19/04/2018 - 09:10

Gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm thương hiệu Việt 

Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội phát triển thuận lợi cho thương hiệu và doanh nghiệp (DN) Việt khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để chinh phục những cơ hội và thách thức mới, ngoài sự nỗ lực của chính DN Cần Thơ, rất cần sự trợ lực từ chính quyền địa phương…

Hoạt động tại Công ty cổ phần May Tây Đô.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, năm 2018, thị trường sẽ có nhiều thách thức. Khi các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết có hiệu lực, thị trường trong nước sẽ là cuộc cạnh tranh rất gay gắt mà DN trong nước phải đối mặt. Thời gian qua, hỗ trợ DN trên địa bàn, ngành công thương TP Cần Thơ đã triển khai các nhiệm vụ được giao, tạo chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Các cơ quan chức năng cũng như ngành công thương luôn nỗ lực tuyên truyền và tổ chức các hoạt động nhằm đưa hàng Việt đến gần hơn với người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn. Ngành tích cực triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" để hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối do các DN trong nước tạo điều kiện đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ các DN về xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường. Ngoài ra, tập trung hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh. Triển khai thực hiện, theo dõi, thu thập thông tin tình hình thị trường; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi buôn bán hàng nhập lậu; vận chuyển, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... tạo sự công bằng cho các DN.

Tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố quý I/2018 đạt mức tăng trưởng khá ổn định. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng khá cao như: quần áo may sẵn, thủy, hải sản đông lạnh, thức ăn cho thủy sản, sản phẩm gia dụng và xi măng. Theo đánh giá của ngành công thương thành phố, các DN chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới, tăng cường công tác đối ngoại, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Đồng thời, DN cũng đã đầu tư thêm các loại máy móc dây chuyền hiện đại nên cũng giảm bớt được chi phí nhân công, ổn định và có mức tăng trưởng khá. Dù vậy, các DN vẫn cần sự trợ lực từ chính quyền địa phương bên cạnh phát huy nội lực sẵn có của DN để đủ sức cạnh tranh, nâng tầm thương hiệu Việt. Đa phần các DN trên địa bàn thành phố là DN nhỏ và vừa có quy mô nhỏ nên năng lực về vốn, quản trị còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, DN cần phía Nhà nước hỗ trợ về vốn để phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, các sở ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ với DN trong việc hình thành điểm để giới thiệu, trưng bày và quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó, cần thực thi, đồng bộ các chính sách, chương trình ưu đãi cho DN; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sở hữu tài sản trí tuệ…

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ:

Cần định vị doanh nghiệp trên thị trường
Để gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong bối cảnh hiện nay, DN cần xác định công ty mình đang ở đâu, vị trí nào trên thị trường; những vấn đề của doanh nghiệp cần phải thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới. Phát triển kinh doanh và cạnh tranh trên thị trường phải xuất phát từ nội lực của doanh nghiệp. DN nhỏ và vừa của Cần Thơ còn nhiều vấn đề cần phải quan tâm, như: quản trị, công nghệ sản xuất, tiếp thị, bán hàng, nhân lực và quản lý chi phí... Ngoài ra, các chủ DN, lãnh đạo DN cũng cần thông hiểu những diễn biến kinh tế, thương mại đang diễn ra trong nước và cả những vấn đề hội nhập của Việt Nam vì hiện nay cạnh tranh trên thương trường là cạnh tranh toàn cầu…

Phát triển thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng là mối quan tâm lớn của DN. Ông Nguyễn Hậu Giang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần May Tây Đô, chia sẻ: Công ty không ngừng cải tiến sản phẩm, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất từ đầu vào đến đầu ra, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, mở rộng kênh phân phối truyền thống từ cửa hàng, đại lý, các siêu thị và đang bước đầu phát triển kênh thương mại điện tử. Công ty mong muốn chính quyền địa phương quan tâm tổ chức nhiều hơn các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao, hàng Việt về nông thôn... Bởi đây là hoạt động thiết thực hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, tiếp cận thị trường khi thương hiệu của DN chưa đứng vững trên thị trường. Đồng thời, hỗ trợ DN phát triển kênh thương mại điện tử, đây là xu thế phát triển và tiếp cận dễ dàng với khách hàng trong thời công nghệ số.

Là đơn vị đồng hành, sát cánh cùng DN Cần Thơ, bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP Cần Thơ, đề xuất: DN rất cần những hỗ trợ về khung pháp lý để hoạt động. Chẳng hạn, những thủ tục nào cần thay đổi, điều chỉnh; mức phí và thuế nào phù hợp để DN có thể duy trì và phát triển kinh doanh trong tình hình doanh nghiệp giảm sút lợi nhuận do giá cả tăng cao, chi phí lớn. Đồng thời, các sở, ban, ngành cần tiết giảm thời gian cho những thủ tục hành chính thông qua sự chuyên nghiệp và kiến thức vững vàng của cán bộ một cửa. Nhà nước cũng cần hỗ trợ phổ biến thông tin về các chính sách hiện đang áp dụng để DN nắm rõ và tận dụng; cần thông tin về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có phân tích và hướng dẫn những thuận lợi mà doanh nghiệp có thể tận dụng, cũng như những khó khăn mà doanh nghiệp cần phải vượt qua. Nhà nước cần tạo dựng một môi trường bình đẳng, trong đó Nhà nước và doanh nghiệp là 2 thành tố quan trọng của sự phát triển đất nước, một bên tạo dựng và quản lý, một bên thực hiện…

Bài, ảnh: T. Trinh

Chia sẻ bài viết