18/09/2016 - 17:00

Giải pháp cho ngành nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo thuận lợi cho sản xuất trong nước và xuất khẩu phát triển, đặc biệt đưa hàng nông sản và thủy sản của Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Nhằm trợ lực cho xuất khẩu nông thủy sản, Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam phát triển ổn định và bền vững.

* Tiềm năng và thách thức

Những năm gần đây, các sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, góp phần ổn định tiêu thụ hàng hóa và nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân. Tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu nông sản 5 năm trở lại đây đạt mức 6,5%, chiếm tỷ trọng bình quân khoảng 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. 5 năm qua, thị trường xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản tăng khá nhanh. Theo đó, năm 2008 sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam có mặt tại 107 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, thì đến hết năm 2016 đạt trên 158 thị trường.

Chú trọng và đẩy mạnh xúc tiến thương mại được xem là giải pháp phát triển cho ngành nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Lãnh đạo TP Cần Thơ và Cộng hòa Pháp tham quan các sản phẩm tại Hội chợ Quốc tế Việt - Pháp.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (cuối năm 2015) cùng với việc tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do Việt Nam, như: Hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á - Âu... tạo tiền đề phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, giúp hàng nông thủy sản của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, gắn với tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Song, hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một số sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, sản xuất trong nước như: thủy sản, lúa mì, bắp, đậu nành... đặc biệt là các loại trái cây cao cấp nhập khẩu từ các nước phát triển như Úc, New Zealand, Hoa Kỳ, Pháp, Anh… Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam trong 7 tháng năm 2016 đạt 12,23 tỉ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ, chiếm 12,6% tổng xuất khẩu cả nước.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết: Các sản phẩm nông thủy sản Việt Nam đang và sẽ tiếp tục đối diện với những khó khăn trong thời gian tới. Đó là: Nguồn cung một số mặt hàng nông thủy sản của các nước sản xuất chính trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đang dồi dào, tạo sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới đối với hàng hóa của Việt Nam. Sự biến động về tỷ giá của một số ngoại tệ mạnh hoặc một số đồng nội tệ của các nước sản xuất nông thủy sản chính trên thế giới có khả năng tác động không thuận lợi về giá đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... sụt giảm nhu cầu nhập khẩu do biến động kinh tế - chính trị và tăng cường nhiều biện pháp rào cản kỹ thuật. Cùng đó, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn kết với sản xuất, chế biến trong nước chưa đồng bộ giữa các địa phương. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc quản lý giám sát thực hiện quy hoạch chưa được nhất quán. Việc đầu tư khoa học công nghệ, kỹ thuật trong ngành sản xuất, chế biến... còn hạn chế nên việc cung ứng sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao cho xuất khẩu vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Phú Hòa, chất lượng hàng nông thủy sản cả đầu vào và đầu ra hiện nay khó kiểm soát do tập quán sản xuất vẫn là tự phát, phân tán với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí phá vỡ quy hoạch làm giảm sản lượng, năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng sản phẩm từ trồng trọt đến tiêu thụ cũng như việc nâng cao năng lực chế biến, xử lý sau thu hoạch chưa thực sự được chú trọng thời gian qua, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Việc liên kết bao tiêu sản phẩm nông, lâm, thủy sản giữa nông dân với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu chưa được chặt chẽ, dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây thiệt hại cho nông dân, đặc biệt là vào thời điểm chính vụ đối với một số mặt hàng trái cây. Khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại của các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản còn khó khăn. Các địa phương cũng như các doanh nghiệp hiện nay chưa xây dựng được thương hiệu đối với các mặt hàng chủ lực và chỉ dẫn địa lý nên hạn chế năng lực cạnh tranh…

* Tìm giải pháp để phát triển thị trường

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, cơ sở hạ tầng giao thông, điện ở vùng ĐBSCL được cải thiện nhanh chóng, môi trường kinh doanh năng động, an ninh và an toàn cho các nhà đầu tư. Cùng đó, chi phí lao động thấp, nguồn lương thực và thực phẩm dồi dào, nền tảng nông nghiệp và khả năng phát triển những ngành từ nông nghiệp, sử dụng nhiều lao động và đặc biệt không gian dành cho nhà đầu tư nước ngoài còn rất lớn. Tuy nhiên, vùng vẫn còn những khó khăn thách thức. Đó là: cơ sở hạ tầng giao thông tuy được cải thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ; nguồn nhân lực chất lượng chưa cao; môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, quy trình xem xét, chấp thuận dự án chưa rõ ràng, có thể kéo dài; ngành logistic còn yếu kém… Do đó, để phát triển, vùng cần có giải pháp tổng thể và tích cực từ nhiều phía.

Công ty Vườn trái Cửu Long (Trà Nóc – Cần Thơ), vốn 100% của Pháp, hoạt động trong ngành nghề chế biến trái cây, trà và mật ong với hình thức khép kín - mạng lưới phân phối riêng trong cả nước và xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Ông Jean Luc Voisin, Giám đốc Công ty Vườn trái Cửu Long (Trà Nóc – Cần Thơ), cho biết: Chọn TP Cần Thơ là điểm đặt nhà máy bởi đây được xem là "thiên đường" của trái cây với nguồn nguyên liệu đa dạng, chất lượng tốt và có thể cung ứng quanh năm. Đây cũng là tiền đề để doanh nghiệp thành công suốt 16 năm hoạt động. Tuy nhiên, để khai thác hết lợi thế trong lĩnh vực nông sản, trong tương lai, TP Cần Thơ nên chú trọng xây dựng các cơ sở chế biến, thu gom hợp lý; chú trọng chất lượng để xuất khẩu vào những thị trường tiềm năng và trọng điểm. Cần Thơ không chỉ dừng lại ở việc cung ứng mặt hàng rau quả tươi mà nên chú ý đến mặt hàng rau quả đông lạnh. Từ lợi thế về giao thông sông nước với hệ thống giao thông thủy thuận lợi, vùng ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng cần xây dựng mô hình chế biến, đóng gói, kho lạnh và vận chuyển xuất khẩu theo quy mô lớn.

Với vai trò là cơ quan chủ quản trong việc phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông thủy sản, thời gian qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc tập trung kết hợp chặt chẽ công tác mở rộng, tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu với công tác đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước, coi thị trường trong nước là kênh phân phối, tiêu thụ hàng nông sản chủ lực và quan trọng, góp phần giảm thiểu sức ép khi có biến động tiêu cực từ các thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, Bộ đã chủ động, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh hoạt động đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ rào cản về kỹ thuật và thương mại, tăng cường công tác cung cấp thông tin, đổi mới hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, tập trung kết nối cung - cầu trong nước... Với việc kết hợp chặt chẽ giữa công tác đẩy mạnh mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và công tác tăng cường thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, hy vọng rằng thị trường tiêu thụ hàng thủy sản của Việt Nam sẽ được phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, cho rằng: Để ngành nông thủy sản phát triển bền vững, cần tập trung triển khai các giải pháp, như: quy hoạch, liên kết sản xuất; tăng cường công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm để sản phẩm nông thủy sản, gạo xuất khẩu đáp ứng quy định của các thị trường về hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững; tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến các mặt hàng nông sản, lúa gạo về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cách kiểm soát dư lượng kháng sinh, các mô hình thực hành sản xuất tốt (GlobalGAP, VietGAP, GMP, HACCP, SSOP…) nhằm nâng chất lượng cho xuất khẩu, đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Song song đó, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển, xây dựng và triển khai các đề án nhằm nâng cấp hệ thống logistics phục vụ cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông thủy sản, đặc biệt là tại khu vực ĐBSCL. Đồng thời cần có chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, liên kết đầu tư trong nước và ngoài nước nhằm khai thác nguồn lực tài chính đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là về công nghệ bảo quản sau thu hoạch; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng, miền đối với nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam. Kịp thời cập nhật các thông tin (nhu cầu, thị hiếu, tập quán thương mại, chính sách quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông thủy sản) tại các thị trường tới các doanh nghiệp để có phương án đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm theo đúng xu hướng, thị hiếu, nhu cầu tại các thị trường…

Bài, ảnh: Khánh Nam

Chia sẻ bài viết