27/07/2016 - 20:01

Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản

ĐBSCL có nhiều tiềm năng và lợi thế để xây dựng và phát triển các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh theo nhu cầu của thị trường. Song, muốn phát huy tiềm năng cần tăng cường ứng dụng các giải pháp nông nghiệp thông minh, đưa khoa học và công nghệ cao vào sản xuất… để tạo ra sản phẩm an toàn, gia tăng giá trị và sức cạnh tranh nông sản trên thị trường trong xu thế hội nhập.

Nhiều thách thức

Nhiều hợp tác xã của TP Cần Thơ cùng liên kết, hợp tác sản xuất để cung ứng nhiều loại nông sản “sạch” cho các siêu thị, cửa hàng chuyên kinh doanh rau củ
an toàn... Trong ảnh: Một điểm bán nông sản “sạch” trên đường Hùng Vương, quận Ninh Kiều. 

Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian qua, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nhất là các lãnh đạo và doanh nghiệp thuộc mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp) đẩy mạnh tăng cường liên kết, phối hợp với các bên có liên quan góp phần gia tăng năng suất, chất lượng nhiều sản phẩm chủ lực: lúa gạo, thủy sản và trái cây. Nhiều địa phương đã và đang hình thành một số mô hình tập trung chuyên canh lúa, cây ăn trái và thủy sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, góp phần gia tăng lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực trên thị trường. Trong đó, tập trung triển khai xây dựng vùng nông sản theo hướng thân thiện với môi trường, phát triển mô hình "cánh đồng lớn" liên kết sản xuất và tiêu thụ, khép kín từ cung ứng vật tư-tiêu thụ nông sản-chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, phát triển các mô hình cây ăn trái theo hướng VietGAP, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn,… Thời gian qua, nhiều địa phương vùng ĐBSCL có nhiều nỗ lực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đổi mới sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các loại nông sản. Các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp được các Bộ, ngành trung ương và địa phương triển khai đồng bộ, kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất… góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển.

Hiện nay, ĐBSCL đã trở thành vùng sản xuất và xuất khẩu nông sản trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL dễ gặp rủi ro do các yếu tố môi trường, nhất là tác động của biến đổi khí hậu, đầu ra nhiều loại nông sản còn bấp bênh... Mặt khác, thiếu sự liên kết, hợp tác để phát triển sản xuất các loại nông sản có chất lượng cao, phần lớn nông sản ở ĐBSCL xuất khẩu thô nên chưa hấp dẫn thị trường nước ngoài, chất lượng nông sản không đồng đều do thiếu kho bảo quản, công nghệ chế biến còn lạc hậu. Công tác xúc tiến thương mại của vùng cũng chưa thực sự chuyên nghiệp nên tác động không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của hàng nông sản trên thị trường. Bên cạnh đó, các chiến lược về tạm trữ; quy mô của doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn hạn chế nên chất lượng nông sản còn thấp đã ảnh hưởng tới giá trị xuất khẩu nông sản. Vì thế, khi cánh cửa hội nhập rộng mở, tiêu thụ nông sản ĐBSCL ngày càng đứng trước thách thức lớn, đòi hỏi cần triển khai các giải pháp quan trọng để phát triển các chuỗi giá trị nông sản của ĐBSCL.

Gia tăng giá trị nông sản

Để gia tăng giá trị nông sản ĐBSCL, nhiều ý kiến đề xuất: cần sản xuất nông nghiệp theo chuỗi thông qua hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã với các doanh nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Song, để tiêu thụ nông sản tốt cần xây dựng mối liên kết "4 nhà", phát triển các loại giống có năng suất cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Thời gian qua, doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà khoa học và nông dân vùng ĐBSCL áp dụng nhiều mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy gia tăng khá lớn giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân. Ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết: Cái khó khăn trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, trước tiên cần tổ chức lại sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo chuỗi. Hiện, tỉnh Bến Tre chọn sản phẩm chủ lực để thực hiện theo hướng liên kết hợp tác sản xuất và trong từng khâu sẽ có kế hoạch về đầu tư khoa học kỹ thuật, truyền thông, giải quyết thị trường… Theo ông Phan Văn Mãi, trong điều kiện hội nhập, có nhiều lúc trong phát triển sản phẩm chúng ta tập trung cho xuất khẩu quá nhiều trong khi thị trường 90 triệu dân trong nước lại chưa được quan tâm đúng mức. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư đúng thì hoàn toàn có thể "sống" ở thị trường trong nước bằng chính những sản phẩm của chúng ta. Ông Nguyễn Thể Hà, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hỗ trợ nông gia, cho rằng: Bài toán liên kết và kêu gọi các thành phần trong chuỗi cần có nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ, các viện, trường và các đơn vị có liên quan cùng nhau đoàn kết để nông sản ĐBSCL không bị thua trên sân nhà.

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp, cho biết: Trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp luôn cho rằng gặp khó khăn về vốn. Nhưng cái doanh nghiệp thiếu là kỹ năng làm chủ các công cụ quản trị trong nền nông nghiệp mới. Vì vậy, lãnh đạo của Mạng lưới liên kết ABCD Mekong đồng hành cùng doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh hội nhập – Khu vực ĐBSCL… sẽ tạo mối gắn kết chặt chẽ, tạo nên xung lực mới cho sự phát triển của ĐBSCL trong xu thế hội nhập. Để xây dựng và phát triển các chuỗi giá trị nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ở ĐBSCL cần đảm bảo hài hòa lợi ích, thu nhập giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị.

Bài, ảnh: MỸ HOA

Chia sẻ bài viết