26/11/2021 - 09:19

Giai điệu quê hương 

Thời gian gần đây, những tác phẩm cổ nhạc của tác giả Kim Phượng được nhiều đài truyền hình, đơn vị nghệ thuật sử dụng, người mộ điệu yêu thích. Những giai điệu viết về quê hương, đất nước của chị Kim Phượng mang đến làn gió mới cho lực lượng tác giả cổ nhạc ĐBSCL.

Tác giả Kim Phượng.

Tác giả Kim Phượng.

“Con ơi! Gian khó hôm nay cho ngày mai tươi sáng. Con hãy an tâm trong tư thế sẵn sàng. Bởi có câu: Gian nan thử sức, lửa thử vàng...”. Đây là lời ca trong bài vọng cổ “Lời mẹ cùng con” của tác giả Kim Phượng, do Nghệ nhân ưu tú Kiều Nga và nghệ sĩ Phương Anh hát trong chương trình “Dạ cổ Cầm Thi” mới đây. Tâm sự của người mẹ nơi quê nhà và người con là bác sĩ quân y nơi tuyến đầu chống dịch COVID-19 với những lời lẽ mộc mạc, chí tình, đặt lợi ích của Tổ quốc, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, lay động người nghe. Bài ca không khuôn sáo, mà nhẹ nhàng, sâu lắng, với cách sử dụng bài bản, chia câu hợp lý.

“Lời mẹ cùng con” là thành quả tiếp theo trên hành trình theo đuổi đam mê sáng tác cổ nhạc của tác giả Kim Phượng. Trước đó, rất nhiều tác phẩm của chị sáng tác để “tiếp lửa” cho “cuộc chiến” chống dịch COVID-19 như bài Xuân tình “Ấm lòng có Đảng trong tim”, bài Tây Thi “Cuộc chiến không tiếng súng”... cũng đã được dàn dựng, phát sóng trên các đài truyền hình, mạng xã hội... tạo được tiếng vang.

Tác giả Kim Phượng tên thật là Phan Thị Phượng, quê ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, hiện đang sinh sống tại khu vực Phú Mỹ, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ. Nói về cơ duyên đến với việc sáng tác cổ nhạc, chị Phượng kể: Quê hương Cả Nứa của chị vốn có truyền thống đờn ca tài tử, từ hồi còn là học sinh trung học cơ sở chị đã có khiếu ca cổ, tham dự nhiều liên hoan, hội thi ở địa phương. Năm 2008, khi đó 31 tuổi, chị tham gia Liên hoan Đờn ca tài tử huyện Vĩnh Thuận và được giới tài tử để ý với giọng ca mùi, vững nhịp nhàng. Chị dần tham gia nhiều hơn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở Kiên Giang. Mê ca rồi lại muốn thổ lộ những nỗi niềm, suy tư của mình trong từng giai điệu, chị tập tành viết lách. Với sự giúp đỡ, chỉ dẫn của những tác giả gạo cội ở Kiên Giang như Huỳnh Hồng, Minh Đăng... chị dần vững vàng hơn ở lĩnh vực mới.

“Bài đầu tiên tôi viết là 10 câu Phụng hoàng “Bến hẹn ngày xưa”, được phát trên Đài PT-TH Cà Mau. Tôi rất vui và có thêm động lực để viết tiếp”, chị Kim Phượng nhớ lại. Tiếp sau đó, chị viết “Vương vấn quê anh”, “Nối nhịp cầu duyên”... đạt nhiều giải thưởng sáng tác ở địa phương. Đến nay, “gia tài” của tác giả Kim Phượng là khoảng 300 bài ca cổ, bài bản tài tử; trong đó có hơn chục bài viết về công tác phòng, chống dịch COVID-19 đầy tính thời sự. Chị vinh dự được UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19.

Tác giả Kim Phượng chia sẻ: “Theo tôi, khi viết cổ nhạc cần 3 yếu tố: tạo cái tứ cho tác phẩm như kiểu lập dàn ý bài văn; viết từ chất liệu cuộc sống và lựa chọn văn phong phù hợp. Kinh nghiệm đó được tôi đúc kết sau tròn 10 năm theo đuổi đam mê”. Chị cũng nói thêm, dĩ nhiên chất liệu cuộc sống đó không phải “bê nguyên xi” mà cần mài giũa, chọn lựa, chắt lọc cho thật phù hợp. Xuyên suốt trong các tác phẩm chị viết là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, nét đẹp của vùng đất, con người với sự cảm nhận sâu sắc, nhân hậu.

Một mảng đề tài mà chị Kim Phượng rất tâm đắc là viết về những người lính đã từng xông pha trận mạc, về những chiến công vang dội của Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương. Những câu chuyện có thật, những con người rất thật được chị đưa vào tác phẩm một cách mềm mại, khéo léo. Ông Huỳnh Xuân Phong, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1 - U Minh (thời kháng chiến chống Mỹ), cho biết: Tác giả Kim Phượng có rất nhiều ca khúc viết về Trung đoàn 1 - U Minh, về ông và đồng đội của ông. Nghe những bài ca ấy, ông rất xúc động và tự hào. “Trong mỗi lần đồng đội năm xưa họp mặt, chúng tôi lại lấy bài ca của cô Kim Phượng viết để ca, để ôn lại ký ức thời chiến. Rất hay!”, ông Ba Phong nói.

Trong căn phòng nhỏ dưới dạ cầu Ấp Mỹ, phường Thường Thạnh, chị Phượng vẫn mưu sinh bằng nghề thợ may và vẫn bền bỉ viết nên những giai điệu quê hương. Một câu vọng cổ, một bài bản viết nên, cũng là cách để chị gửi gắm nỗi niềm và tâm huyết hơn với nghiệp đờn ca.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết