27/02/2023 - 18:44

Giải pháp để giáo dục và đào tạo ĐBSCL tiếp tục phát triển 

Bài, ảnh: B.KIÊN

Ngày 27-2, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) tổ chức Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự hội nghị có hơn 300 đại biểu là lãnh các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh thành ÐBSCL; các Sở GD&ÐT và trường đại học trong vùng. Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển GD&ÐT trong giai đoạn tiếp theo.

Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ tại Trung tâm học liệu của trường. 

Có những điểm sáng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu

ÐBSCL có TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh. Ðầu tư từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ÐT tại ÐBSCL thời gian qua được quan tâm. Tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GD&ÐT vùng ÐBSCL giai đoạn 2010-2021 là 491.549,65 tỉ đồng. Từ đó tạo nền tảng để chất lượng giáo dục vùng tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước; một số chỉ số về GD&ÐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước.

Minh chứng cụ thể ở chất lượng cấp THPT, vùng có số lượng học sinh tiệm cận mức trung bình chung của toàn quốc với tỷ lệ 911,5 học sinh trên một cơ sở. Năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vùng ÐBSCL đạt 97,64, xếp thứ 2 trong 6 khu vực và cao hơn tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của toàn quốc (96,74%). Ðội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng về số lượng và chất lượng. Ðến năm học 2019-2020, toàn vùng có 176.173 giáo viên các cấp học.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, trong 10 năm gần đây, có thể khẳng định GD&ĐT ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng”. Tuy vùng còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng về chất lượng giáo dục đã khởi sắc, như chỉ số chất lượng giáo dục THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đứng thứ 2 trong 6 vùng. Đó là nhờ sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị các tỉnh thành trong vùng, sự nỗ lực tâm huyết của đội ngũ toàn ngành. Hiện nay, cả nước đang đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và ĐBSCL đứng trước thách thức “kép”: vừa phấn đấu vươn lên cùng cả nước; vừa củng cố và bù đắp cho nền tảng cơ bản là làm sao đủ trường lớp.

Vì thế Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các tỉnh, thành sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường học phù hợp nhất với khu vực địa hình chia cắt kênh rạch, sông ngòi. Các địa phương quan tâm đầu tư hơn nữa, đầu tư đúng thời điểm để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông đạt hiệu quả cao nhất; phối hợp với các bộ, ngành đề xuất chính sách đầu tư. Sau hội nghị này, Bộ GD&ĐT sẽ có kế hoạch hành động, nhất là thể chế; rà soát chính sách đẩy mạnh xã hội hóa, tài chính và đất đai trong giáo dục. Bộ sẽ đề xuất để tăng cường kiên cố hóa, đầu tư cơ sở vật chất; hỗ trợ phát triển giáo dục đại học, đào tạo nhân lực cho vùng ĐBSCL.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ÐT Phạm Ngọc Thưởng, sau 10 năm (2010-2020), từ 13 trường đại học, vùng đã tăng lên 21 trường, phân hiệu đại học. Như vậy gần như tỉnh nào ở trong vùng cũng có trường đại học. Các trường đại học trong khu vực hiện đào tạo các trình độ từ đại học đến tiến sĩ với 1.475 lượt ngành đào tạo đại học, 115 lượt ngành đào tạo thạc sĩ và 40 lượt ngành đào tạo tiến sĩ. Quy mô mạng lưới đào tạo nhân lực trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học; quy mô sinh viên, học viên cũng tăng đáng kể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn vùng.

Dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng lãnh đạo Bộ GD&ÐT cho rằng ÐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn, tỷ lệ huy động trẻ đến trường còn thấp, nhất là trẻ nhà trẻ. Mạng lưới trường, lớp phân tán; còn nhiều điểm trường, đặc biệt ở những vùng có nhiều kênh rạch, cồn, bãi ngang... Tỷ lệ huy động học sinh các cấp học phổ thông đi học đúng độ tuổi vẫn thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhất là ở cấp THCS và cấp THPT có khoảng cách khá xa so với tỷ lệ chung của cả nước (từ 7%-13%). ÐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%), thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022.

Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của vùng tuy được quan tâm đầu tư nhưng chỉ mới đáp ứng yêu cầu tối thiểu để thực hiện chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông. Nhiều đơn vị chưa đủ phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày, nhất là cấp học mầm non, một số lượng phòng phải mượn từ cơ sở giáo dục tiểu học và THCS. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở các cơ sở giáo dục THCS, THPT. Kinh phí ngân sách đầu tư phát triển GD&ÐT còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực GD&ÐT...

Ðơn cử như theo lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết, chất lượng giáo dục còn thấp, nhất là ở một số vùng khó khăn, khoảng cách trình độ phát triển giáo dục, đào tạo giữa các vùng trong tỉnh chưa được thu hẹp. Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chỉ ở mức đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho nên vẫn còn thiếu so với nhu cầu. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn thấp so với khu vực: đến cuối năm 2022 đạt 68% trong tổng số trường (nhất là cấp THPT chỉ đạt 9,3%). Một số nơi thiếu phòng học để triển khai dạy 2 buổi/ngày, thiếu phòng chức năng, phòng học bộ môn; một số thiết bị dạy học lớp 1, 2, 3, 6, 7 và lớp 10 chưa được trang bị kịp thời theo quy định.  

Cần quy hoạch và đầu tư trọng điểm 

Theo đại biểu dự hội nghị, nguyên nhân những bất cập, hạn chế trong công tác GD&ÐT vùng là do nguồn lực phát triển của địa phương còn hạn chế, nên chỉ đáp ứng yêu cầu ở mức tối thiểu; việc kêu gọi các dự án đầu tư còn khó thực hiện do chưa có cơ chế chính sách đặc thù đủ mạnh để thu hút xã hội hóa. Mạng lưới trường, lớp tuy được quy hoạch, điều chỉnh nhưng chưa thật sự hợp lý, còn nhiều điểm lẻ nên khó khăn trong việc quản lý, điều chỉnh và đầu tư phát triển. Các bộ, ban, ngành Trung ương cần có cơ chế chính sách, tăng nguồn lực đầu tư cho vùng, nhất là các tỉnh còn khó khăn; cải cách thang lương và nâng mức lương khởi điểm khi tuyển dụng đối với viên chức giáo dục.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, khó khăn của vùng là tỷ lệ huy động trẻ mầm non, tỷ lệ bỏ học của học sinh vẫn còn cao; mức đầu tư, hỗ trợ của Trung ương dành cho vùng thấp. Trong khi, vùng có địa hình vùng kênh, rạch nhiều, hạ tầng giao thông yếu kém, nên trường lớp phân tán, có điểm lẻ, đầu tư dàn trải… Ðể thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 13, Trung ương cần quan tâm hơn nữa, quy hoạch lại mạng lưới trường lớp trên cơ sở quy hoạch địa phương, tránh đầu tư nhỏ lẻ và phân bổ hợp lý hơn... “Cần có cơ chế chính sách cho vùng ÐBSCL, cụ thể cấp học mầm non cần hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ khó khăn hay như hỗ trợ cho học sinh học nghề… Tiêu chí phân bổ ngân sách cho vùng cũng phải cân đối, phù hợp hơn. Bộ GD&ÐT cần có đề án xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia vùng ÐBSCL, khi đó chất lượng sẽ đi lên và đáp ứng yêu cầu”, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh đề xuất.

Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, có 2 nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong phát triển GD&ÐT của địa phương là chưa xây dựng đề án vị trí việc làm của giáo viên; chưa chủ động được công tác phân cấp, đầu tư cơ sở vật chất; việc mua sắm thiết bị trường học còn thiếu. Nhất là việc xóa điểm lẻ, mở rộng nâng cấp hiện nay là bài toán khó các tỉnh do đặc thù kênh rạch. 5 năm qua, Cà Mau đầu tư cơ sở vật chất trên 717 tỉ đồng nhưng trường lớp vẫn chưa đạt yêu cầu. “Cần có cơ chế chính sách, đầu tư chiến lược dài hơi hơn nữa cho vùng”, ông Nguyễn Minh Luân nói. Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GD&ÐT tỉnh Kiên Giang, đề xuất các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quyết tâm, quyết liệt trong việc quy hoạch đất để phát triển giáo dục và bố trí nguồn kinh phí thích hợp cho đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung phòng học thực hiện đổi mới giáo dục hiệu quả. Ðối với trường có nhiều cấp học, thì bố trí mỗi cấp học có một phó hiệu trưởng phụ trách cấp học đó (không phân biệt hạng trường) để quản lý, điều hành đơn vị đạt hiệu quả cao nhất.

Tại hội nghị, công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao toàn vùng cũng được luận bàn. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Ðại học Cần Thơ, nhìn tổng thể thì giáo dục đại học của ÐBSCL còn hạn chế so với một số vùng, cần có sự chuyển dịch mạnh mẽ không chỉ trong nội bộ các trường mà cần sự góp sức của các trường ngoài khu vực, đồng bộ với chính sách hỗ trợ của Bộ GD&ÐT và Chính phủ; thì mới có thể đáp ứng như cầu phát triển. Việc đầu tư hay mở rộng số trường đại học trong vùng cần tính toán cẩn trọng nhằm đảm bảo nhu cầu người học cũng như chất lượng đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương nói thêm: Ở một số quốc gia, mô hình trường đại học (hay đại học) gắn với các phân hiệu ngày càng phổ biến. Ví dụ, ở Thái Lan, Trường Ðại học Kasetsart có đến 5 phân hiệu hay Trường Ðại học Prince of Songkla cũng có 5 phân hiệu ở các tỉnh. Mô hình này khai thác tối ưu nguồn lực giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của trường chính cho hoạt động đào tạo và nghiên cứu, cũng như có lĩnh vực đào tạo phù hợp với nhu cầu tại chỗ. Vì vậy ÐBSCL có thể tham khảo mô hình này và tạo điều kiện để các trường đại học mạnh thành lập các phân hiệu, nhằm đào tạo một số ngành hay lĩnh vực mà địa phương có nhu cầu, thay vì phải lập trường đại học mới. ÐBSCL đang cần sự trợ lực tiếp tục từ Bộ GD&ÐT và Chính phủ trong tham gia các chương trình, đề án phát triển nhân lực để nhanh bắt kịp các vùng miền khác.

Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ:

Mở rộng mạng lưới giáo dục, phát triển các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng, đạt chuẩn 

Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: B.NG

Tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, có bài phát biểu về phát triển GD&ÐT của thành phố. Trong đó nhấn mạnh vai trò GD&ÐT trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13. Bài phát biểu nhấn mạnh:

TP Cần Thơ là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương, có vị trí trung tâm vùng ÐBSCL. Thời gian qua, thành phố nhận được nhiều sự quan tâm của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương. Cụ thể: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5-8-2022 về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ; Chính phủ ban hành Nghị quyết số 98/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW... Qua đó, đã tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi giúp TP Cần Thơ từng bước phát triển trở thành thành phố sinh thái, là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao, GD&ÐT; là đô thị hạt nhân của vùng ÐBSCL; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đạt ở mức cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Trong 2 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội thành phố gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, dưới sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, cùng với sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố đã nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức; thực hiện hiệu quả các giải pháp khôi phục kinh tế, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Qua đó, tình hình dịch COVID-19 đến nay đã được kiểm soát tốt; kinh tế - xã hội thành phố năm 2022 được khôi phục mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: 17/17 chỉ tiêu chủ yếu kinh tế - xã hội đều vượt và đạt chỉ tiêu đề ra. Nổi bật, là tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,64% so năm 2021, đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 13 tỉnh, thành vùng ÐBSCL; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 86 triệu đồng. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội và môi trường được chú trọng, thực hiện tốt; Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố được giữ vững.

Riêng đối với lĩnh vực GD&ÐT, các cấp ủy đảng, chính quyền đã kịp thời ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể các chủ trương, chính sách về GD&ÐT; các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển GD&ÐT được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để triển khai thực hiện đạt và vượt hằng năm. Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đưa các chủ trương, chính sách về GD&ÐT đến với nhân dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

Ðến nay, lĩnh vực GD&ÐT của thành phố đạt được những thành tựu quan trọng: Mạng lưới trường lớp từ mầm non đến đại học được sắp xếp phù hợp và phát triển cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng về loại hình GD&ÐT; đầu tư ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ÐT ngày càng tăng; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh theo hướng đạt chuẩn, tiên tiến; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 76,06%; công tác bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học, bậc học đạt cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT; chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên ở các cấp học, bậc học; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp tăng lên đứng đầu khu vực; phổ cập giáo dục ở các cấp học đạt được nhiều kết quả tích cực. Chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố tiếp tục được nâng cao; công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ kiến thức khởi nghiệp cho sinh viên được các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp chú trọng, góp phần quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực của thành phố và vùng ÐBSCL.

Trong thời gian tới, TP Cần Thơ tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, chính sách của thành phố, tạo môi trường pháp lý ngày càng thuận lợi để thu hút nhiều nhất nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước; mở rộng mạng lưới, phát triển giáo dục các cấp học, bậc học theo hướng đa dạng hóa loại hình đạt chuẩn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; tiếp tục bảo đảm nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất cho phát triển giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của người dân thành phố và vùng ÐBSCL; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD&ÐT; tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục.

Ðồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng giáo dục trong nước, từng bước tiếp cận các chuẩn kiểm định chất lượng khu vực và thế giới; mở rộng quan hệ, tích cực hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực; tìm kiếm nguồn hỗ trợ quốc tế góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; rà soát nhu cầu xã hội để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo sát với thực tiễn nguồn nhân lực trong vùng và đáp ứng nhu cầu học tập cho người học, các doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, đóng góp hữu hiệu vào sự nghiệp đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài và phát triển khoa học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng ÐBSCL.

B.NGỌC (lược ghi)

Chia sẻ bài viết