hiện một cách rất nghiêm túc. Thời gian qua, TP Cần Thơ đã đạt được những kết quả bước đầu về tiết kiệm năng lượng chiếu sáng và chiếu sáng đô thị. Tuy nhiên, việc thực hiện tiết kiệm năng lượng chiếu sáng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại về mặt chuyên môn, kỹ thuật, khung chính sách, giải pháp kỹ thuật và thói quen của không ít người dân.

Qua con số thống kê cho thấy, chỉ tính riêng tại quận Ninh Kiều ngân sách nhà nước mỗi năm phải bỏ ra hơn 4 tỉ đồng để phục vụ cho lợi ích chiếu sáng công cộng. Như vậy, với quy mô phát triển kinh tế chung của toàn thành phố, vấn đề tiêu thụ năng lượng và phục vụ chiếu sáng công cộng trong thời gian tới đang đặt ra bài toán khó cho cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách và các đối tượng tiêu thụ năng lượng. Điều này đòi hỏi phải có sự tham gia đồng bộ và các giải pháp đồng bộ bao gồm cả khung chính sách pháp lý, giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền, truyền thông trong thay đổi về nhận thức trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, đồng thời có thêm nhiều giải pháp ứng dụng để đảm bảo sử dụng năng lượng hiệu quả.

Đề cập đến vấn đề tiêu chuẩn hiệu suất năng lượng, chuẩn mực để đánh giá, thủ tục cấp chứng nhận nhãn tiết kiệm năng lượng cho các sản phẩm chiếu sáng, ông Lương Văn Phan, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam đã giới thiệu mục đích dán nhãn tiết kiệm năng lượng và thủ tục để một sản phẩm được dán nhãn. Đây là một trong những nội dung được Ban soạn thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đặc biệt quan tâm, bởi nếu được triển khai hiệu quả, hoạt động này sẽ tác động tích cực đến sự phát triển thị trường các sản phẩm tiêu thụ năng lượng. Tiêu chuẩn này sẽ đảm bảo 3 yếu tố là tiết kiệm năng lượng, an toàn về điện và tương thích điện từ trường. Đây là phương pháp thử và triển khai dán nhãn tiết kiệm năng lượng thí điểm cho các sản phẩm bóng đèn compacts, balat điện tử, quạt điện, bình đun nước nóng, chóa đèn chiếu sáng đường phố... Như vậy, khoảng 20% sản phẩm hiệu suất thấp sẽ bị loại khỏi thị trường để thúc đẩy các nhà sản xuất cải tiến nâng cao chất lượng các sản phẩm hiệu suất cao, góp phần đáp ứng mục tiêu tiết kiệm năng lượng, giảm khí phát thải nhà kính.

Trong 4 năm qua, dự án VEEPL đã phối hợp hiệu quả với các bộ, ngành Trung ương và địa phương, chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hội Chiếu sáng Việt Nam trong việc triển khai các nội dung của dự án và đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận như phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành Nghị định Quản lý Chiếu sáng đô thị và Nghị định Chính phủ về Quản lý Chiếu sáng đô thị, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng và thực hiện nội dung chứng nhận và dán nhãn hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm chiếu sáng, hỗ trợ nâng cao năng lực kỹ thuật cho ngành chiếu sáng thông qua tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà sản xuất Việt Nam, nâng cao chất lượng sản phẩm, bồi dưỡng năng lực cho một số phòng thí nghiệm đo lường kiểm chuẩn các sản phẩm chiếu sáng, tổ chức hàng loạt khóa đào tạo cơ bản và nâng cao về công nghệ CSCCHSC, chuyển giao công nghệ sử dụng các phần mềm thiết kế sản phẩm và hệ thống chiếu sáng. Dự án đã hỗ trợ và phối hợp với các địa phương xây dựng các mô hình trình diễn và nhân rộng các mô hình CSCCHSC cho đường phố, bệnh viện, trường học và công sở.

Theo kỹ sư Phạm Tài, Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng Đà Nẵng, công nghệ nano phát sáng là một trong những giải pháp góp phần tiết kiệm điện, giảm lượng khí thải nhà kính. Loại đèn LED được chế tạo đã góp phần tiết kiệm 40-70% công suất điện tiêu thụ so với đèn đang được dùng thông dụng hiện nay. Ngoài ra, loại đèn công nghệ nano này làm giảm ô nhiễm môi trường do không phát thải thủy ngân, giảm khí CO2, giải quyết được vấn đề thiếu điện áp khi vào giờ cao điểm. Quá trình lắp đặt thử nghiệm loại đèn trên tại Đà Nẵng cho hiệu quả rất tốt và đang được đề nghị nhân rộng sang nhiều địa phương khác. Ưu điểm của công nghệ này là vật tư lắp ráp hoàn toàn có thể sản xuất được tại Việt Nam...

Ông Nguyễn Việt Thắng, Giám đốc Công ty Công trình công cộng tỉnh Vĩnh Long, chia sẻ: Vĩnh Long là một trong những đơn vị đầu tiên thành lập Chi hội Chiếu sáng cơ sở. Qua bước đầu hoạt động đã thấy được những lợi ích thiết thực và mong muốn hội chiếu sáng Việt Nam cần tạo điều kiện tiếp xúc, cập nhật các kiến thức liên quan đến lĩnh vực chiếu sáng. Đây cũng là một trong những động lực để công tác chiếu sáng tiết kiệm hiệu quả theo chương trình mục tiêu quốc gia diễn ra thuận lợi. Ngoài ra, hội và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cần thường xuyên hỗ trợ cho các hội viên bằng việc thường xuyên cung cấp thông tin về các tiến bộ khoa học, công nghệ, hiệu quả trong quản lý chiếu sáng, tiết kiệm năng lượng...

Bài, ảnh: Triều Dâng

Giới thiệu các sản phẩm chiếu sáng hiệu suất cao tiết kiệm năng lượng nhân “Sự kiện truyền thông nhân rộng

Chia sẻ bài viết