26/04/2020 - 07:59

Ghi dấu những khoảnh khắc lịch sử 

 Tác phẩm “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh. Ảnh chụp từ “Việt Nam trong trái tim tôi” (Võ An Khánh, NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2015).

Cùng các loại hình nghệ thuật khác, mỹ thuật và nhiếp ảnh luôn đồng hành với những cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc. Các họa sĩ, nhà nhiếp ảnh đã kịp ghi lại những khoảnh khắc lịch sử quý báu để thế hệ hôm nay thêm trân quý và gìn giữ truyền thống cách mạng nước nhà. Trong đó, có những tác phẩm ghi dấu thời khắc “đất nước trọn niềm vui” cách nay tròn 45 năm.

►Những nét vẽ mùa Xuân

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa trang trọng giới thiệu trực tuyến tác phẩm “Mẹ kháng chiến” của họa sĩ Hoàng Trầm, nằm trong chùm tác phẩm về đề tài kháng chiến chống Mỹ, nhân dịp Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2020). Bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến” được họa sĩ thể hiện giống như hình ảnh cắt ngang một căn hầm bí mật, chính diện là hình ảnh người mẹ miền Nam cùng con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các vật dụng sinh hoạt quen thuộc: chiếc giỏ xách, cà-mên… Theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt trong căn hầm. Qua đó, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cho biết: Phòng chống dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã chọn hình thức triển lãm trực tuyến để quảng bá rộng rãi đến công chúng những tác phẩm về đề tài kháng chiến chống Mỹ của dân tộc. Ngoài tranh “Mẹ kháng chiến” còn có 14 tác phẩm tranh, điêu khắc khác được triển lãm. Trong đó, 2 tác phẩm “Nắng xuân 1975” của họa sĩ Nguyễn Quang Thọ và “Nắng tháng Năm” của họa sĩ Quách Phong ghi lại khoảnh khắc lịch sử quân ta tiến vào cửa ngõ Sài Gòn trong những ngày vui giải phóng.

“Nắng xuân 1975” vẽ lại cảnh quân giải phóng trên xe tăng tiến vào cửa ngõ Sài Gòn, cờ mặt trận bay phất phới, trên bầu trời đầy nắng và trong xanh màu hòa bình. “Nắng tháng năm” là hình ảnh những cô gái Sài Gòn trong tà áo dài trắng thướt tha đón chào đoàn giải phóng quân, gương mặt ai cũng rạng rỡ nụ cười hạnh phúc.

Chùm tranh, tượng điêu khắc mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến người xem lần này còn có những tác phẩm đặc sắc, thể hiện bằng nhiều chất liệu và góc nhìn khác nhau của người họa sĩ. Đó là hình ảnh người vợ, người mẹ miền Nam tiễn chồng, con tập kết ra miền Bắc, hay những người mẹ nuôi quân trong kháng chiến, làm hậu phương vững chắc cho cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận… Ở đó có “Trái tim và nòng súng” của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm vẽ cảnh những người phụ nữ miền Nam với áo bà ba, khăn rằn kiên gan trước quân thù, hừng hực khí thế, chẳng sợ hiểm nguy.

Triển lãm mỹ thuật trực tuyến đang được giới thiệu trên website và fanpage của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (VNFAM.vn).

►Năm 1975 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh

Nghệ sĩ nhiếp ảnh lão thành Võ An Khánh có nhiều đóng góp to lớn cho nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Ông sinh năm 1936, quê ở Hồng Dân, Bạc Liêu, hiện sống tại TP Bạc Liêu. Trong cuộc đời cầm máy theo đuổi nghệ thuật ánh sáng, nghệ sĩ Võ An Khánh đã đồng hành gần như trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ trường chinh của dân tộc ở miền Tây Nam bộ. Ông từng được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2007.

Trong số những tác phẩm để đời, nghệ sĩ Võ An Khánh vẫn không quên loạt ảnh được chụp vào năm 1975, một thời khắc trọng đại với cả dân tộc. Tiêu biểu nhất là tác phẩm “Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn” chụp vào tháng 10-1975. Đó là hình ảnh hai bà cụ ôm chầm lấy nhau trên môi nở nụ cười sum họp. Bà cụ bên trái thì rặt miền Bắc với hàm răng nhuộm, đội khăn vấn; bà cụ còn lại thì chân chất miền Nam với chiếc áo bà ba, khăn rằn vắt vai. Theo nghệ sĩ Võ An Khánh, đây là khoảnh khắc vàng được ông phát hiện trong chuyến đi thực tế tại vùng Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân, Bạc Liêu) vào tháng 10-1975. Sau khi chụp ảnh, hỏi thăm thì nghệ sĩ Võ An Khánh được biết, bà cụ từ miền Bắc vào Nam để tìm thăm người thân.

Tác phẩm tranh “Nắng tháng Năm” của họa sĩ Quách Phong. Ảnh: VNFAM

Nghệ sĩ Võ An Khánh còn có nhiều ảnh tư liệu nghệ thuật quý báu chụp năm 1975. Ví như tác phẩm “Hàng vạn đồng bào từ các địa phương tập trung về thị xã Cà Mau mừng ngày vui lớn của dân tộc (tháng 5-1975)”. Tiền cảnh là rất đông người trên bờ cầm nón lá vẫy chào, dưới sông là những chiếc tàu cây chở người về với thị xã Cà Mau mừng chiến công. Cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió Đất Mũi mừng ngày vui hòa bình. Hay tác phẩm ghi lại cảnh “Đồng bào Cà Mau đổ xô ra đường chào mừng quân cách mạng tràn về giải phóng “tỉnh lỵ An Xuyên” năm 1975”; khung cảnh rộn ràng, tấp nập của con lộ Lê Lợi, thị xã Cà Mau trong ngày đầu tiên được giải phóng, ngày 1-5-1975… Và cũng không thể quên tác phẩm ghi cảnh các đơn vị vũ trang của tỉnh trên đường tiến quân giải phóng thị xã Cà Mau, tháng 4-1975. Hình ảnh nam, nữ giải phóng quân ngồi xuồng ba lá, buông nhanh mái chèo trên dòng sông lấp lánh ánh bạc vừa tỏ rõ khí thế chiến công, lại vừa lãng mạn, đẹp đến nao lòng.

Các tác phẩm này của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh được ông tập hợp giới thiệu trong tập ảnh “Việt Nam trong trái tim tôi”, do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh ấn hành năm 2015. Nhờ vậy, thế hệ hôm nay có dịp tiếp cận và hiểu hơn về một thời hào hùng, anh dũng của dân tộc.

***

45 năm đã trôi qua, Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước đã trở thành mốc son, là bản hùng ca vang mãi giai điệu tự hào. Xem tranh, ảnh của những nghệ sĩ tiền bối là một trong những cách để học sử và hiểu hơn lịch sử nước nhà, vun bồi tình yêu Tổ quốc. Từ đó, mỗi người như được tiếp thêm động lực chung tay cùng cả dân tộc gìn giữ, phát triển non sông Việt Nam.

Duy Khôi

Chia sẻ bài viết