11/11/2010 - 22:20

CẤP PHÉP SỬ DỤNG VỈA HÈ, LÒNG ĐƯỜNG

Giải pháp nâng ý thức xây dựng mỹ quan đô thị

UBND TP Cần Thơ vừa ban hành danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông và các tuyến đường được phép sử dụng lòng đường để đậu xe trên địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Theo đó, người dân được sử dụng một phần vỉa hè, lòng đường cho việc để xe, kinh doanh, buôn bán… Việc sử dụng vỉa hè, lòng đường ở các tuyến đường nêu trên phải đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự đô thị. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, đơn vị quản lý yêu cầu cá nhân, đơn vị sử dụng vỉa hè, lòng đường phải nghiêm túc đóng góp phí sử dụng để công tác chăm sóc, duy tu, tăng cường vệ sinh vỉa hè, lòng đường được thực hiện thường xuyên, bảo đảm mỹ quan đô thị…

TÁI DIỄN ĐIỆP KHÚC LẤN CHIẾM

Buôn bán lấn chiếm quốc lộ 91B (phường An Khánh, quận Ninh Kiều) thường xuyên diễn ra, gây cản trở giao thông, mất trật tự đô thị.
 

Theo thống kê, địa bàn quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ có tổng số trên 100 tuyến đường, trong đó có 46 tuyến đường có vỉa hè từ 3m đến 9m. Đa số các tuyến đường này, người dân được phép sử dụng một phần vỉa hè theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều tuyến đường đã bị lấn chiếm một phần hoặc toàn bộ vỉa hè để làm nơi kinh doanh, buôn bán, đậu xe... Thậm chí, có nhiều tuyến đường bị chiếm dụng lòng đường làm nơi đậu xe, lên xuống hàng hóa... gây mất trật tự, cảnh quan đô thị.

Từ khi khánh thành (tháng 6-2010) và thông xe đến nay, quốc lộ 91B đã trở thành một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố, nối liền giao thông với quốc lộ 91, đi về các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... mật độ cơ sở kinh doanh hàng hóa, quán ăn... tại tuyến đường này phát triển mạnh, nhất là ở các khu vực gần bến xe khách 91B, chợ 3 Tháng 2, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ông Võ Văn Nam, ngụ tại phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn. Vì khi lực lượng kiểm tra đi qua thì người buôn bán tiếp tục để bàn ghế, hàng hóa, xe gắn máy lấn chiếm hết vỉa hè. Người già như tôi hay đi bộ để thư giãn, tập thể dục trên vỉa hè quốc lộ 91B, nhưng khi ra đường chúng tôi sợ nhất cảnh phải xuống lòng đường đi cùng xe gắn máy, ô tô, vì vỉa hè đã bị người ta lấn chiếm buôn bán, kinh doanh”.

Vỉa hè đường 3 Tháng 2, trước Trường Đại học Cần Thơ thông thoáng, không còn cảnh buôn bán bát nháo làm mất mỹ quan đô thị.  

Thời gian gần đây, ngành chức năng quận Ninh Kiều phối hợp cùng chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, lập lại trật tự buôn bán trên vỉa hè của các tuyến đường thuộc địa bàn quận Ninh Kiều. Nhiều tuyến đường đã hạn chế được tình trạng buôn bán, kinh doanh lấn chiếm vỉa hè. Điển hình như đoạn đường trước cổng Đại học Cần Thơ, đường 3 Tháng 2 tình trạng bán trái cây, quần áo may sẵn, nón bảo hiểm, giày dép, dán điện thoại di động, ép dẻo... đã được hạn chế, cảnh bát nháo đã được ngăn chặn. Hoặc tuyến đường Đinh Tiên Hoàng, quận Ninh Kiều, các quán nhậu bình dân, nước giải khát... hạn chế tình trạng để bàn, ghế lấn chiếm vỉa hè, tạo lối đi an toàn cho người đi bộ.

Tuy nhiên, vỉa hè ở một số tuyến đường lớn trên địa bàn quận Ninh Kiều vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè với nhiều cấp độ khác nhau. Nhiều đoạn vỉa hè đường Mậu Thân, Trần Văn Hoài, Hùng Vương, đường 3 Tháng 2... bị lấn chiếm, biến thành nơi buôn bán quần áo may sẵn, trái cây, quán nhậu, để xe và nhiều mặt hàng khác, làm mất mỹ quan đường phố, mất trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó cũng có một số đoạn của vỉa hè đường 30 Tháng 4, quốc lộ 91B, Hai Bà Trưng bị chiếm dụng để họp chợ...

GIẢI PHÁP QUẢN LÝ VỈA HÈ

Đầu năm 2010, UBND TP Cần Thơ ban hành Quyết định số 15/2010 quy định về quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường trên địa bàn. Theo đó, việc sử dụng tạm thời một phần công năng lòng đường và vỉa hè vào các mục đích ngoài giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét và cấp phép, đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Mọi tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường và vỉa hè ngoài mục đích giao thông đều phải xin cấp phép sử dụng và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép. Đồng thời, ở các tuyến đường được sử dụng một phần lòng, lề đường phải bố trí lối đi thuận tiện, an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông. Việc cấp phép chỉ có giá trị trong khoảng thời gian quy định...

Tháng 10-2010, UBND TP Cần Thơ ban hành danh mục các tuyến đường sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông và các tuyến đường được phép sử dụng lòng đường để đậu xe trên địa bàn quận Ninh Kiều. Theo đó có 33 tuyến đường được phép sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông. Bà Đặng Thị Anh Đào, Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều, cho biết: “Trong 33 tuyến đường này đã có một số tuyến được cấp phép sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng. Thời gian tới, quận cũng tăng cường kiểm tra việc sử dụng vỉa hè, lòng đường đối với các cá nhân, tổ chức được cấp phép sử dụng nhằm mục tiêu hướng người sử dụng chấp hành đúng quy định sử dụng, vỉa hè mà giấy phép đề ra. Ngành chúng tôi cũng phối hợp cùng chính quyền địa phương, ngành chức năng tăng cường biện pháp kiểm tra trên tất cả các tuyến đường để lập lại trật tự an toàn đô thị; hướng dẫn các cá nhân, tổ chức sử dụng vỉa hè, lòng đường (ở các tuyến đường cho phép sử dụng) phải đăng ký cấp phép theo quyết định của UBND thành phố. Còn việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường, UBND quận giao cho UBND các phường quản lý và thực hiện thu phí theo đúng qui định của Nhà nước”.

Thực tế cho thấy có một bộ phận không nhỏ người dân dựa vào vỉa hè để mưu sinh. Do đó, việc cho phép người dân sử dụng vỉa hè, lòng đường ngoài mục đích giao thông, có thu phí là hợp lý. Theo UBND quận Ninh Kiều, việc thu phí sử dụng vỉa hè đối với các hộ kinh doanh tại một số tuyến đường sẽ giúp công tác chăm sóc, duy tu, tăng cường vệ sinh vỉa hè được bảo đảm, đồng thời người dân cũng có ý thức hơn trong việc sử dụng vỉa hè, đảm bảo mỹ quan đô thị.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Theo Quyết định số 2796/QĐ-UBND của UBND TP Cần Thơ, có 33 tuyến đường được phép sử dụng tạm thời vỉa hè (1,5m) ngoài mục đích giao thông như: Hòa Bình, Nguyễn Trãi, Trần Văn Khéo, Lý Tự  Trọng, Trần Phú, Hùng Vương, Mậu Thân, Quốc lộ 91B, CMT8, 3 Tháng 2, Châu Văn Liêm, Nguyễn An Ninh, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, 30 Tháng 4, Hồ Tùng Mậu ( Trục A1), Nguyễn Đức Cảnh ( Trục A2), Lê Lợi, đường qua nhà nghỉ Công Đoàn, Trần Ngọc Quế, Trần Văn Hoài, Phạm Ngũ Lão, Ngô Văn Sở, Đinh Tiên Hoàng, Trần Quang Khải, Ngô Quyền, Nguyễn Khuyến, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Đức Kế, Ngô Gia Tự, Võ Trường Toản, Phạm Ngọc Thạch và 6 tuyến đường được sử dụng lòng đường để đậu xe như: Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh (đậu xe cặp tiểu đảo), Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học (đậu xe cặp tiểu đảo), Châu Văn Liêm – Nguyễn An Ninh (đậu xe cặp tiểu đảo),  Trần Văn Khéo (đậu xe phía TT Hội chợ Cần Thơ), Lê Lợi (đậu xe phía Sân vận động), đường vào nhà nghỉ Công Đoàn (đậu xe phía khu ẩm thực Hoa Sứ và Công viên).

Trong quá trình triển khai thực hiện quyết định này, Công an thành phố, Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải tổ chức các lực lượng phối hợp với các đơn vị chức năng của quận Ninh Kiều kiểm tra thường xuyên, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc sử dụng vỉa hè, lòng đường theo quy định; Sở Tài chính phối hợp cùng Cục Thuế thành phố, Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều và các ngành có liên quan tổ chức thu phí theo quy định hiện hành.

Chia sẻ bài viết