Truyện ngắn: Lê Quang Huy
Nhân lấy tay vuốt vuốt miếng gạch men dán tường, xuýt xoa: “Ôi đẹp quá, mát lạnh luôn!”. Hóng qua nhìn cái tivi đang chiếu phim hoạt hình, Nhân lẩm bẩm: “Bây giờ khỏi qua nhà bác Tú coi ké rồi”. Thằng Nhu chạy đến kéo tay anh nó nói lớn: “Anh Nhân, ra coi cái cửa nhà mình đẹp lắm”, Nhân lật đật chạy theo bỗng trượt chân ở thềm nhà, té sóng xoài xuống sân….
- Nhân, Nhân! Tỉnh dậy đi con.
Nhân vẫn lim dim. Chị Năm ngồi xuống cạnh giường lấy khăn lau mồ hôi trên trán con. Nhân choàng tỉnh khỏi cơn mơ, mắt ngẩn ngơ nhìn lên trần nhà. Chị Năm hỏi Nhân:
- Hồi nãy nằm mơ thấy gì mà con cứ ú ớ hoài vậy?
- Con thấy nhà mình được cất lại mới, xây tường giống như nhà bác Tú. Mừng quá, con với thằng Nhu vừa nhảy vừa la...
Nghe con nói, chị Năm chỉ biết thở dài. Có lần chị cũng nằm mơ như vậy. Nghĩ đến đây, chị cố giấu những giọt nước mắt chực trào, ngước lên mái nhà lá lâu ngày thấy cả trời xanh. Có gió thổi tới, từng cọng lá cứ phất phơ qua lại, có cọng bám không được, lọt xuống nền đất. Mùa mưa, nước từ trên cao đổ xuống. Mấy hôm trời đổ mưa ban đêm, cả nhà không thể ngủ, dù bên trên anh Năm đã che bằng miếng ni lông và mấy tấm bạt lớn. Thấy chị Năm cũng ngẩn ngơ, Nhân hỏi:
- Má nghĩ vì vậy?
- Con đỡ đau chưa? - Chị Năm trả lời con bằng một câu hỏi.
- Dạ, ngủ một giấc bây giờ thấy bớt nhiều rồi.
Mấy tuần nay, Nhân cứ than đau lưng mỗi khi ngồi lâu, anh Năm dẫn ra bệnh viện huyện khám thì phát hiện bị viêm cầu thận. Anh chị chỉ biết chết lặng. Thoa, chị của Nhân, đang nằm bệnh viện tỉnh cũng vì bệnh thận, bây giờ lại thêm Nhân. Anh chị đau lòng con mới chút tuổi đầu đã chẳng may bệnh tật, lại lo lắng chuyện chạy tiền viện phí, thuốc men. Hồi sáng, anh Năm bàn với chị:
- Tui tính rồi, chắc mình phải bán hai công đất mới đủ trang trải nợ nần, lo tiền trị bệnh cho con Thoa, nay thêm thằng Nhân nữa. Ði vay mượn bà con, hàng xóm hoài mà không thể trả đúng hạn, không khéo lại làm mất tình cảm của những người có lòng tốt giúp đỡ mình. Tôi tính sơ sơ mình thiếu nợ cũng cả chục triệu đồng rồi.
Chị Năm ngậm ngùi gật đầu. Chắc phải vậy thôi. Chỉ mong sao mình ở hiền gặp lành. Cơn gió chiều khe khẽ thổi, giọt nước mắt đã khô và nỗi buồn cũng đã vơi dần.
*
* *
Trời xẩm tối. Anh Năm bắc ghế ra ngoài hàng hiên ngồi trầm ngâm. Bình trà và cái ly đã sẵn trên cái bàn nhỏ. Tính anh là vậy. Chỉ thích trà, không hút thuốc, uống rượu lúc buồn như những người đàn ông khác. Hôm nay, tiếng ếch nhái kêu nghe sao não ruột.
|
Nhiều lúc anh Năm cũng than thầm cuộc đời không công bằng với anh. Mới 10 tuổi đã mồ côi cha mẹ, anh chỉ có bà nội để nương tựa. Rồi bà cũng qua đời sau cơn bạo bệnh khi anh mới 15. Bà con thân thích đều có hoàn cảnh riêng, nên anh đi làm mướn từ đó. Ai kêu gì cũng làm. Hồi nhỏ thì nhổ cỏ, cắt lúa. Lớn lên đi làm đất, bốc vác. Tính thật thà, chịu khó của anh làm cô gái nhổ cỏ mướn làng bên cảm mến. Anh thì quý người ta ở sự hiền lành. Rồi hai người tiến tới hôn nhân. Cảnh nghèo như nhau nên cha mẹ nhà gái chẳng đòi hỏi gì, còn cho 2 công đất. Thoa và anh em sinh đôi Nhân - Nhu lần lượt ra đời, anh chị quyết chí cho con học hành đến nơi đến chốn. Anh chị Năm hạnh phúc vô cùng vì các con học giỏi và biết chia sẻ việc nhà cửa, đồng áng. Vì các con, anh chị quần quật ngoài đồng, từ trồng lúa chuyển sang cải tạo đất làm rẫy dưa leo, cà chua, rau màu… Làm rẫy cực nhọc hơn làm lúa nhiều, phải tưới nước, chăm bón suốt ngày, nhưng anh chị luôn nỗ lực để đem đến cuộc sống ấm no cho các con. Anh chị đã dành dụm được khoản tiền nhỏ, tính toán để dành được bao nhiêu là mua cát, sắt, xi măng… tích cóp từ từ, đến lúc đủ vật liệu thì cất lại nhà. Nhưng mọi chuyện không như ý khi Thoa bắt đầu phát bệnh, tiền bạc trong nhà lần lượt ra đi, phải vay mượn. Lần này đến Nhân…
- Mai thằng Năm rảnh không tiếp chú vét cái đìa - tiếng chú Ba Bảnh vọng qua làm anh giật mình.
- Dạ được chú Ba. Mai con qua - anh Năm trả lời.
Chú Ba Bảnh là bà con xa, cũng là hàng xóm với anh Năm. Có công chuyện gì cũng kêu anh làm, trả tiền sòng phẳng. Chú cũng là người chuyên coi ngày cưới hỏi, ma chay, trong xóm xa gần ai cũng biết. Có lần vui miệng chú nói: “Số mày sinh ra nhằm sao hạn, khá hổng nổi. Nằm mơ thì thấy nhà cửa xây cất đàng hoàng nhưng chỉ là mơ”. Ngẫm lại cuộc đời, anh thấy chú Ba nói có phần đúng. Có đêm nằm mơ anh thấy mình ở trong ngôi nhà có nền lót gạch, tường cũng được dán gạch men, tủ thờ bà nội, ba má anh tươm tất đàng hoàng. Tiếng con gà trống gáy vang. Anh giật mình tỉnh giấc...
Nhấp ngụm trà nhìn Nhân cố nén đau để ngồi học bài mà anh thấy thương con đứt ruột. Thoa cũng chứng bệnh y vậy, nhưng nặng hơn, đang nằm ở bệnh viện tỉnh. Mấy hôm trước, anh toàn cõng con tới lui chứ Thoa không thể nhấc chân lên nổi, anh chị ở bệnh viện túc trực suốt một tuần lễ. Thấy đỡ hơn một chút, Thoa kêu anh chị về lo cho nhà cửa, rẫy rau, gà vịt đang đẻ trứng. Chuyện nhà cửa đồng áng cực nhọc đến đâu anh chị không sợ, chỉ thấy lòng nặng trĩu mỗi khi nghĩ đến bệnh của hai đứa con, rồi viện phí, thuốc men...
Hôm kia, cô chủ nhiệm của Nhân đến thăm có dẫn theo một cậu thanh niên còn trẻ. Cô giới thiệu đó là Hoàng, học trò cũ, hiện là phóng viên của một tờ báo ở thành phố. Hoàng hỏi thăm chuyện gia đình rồi ghi chép một cách tỉ mỉ. Anh thiệt tình có sao nói vậy. Hoàng xin phép chụp anh với Nhân bên ngôi nhà. Anh cười mà giọng buồn thiu: “Chụp chi cái cái cảnh này, đưa lên báo thiên hạ cười chê”. Hoàng an ủi anh, nói rằng đã hỏi ở ủy ban xã, gia đình anh gặp khó khăn do chẳng may gặp phải bệnh tật, nên khi câu chuyện viết lên báo sẽ được giúp đỡ, cốt yếu là để chị em Nhân có chỗ che mưa nắng mà trị bệnh. Anh chỉ biết cám ơn và hy vọng, nhưng vẫn nghĩ rằng còn nhiều người khổ hơn, chưa tới mình đâu...
*
* *
Cái tin anh Năm được các nhà hảo tâm ở thành phố cất cho cái nhà tường làm bà con trong xóm mừng vui bàn tán mấy ngày. Suốt thời gian xây nhà, anh em, bà con mỗi người một tay giúp anh đào móng, phụ hồ mà chẳng ai đòi hỏi thù lao. Mọi người còn nói anh chị Năm cứ tập trung lo bệnh của hai đứa nhỏ trước và cho tụi nhỏ có cái nhà che nắng che mưa đàng hoàng, còn tiền anh chị mượn cứ trả dần khi ổn định. Bà con ở đây đều biết anh chị là người siêng năng, sống đàng hoàng. Anh chị Năm nghe mà nghẹn ngào cám ơn.
Hôm nhà cất xong, Thoa được xuất viện, Nhân mạnh khỏe hơn do được chữa trị tới nơi tới chốn. Phóng viên Hoàng cũng đến, sắp xếp để cả gia đình anh đứng trước ngôi nhà mới, chụp vài tấm ảnh. Chưa bao giờ cả nhà anh Năm có dịp chụp hình chung với nhau nên ai cũng gượng gạo, nhưng không giấu nét hớn hở trên mỗi gương mặt.
Một năm qua đi, ngày giỗ bà nội trong ngôi nhà mới, anh Năm bắt gà vịt, làm bàn tiệc cây nhà lá vườn mời bà con, chòm xóm, ân nhân... Anh Năm rụt rè một chút mới trịnh trọng nói:
- Thằng Năm này mắc nợ mọi người rất nhiều. Chính nhờ tấm lòng của mọi người, gia đình tôi mới qua cơn thắt ngặt. Nói thiệt, trúng số độc đắc cũng không vui như hôm nay. Cả đời tôi không bao giờ quên được công ơn này...
Còn thằng Nhân vui quá quên luôn chuyện ăn giỗ, cùng thằng Nhu cứ xuýt xoa từng góc ngách trong nhà. Những buồn đau trước đây dường như dòng nước của con sông trước nhà, chẳng mấy chốc trôi ra biển mênh mông...