17/02/2020 - 15:05

Giá trị khảo cổ, văn hóa, lịch sử linh thiêng của Khu di tích Gò Tháp 

Khu di tích Gò Tháp, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, có rất giá trị rất lớn về lịch sử, văn hóa và khảo cổ. Những câu chuyện, lời kể về sự linh thiêng, kỳ bí của nền văn minh Óc Eo cùng những dấu tích lịch sử, tín ngưỡng văn hóa dân gian đã tạo nên sự độc đáo cho khu di tích này. 

Chùa Tháp Linh được xây dựng trên nền cũ của di tích Tháp Mười Cổ Tự. Tương truyền phía trước chùa từng có ngôi tháp thờ của người Chân Lạp. 

Phát hiện nhiều hiện vật khảo cổ quý hiếm

Gò Tháp được biết đến từ những năm cuối thế kỷ XIX do các nhà khảo cổ học người Pháp phát hiện. Nơi đây có nhiều dấu tích, di vật của nền văn hóa Óc Eo. Các di tích cư trú như: bếp lửa, những mảnh nồi, thanh củi cháy dở, cọc nhà sàn… Di tích kiến trúc được khai quật như: Gò Minh Sư, Gò Tháp Mười, Miếu bà Chúa Xứ, Chùa Tháp Linh. Hầu hết các di tích này nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng công phu có tường thành bao bọc để chống sự xâm thực của gió và nước. Đặc biệt, nơi đây còn tìm thấy rất nhiều di tích mộ táng. Qua nhiều đợt khai quật, phát hiện 13 mộ táng. Theo đó, lại phát hiện hơn 1.000 hiện vật, tùy táng: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quý, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng…

Nổi bật trong khu di tích là Gò Tháp Mười. Đây được xem là di tích khởi nguồn và quan trọng nhất nơi đây. Theo các nhà khảo cổ, cấu trúc nền của di tích Gò Tháp được xây dựng vào thời Vương quốc Phù Nam (khoảng thế kỷ thứ I-VII). Đồng thời, nơi đây tìm thấy 1 tấm bia cổ được xác định khoảng thế kỷ V có nội dung thấm đượm tinh thần Hindu giáo. Văn bia còn nêu rõ, đây là vùng đầm lầy do vua Phù Nam Jayavarman chinh phục và cho con trai là Gunavarman cai quản.

Di chỉ Gò Minh Sư là nơi có nhiều di tích cư trú và mộ táng. Đặc điểm và địa tầng Gò Minh Sư cho thấy di chỉ được sử dụng cư trú và chôn cất trong một thời gian rất dài, khoảng từ thế kỷ I - VIII. Đặc biệt, trong lần khai quật thứ 4 vào năm 2009, đã xác định đây là một trong những kiến trúc đền thờ thần Shiva thuộc nền văn hóa Phù Nam. Tìm thấy một chiếc nhẫn vàng khắc hình con ốc Sankha, biểu tượng của thần Vishnu, xung quanh có chạm dây lá cách điệu. Đây được xem là hiện vật thuộc loại quý hiếm.
Năm 2013 tiếp tục khai quật phía tây Gò Minh Sư, các nhà khảo cổ tìm thấy một số tượng thần Vishnu bị mất tay nhưng còn nguyên chân đế và khoảng 80 hiện vật bằng vàng. Theo nhà khảo cổ Đặng Văn Thắng, đây có thể là đồ tế lễ, cúng thần. Đồng thời, ông cũng khẳng định đây là đền thờ thần Shiva.

Không những có giá trị khảo cổ học, Gò Tháp còn mang đậm giá trị lịch sử. Nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều thời kỳ đầu chống Pháp (1864-1886). Hiện tại nơi đây còn có đền thờ hai vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Ngoài ra, Gò Tháp còn từng là căn cứ địa của Xứ Ủy Nam bộ, Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam bộ, Khu ủy khu 8. Nơi đây in dấu các hoạt động cách mạng của nhiều cán bộ cấp cao của Đảng như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Trần Văn Trà, Nguyễn Bình...

Nhiều tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống

Khu di tích Gò Tháp còn có nhiều thiết chế tôn giáo và tín ngưỡng cổ truyền: tháp cổ tự, đền thờ, miếu bà Chúa Xứ, mộ Hoàng Cô, nền Tháp cổ và nhiều giai thoại dân gian mang màu sắc huyền bí, tâm linh. Hằng năm, ở Gò Tháp có 2 kỳ lễ hội lớn: Lễ hội tưởng niệm Bà Chúa xứ - người có công khai phá, tạo dựng, cai quản vùng đất - vào tháng 3; Lễ hội tưởng niệm 2 vị anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều - người có công đánh giặc cứu nước, cứu dân thời kỳ đầu chống thực dân Pháp - vào rằm tháng 11.

Vào những dịp lễ hội, con đường và khu di tích Gò Tháp rất đông người từ các tỉnh đổ về để lễ bái cầu bình an, thịnh vượng, mọi điều thuận lợi. Lễ hội nơi đây đã trở thành hoạt động văn hóa có sức thu hút mạnh mẽ. Lễ hội truyền thống Thiên Hộ Dương - Đốc Binh Kiều hằng năm là dạng tín ngưỡng thể hiện lòng tri ân các bậc tiền nhân, những người có công với đất nước trong cuộc khai hoang, mở cõi, chống ngoại xâm, cường hào ác bá... Lễ hội vừa mang sức mạnh cộng đồng to lớn, bởi quy tụ đông đảo nhân dân tham gia, vừa mang đậm truyền thống dân tộc, với những giá trị gắn liền quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ vùng đất này. Đến với lễ giỗ, ngoài việc thắp hương tỏ lòng tri ân thành kính với hai vị anh hùng dân tộc, khách thập phương còn có dịp ôn lại lịch sử oai hùng của quân dân Đồng Tháp Mười trong cuộc kháng chiến chống Pháp...
Với những giá trị lâu đời và bền vững nói trên, năm 1998 Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Khu di tích Gò Tháp là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Đến năm 2012, Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Tháng 9-2018, UBND tỉnh Đồng Tháp đã có văn bản gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, chấp thuận cho Đồng Tháp lập hồ sơ Khu di tích Quốc gia Gò Tháp gửi Tổ chức UNESCO đề cử, vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Bài, ảnh: ĐÌNH PHONG

 

Chia sẻ bài viết