15/11/2009 - 21:14

VIỆN LÚA ĐBSCL CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CHẾ PHẨM SINH HỌC OMETAR CHO NÔNG DÂN

Giải pháp giảm chi phí và kháng rầy cho lúa trên diện rộng

Chuyển giao công nghệ chế phẩm sinh học Ometar cho nông dân.

Gần đây, nông dân trồng lúa tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Tiền Giang... và một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất phấn khởi khi ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar trừ rầy nâu hại lúa đã giảm chi phí 10 lần so với việc phun thuốc hóa học trừ rầy. Đặc biệt hơn, chế phẩm sinh học Ometar được chính bàn tay nhà nông tự sản xuất để sử dụng...

GIẢM CHI PHÍ TRỒNG LÚA

Sau nhiều năm nghiên cứu và chọn lọc, TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL và cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng thành công hai chủng nấm xanh và trắng có tác dụng phòng trừ sâu hại cho cây trồng và rầy nâu hại lúa. Từ chủng nấm xanh và nấm trắng, TS Nguyễn Thị Lộc đã cho ra đời hai chế phẩm sinh học là Ometar (nấm xanh) và Biovip (nấm trắng) ứng dụng rộng rãi trừ sâu, rầy hại lúa tại Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Tiền Giang... Chế phẩm có hiệu lực bền lâu, thuốc có tác dụng lây lan mầm bệnh từ con rầy đã chết sang con rầy non mới nở trong một vụ lúa, nên chỉ phun một lần có thể duy trì hiệu quả trừ rầy cho suốt vụ. Ở giai đoạn lúa ngậm sữa có thể phun chế phẩm Ometar một lần để trừ bọ xít nếu lúa bị bọ xít tấn công. Chế phẩm Ometar còn được ứng dụng để trừ bọ cánh cứng hại dừa...

Ông Nguyễn Văn Huấn, ấp 3 xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh là 1 trong nhiều nông dân tham gia mô hình tự sản xuất chế phẩm Ometar để phòng trừ rầy nâu. Ông Huấn vui ra mặt nói: “Với 2 ha lúa chuẩn bị thu hoạch chỉ tốn có 160.000 đồng, so với việc sử dụng thuốc hóa học để trừ rầy thì giảm 10 lần. Điều làm cho chúng tôi càng tin tưởng vào chế phẩm Ometar là chính bàn tay nông dân sản xuất”.

Qui trình do TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng Trừ Sinh Học thuộc Viện Lúa ĐBSCL đến tận vùng sâu này chuyển giao. Ông Nguyễn Văn Thắng, ấp 3, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh chủ nhiệm CLB sản xuất lúa giống cho biết: Hiệu quả của chế phẩm đã được khẳng định khi 10 nông dân tham gia sản xuất 4 ha lúa theo mô hình thực nghiệm đã đạt kết quả tốt. Qua đó, giảm chi phí diệt rầy đến 10 lần so với sử dụng thuốc BVTV bằng hóa chất; không làm ô nhiễm môi trường, không tiêu diệt thiên địch; đặc biệt chế phẩm Ometar sử dụng trừ rầy nâu lúc lúa đang trổ là rất tốt vì không ảnh hưởng tới lép hạt và năng suất lúa. Trong khi đó nếu lúc lúa đang trổ có rầy nâu phải phun thuốc hóa học thì ảnh hưởng tới sự thụ phấn của hạt, gây hạt lép nhiều và giảm năng suất.

Kết quả từ ruộng lúa của ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư chi bộ ấp 3, xã Phong Thạnh cho thấy: Hiệu quả diệt rầy chết mà chỉ tốn có 8.000 đồng/công đất (phun 2 lần), giúp cho nhà nông giảm chi phí rất lớn. Ông Trung bộc bạch: Tôi rất mong Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục chuyển giao và nhân rộng quy trình sản xuất chế phẩm Ometar để giúp nhà nông tự sản xuất chế phẩm diệt rầy nâu giá rẻ để sử dụng sẽ tăng lợi nhuận. Địa phương sẽ vận động nông dân nhân rộng mô hình này theo hướng xã hội hóa sản xuất chế phẩm sinh học Ometar để trừ rầy nâu hại lúa.

Ông Giang Khộng, ấp Trà Cú B, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nói: Tôi đã phun chế phẩm sinh học Ometar cho 0,8 ha lúa mùa 52 ngày tuổi. Nếu so với vụ lúa cùng kỳ thì hiệu quả vì không phải tốn tiền mua thuốc trừ rầy nâu như những vụ trước. Quy trình sản xuất chế phẩm sinh học Ometar quá dễ, kỹ sư của Viện Lúa ĐBSCL đến tận phum sóc để tập huấn cho bà con dân tộc Khmer chung tôi đã làm được sản phẩm diệt rầy hiệu quả mà lại ít tiền. Vụ lúa mùa này chắc chắn sẽ giảm chi phí mua thuốc để diệt rầy nhiều lắm.

ỨNG DỤNG ĐẠI TRÀ

TS Nguyễn Thị Lộc, Trưởng Bộ môn Phòng trừ sinh học thuộc Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar của Viện Lúa ĐBSCL đã được đưa vào danh mục thuốc sinh học BVTV từ tháng 5-2003. Chế phẩm sinh học Ometar đã được sử dụng rộng rãi tại ĐBSCL để trừ rầy nâu, bọ xít hại lúa và bọ cánh cứng hại dừa với diện tích hàng chục ngàn héc ta. Thế nhưng, trong những năm gần đây, khi dịch rầy nâu bộc phát tại ĐBSCL thì lượng chế phẩm sinh học Ometar do Bộ môn sản xuất không thể đáp ứng nhu cầu của nông dân. Vì vậy, chúng tôi đã nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện “Quy trình sản xuất nhanh chế phẩm nấm xanh Ometar ở quy mô nông hộ”, quy trình này ra đời vào năm 2008. Sau khi thử nghiệm thành công trên 25 ha lúa giống vụ đông xuân 2008 - 2009 tại Viện Lúa ĐBSCL, quy trình đã được triển khai trình diễn tại 2 điểm ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vào giữa năm 2009 và kết quả rất tốt.

Tại Hội nghị “Định hướng phát triển ứng dụng biện pháp sinh học trong phòng chống dịch hại cây trồng”, quy trình này được Bộ NN và PTNT đánh giá rất cao và cho phép chuyển giao rộng rãi để nâng cao hiệu quả SX lúa cho nông dân.

TS Nguyễn Thị Lộc chiết tính: Chi phí sản xuất 100 gói chế phẩm Ometar theo quy mô nông hộ chỉ với giá thành là 752.100 đồng (nếu trừ hao hụt với tỷ lệ nhiễm tạp tối đa là 10%, thì còn lại 90 gói), như vậy 1 gói 500 gam có giá thành 8.400 đồng, 1 ha sử dụng 5 gói là 42.000 đồng/lần phun. Một vụ lúa nông dân phun 2 lần chỉ tốn chi phí 84.000 đồng/ha; giảm rất nhiều so với phun thuốc hóa học BVTV để diệt rầy nâu. Vừa qua cả 6 xã của 3 huyện ở Trà Vinh tự sản xuất chế phẩm Ometar, tỷ lệ nhiễm tạp rất ít (1-5%), vì vậy mà giá thành thực tế tại Trà Vinh chỉ có gần 40.000 đồng/ha cho 1 lần phun.

Ông Nguyễn Văn Hồng Anh, Trưởng Phòng Khoa học công nghệ (KHCN) thuộc Sở KHCN tỉnh Trà Vinh, cho biết: Để ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu, Sở KHCN được UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học Ometar phòng trừ rầy nâu hại lúa và chuyển giao quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ tại tỉnh Trà Vinh”. Hiện tại, đề tài đã và đang được triển khai tại 3 huyện đại diện cho 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau.

Tại huyện Cầu Kè thực hiện trên lúa cao sản, huyện Trà Cú trên trà lúa mùa và huyện Châu Thành trên vùng lúa - tôm, thời gian hết năm 2010. Đặc biệt là phẩm sinh học Ometar tác động rất hữu ít đối với lúa tôm. Hiện tại, hai xã trọng điểm lúa - tôm là Long Hòa và Hòa Minh, Châu Thành đã được chuyển giao “quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ”. Ometar đã được ứng dụng trên 25 ha lúa tôm của huyện Châu Thành đang đạt kết quả rất tốt, sau khi phun đợt đầu vào lúc lúa 40 ngày tuổi đã khống chế được rầy nâu cho tới nay và lúa đang làm đòng. Hiện nay nông dân của 2 xã này đã sản xuất đợt chế phẩm Ometar mới để chuẩn bị phun trừ rầy nâu và bọ xít vào dịp lúa trổ tới đây. Cán bộ địa phương và nông dân của 2 xã Long Hòa và Hòa Minh rất phấn khởi khi được tiếp nhận “quy trình sản xuất nhanh chế phẩm trừ sâu sinh học Ometar ở quy mô nông hộ” vì mô hình lúa - tôm không thể sử dụng thuốc hóa học.

Viện Lúa ĐBSCL đã đề nghị Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xem xét và phê duyệt kinh phí khuyến nông năm 2010 để thực hiện mô hình “sản xuất nhanh chế phẩm sinh học Ometar trừ rầy nâu hại lúa” tại một số tỉnh ở ĐBSCL. Mục tiêu của Viện Lúa là phải nhanh chóng giúp nhà nông tự sản xuất chế phẩm sinh học Ometar để sử dụng trừ rầy nâu, như vậy sẽ giảm mạnh chi phí về thuốc BVTV và bảo vệ môi trường sinh thái nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: TRẦN PHONG

QUY TRÌNH SẢN XUẤT NHANH OMETAR
(NẤM XANH) Ở NÔNG HỘ

Bước 1: Chuẩn bị nguyên vật liệu: Ống nước nhựa có đường kính 2,5 cm cưa thành từng đoạn khoảng 2 - 2,5 cm. Bịch nylon chịu nhiệt kích thước 22 x 32 cm. Bông không thấm để làm nút bông, dây thun, giấy báo; tấm gạo loại nhỏ và rẻ tiền.

Kỹ thuật làm môi trường thứ cấp: Cho tấm gạo vào bịch nylon chịu nhiệt với trọng lượng mỗi túi 300g. Sau đó cho vào mỗi bịch nylon 150 - 180ml nước sạch tùy theo độ dẻo của tấm. Dùng đoạn ống nước bằng nhựa đã cắt ngắn 2,5 cm tạo miệng bịch nylon giống hình cổ chai để có thể cấy nấm vào. Sử dụng bông không thấm để làm nút bông. Lấy giấy bịt kín đầu nút bông lại. Các bịch môi trường thô đã làm được lắc đều và sau đó cho vào nồi hấp tiệt trùng ở nhiệt độ 1000C (nước sôi) trong thời gian 2 giờ.

Bước 2: Nhân sinh khối nấm trên môi trường thứ cấp:- Môi trường thứ cấp sau khi hấp tiệt trùng được đưa ra phòng sạch để nguội rồi tháo lớp giấy bịt đầu nút bông và bóp cho môi trường tơi ra trước khi cho vào tủ cấy.

- Các ống giống chọn để cấy vào các bịch môi trường thứ cấp phải thuần, không bị nhiễm tạp và bào tử phải được dễ dàng bong ra.

- Tủ cấy sau khi được khử trùng bằng đèn cực tím (bật đèn cực tím trong thời gian khoảng 1,5 - 2 giờ) và vệ sinh bằng cồn thì cho các bịch môi trường thô và các ống nấm giống vào. Tháo nút bông của bịch môi trường thô ra và lấy không khí sạch trong tủ cấy vào bịch càng nhiều càng tốt để đảm bảo đủ lượng không khí cho nấm hô hấp (vì nấm hô hấp rất mạnh). Sau khi đã lấy đủ lượng không khí vào bịch thì cho một lượng bào tử nấm xanh thích hợp vào bịch môi trường thô (một ống giống cấy được khoảng 8-15 bịch môi trường thô). Đậy nút bông lại, đảo đều bằng cách lắc bịch nấm, rồi lấy bịch môi trường thô đã cấy ra khỏi tủ cấy.

- Dùng giấy báo bịt kín đầu bông của bịch môi trường thô vừa cấy. Ghi ngày cấy lên bịch để dễ kiểm tra về sau, sau đó xếp các bịch nấm đã cấy hoàn tất lên kệ cao và để nơi khô ráo thoáng mát cho nấm phát triển.

Sau khi cấy 3-4 ngày phải đảo nấm để các sợi nấm mọc đều. Cần lưu ý là lần đảo này rất quan trọng do đó cần đảo kỹ, đều, tránh vón cục và hạn chế tối đa việc mất không khí. Sau đó cứ 3 ngày thì tiến hành đảo nấm một lần cho tới khi có thể sử dụng được (khoảng 15 ngày).

Chú ý: Khi nấm được 15 ngày mà chưa có rầy nâu trên đồng ruộng thì có thể lưu giữ nấm trên kệ khoảng 7-10 ngày nữa vẫn sử dụng được, nhưng phải đảo đều 3 ngày một lần để nấm tiếp tục sinh trưởng bình thường và không bị hư.

Nguồn: Bộ môn Phòng trừ sinh học, Viện Lúa ĐBSCL 


Chia sẻ bài viết