01/01/2014 - 21:18

GIA TÀI CHÂU NĂM…

Anh Danh Phước Sáu, Phó bí thư chi bộ ấp kiêm chi hội trưởng nông dân ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ, TPCT) kể tôi nghe chuyện con cái của anh Châu Năm, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Cờ Đỏ, với thái độ ngưỡng mộ. Cả ba người con ấy đều tốt nghiệp đại học. Hơn hết, từ nhỏ họ đều lễ phép, chăm ngoan, được bà con lối xóm khen ngợi, thương yêu…

1. Để có được "tài sản" ấy, phải kể về quá khứ đáng tự hào của người cha. Anh Châu Năm hồi tưởng thời trai trẻ. Ngày giải phóng, mới tròn 17 tuổi, anh hăm hở đi theo lời kêu gọi của một cán bộ nằm vùng (ở chung xóm) làm công tác tiếp quản. Vậy rồi anh trở thành nhân viên công an xã. Tháng 8-1978, anh tình nguyện đi bộ đội. Sau ba tháng quân trường, anh cùng nhiều tân binh được đơn vị hải quân vùng 5 nhận về Phú Quốc. Ít lâu sau, theo đơn vị sang giúp bạn CPC, anh nhận nhiệm vụ Đội trưởng đội phiên dịch Lữ đoàn 101. Đội chỉ gồm 13 -14 phiên dịch viên, vòng quay công tác rất nhanh mới kịp đáp ứng nhu cầu. Do phải giúp lãnh đạo trao đổi với bạn, hoặc khai thác địch tại chỗ, người lính phiên dịch luôn phải đi đầu…

Đầu năm 1983, có chính sách phục viên, anh Châu Năm quyết định về quê. Ngay sau đó, cô bạn hàng xóm - người hẹn ước "em sẽ đợi anh về" - nhận lời cầu hôn của người thương binh (4/4), đã hoàn thành nghĩa vụ, trở về từ nước bạn. Cặp sát bên nhà má vợ, căn nhà lá nhỏ của đôi vợ chồng son được dựng lên - đủ kê chiếc giường và một góc bếp be bé. Cũng năm này, niềm vui nhân đôi khi đứa con gái đầu lòng của họ ra đời. Hai năm sau, lúc vợ có mang đứa thứ hai, anh Châu Năm ra làm Xã đội phó xã Thới Đông (cũ). Hơn một năm, lúc Thới Đông chuẩn bị chia tách, anh được rút qua công an xã và được đi học trường nghiệp vụ công an, rồi trở về làm phó công an xã. Khi Thới Đông chia tách, anh được điều về xã mới Thới Xuân, lúc này vợ lại gần ngày sinh, cộng với hai con gái còn quá nhỏ, kinh tế gia đình rất khó khăn, Châu Năm xin về công tác tại ấp nhà Thới Hòa B - để có điều kiện canh tác 2 công đất ruộng được Nhà nước cấp sát gần căn nhà lá nhỏ của hai vợ chồng trước kia.

Anh Châu Năm (thứ ba từ phải qua) trong cuộc trò chuyện giữa lãnh đạo Hội CCB TPCT và anh em CCB quận/huyện tại một phiên họp. 

Về Thới Hòa B, thoạt tiên Châu Năm làm công an ấp, sau đó "lên" trưởng ấp, rồi bí thư chi bộ ấp. Thời gian này anh mới có điều kiện lao động nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình. Công việc của ấp, khi khẩn cấp, anh tranh thủ "chạy" lo cho xong, bất kể giờ giấc nào.

Vợ chồng Châu Năm ở đời được lòng người. Bởi vậy, từ 2 công ruộng Nhà nước cấp, sau bị thu hồi, cấp lại chỗ khác - phải bồi hoàn 20 giạ lúa/công - nhưng người chủ đất không nhận của Châu Năm đồng nào. Trước đó, anh chỉ xin chủ đất giảm mức bồi hoàn vì cảnh nhà còn khó khăn. Người ấy khẳng khái đáp: "Chú nghèo, lại hiền. Chú nói vậy, tui cho, không cần giảm!".

Vậy là, từ hai công đất được cấp, từ làm lụng miệt mài, ky cỏm mua thêm, sau đó được mẹ vợ, rồi mẹ ruột mỗi người cho 2 công, đến nay Châu Năm đã "nắm" 2,5 mẫu đất trong tay…

2. Gia tài của Châu Năm không chỉ chừng ấy. Ba đứa con anh lần lượt ra đời (mỗi đứa cách hai tuổi) nhỏ lớn anh chỉ cho đi học, không cần làm lụng ngoài đồng. Được cái chúng nó chăm ngoan, lần lượt đậu vào đại học và được cử tuyển, được hưởng chế độ từ chính sách dành cho người dân tộc (ở ký túc xá, trợ cấp tiền sách vở hàng quý), gia đình thương binh; cùng sự giúp đỡ của em vợ (bao tiêu lúa nhà anh, đồng thời cho mượn tiền mỗi khi túng hụt) - nên anh cũng đỡ phần vất vả, và nay thì các con đều đã trưởng thành.

Con gái lớn đang công tác ở Tòa án nhân dân huyện Củ Chi (TP.HCM). "Chồng nó quê ở đó, cũng tốt nghiệp ngành luật, làm ở công an huyện. Hai đứa quen nhau hồi học chung đại học…" - anh Châu Năm giải thích. Con gái kế tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM, hiện công tác tại Khoa Dược, Bệnh viện đa khoa Trung ương TPCT. "Nó mới có chồng trong năm nay, chồng nó công tác cùng khoa Dược, hai vợ chồng hiện ở phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TPCT". Đứa trai út tốt nghiệp ngành xây dựng Trường đại học Cần Thơ năm 2012, hiện đã nộp đơn xin việc ở thành phố. "Lúc thằng út học đại học, Nhà nước cho vay hai lần, hiện tui còn mắc nợ. Hạn trả đến năm 2016, nhưng tui tính nếu thuận lợi, thì sang năm tui lo trả cho xong" - anh Châu Năm chia sẻ về kế hoạch trả nợ. Tôi hiểu, món nợ này anh không khó trả. Con cái đã học xong cả rồi, lại chỉ còn một đứa chưa lập gia đình - xem như vợ chồng anh đã cất bớt một gánh nặng trên vai, gần đến ngày "hưởng phước".

Nhưng Châu Năm không chịu ở không chờ ngày hưởng phước. Từ tháng 2-2009, khi chia tách Thới Lai - Cờ Đỏ, đang là chủ tịch Hội CCB thị trấn, anh Châu Năm trở thành Phó chủ tịch Hội CCB huyện Cờ Đỏ đến nay. Với cương vị này, cùng với BCH Hội, điều anh quan tâm nhất là chăm lo đời sống hội viên. Hằng năm, Hội vận động hội viên góp vốn giúp nhau thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình - thông qua việc tạo điều kiện cho anh em vay vốn ngân hàng, mua chịu con giống; liên kết ngành khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật; xây dựng, phát huy các mô hình kinh tế: chăn nuôi thủy sản, tổ hợp tác tiểu, thủ công nghệ…

Song song đó, nhằm nhắc nhau giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Hội chú trọng đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiêu biểu trong phong trào này có anh Bùi Hải Đường (ở xã Trung Hưng) luôn xông xáo đi đầu trong đóng góp, vận động xã hội hóa xây dựng cầu, đường. Năm 2012, Hội đã liên kết Cty điện lực phát động đăng ký sử dụng điện tiết kiệm, có kiểm tra, so sánh, đánh giá hiệu quả hẳn hoi. Kết quả, từ 30 hộ CCB đăng ký thực hiện năm ngoái đến nay đã nâng lên gấp đôi số hộ. Anh Nguyễn Văn Tuôi, một trong số các hộ tiết kiệm điện hiệu quả cao, chia sẻ kinh nghiệm: Cắt cầu dao khi ra khỏi nhà; tận dụng ánh sáng ban ngày; ban đêm không để đèn ngủ, hoặc chỉ để đèn công suất thấp; thay thế bóng đèn tròn; khi thật cần mới sử dụng điện; v.v…

Một lần đi công tác chung đến Tây Ninh gần đây, tôi hỏi đồng chí Trần Hùng, Phó chủ tịch Hội CCB TPCT có nhận xét gì về anh Châu Năm. Không chần chừ, anh đáp ngay: "Gia đình Châu Năm - cũng như bản thân anh - rất đáng quí. Thời buổi này khó kiếm. Đáng nêu gương!". Lại nhớ lời anh Danh Phước Sáu: "Anh Châu Năm lao động giỏi, cần cù. Vợ chồng đều tần tảo, quyết tâm vượt khó; nuôi dạy con tốt; gương mẫu, gần gũi láng giềng; cán bộ, đảng viên, nhân dân trong ấp đều quí mến, ngưỡng mộ!".

***

Với tôi, gia tài của anh Châu Năm không chỉ gồm đất đai, con cái ngoan, thành đạt. Đó còn là niềm vui trong cuộc sống, trong sự sẻ chia, gắn bó với Hội và hội viên CCB. Đó cũng chính là sự ghi nhận, trân trọng của cộng đồng và những người đương nhiệm có quan hệ công tác cùng anh.

Bài, ảnh: NHƯ BĂNG

Chia sẻ bài viết