21/05/2014 - 14:28

BÌNH THỦY

Gắn kết phát triển kinh tế vườn với du lịch sinh thái

Thời gian qua, diện tích trồng cây ăn trái của quận Bình Thủy có xu hướng giảm dần do quá trình đô thị hóa, người dân chuyển diện tích vườn sang đất phi nông nghiệp. Thêm vào đó, nhiều loại cây ăn trái liên tục bị dịch bệnh tấn công gây hại, trái cây vào mùa thu hoạch rộ liên tục rớt giá nên vấn đề tìm đầu ra ổn định cho vườn cây ăn trái luôn là nỗi lo thường trực của các nhà vườn. Để giải quyết khó khăn này, ngành nông nghiệp quận Bình Thủy đang tập trung vận động các nhà vườn khôi phục vườn cây ăn trái tập trung, chuyên canh, phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái để nâng cao chất lượng nông sản, gia tăng lợi nhuận cho nhà vườn.

Trước đây, gia đình ông Dương Tấn Dậu, ngụ khu vực Bình Dương A, phường Long Tuyền có gần 2 ha đất vườn trồng cam, quýt, nhưng 2 loại cây trồng này thường xuyên xuất hiện dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh, giá cả lại bấp bênh, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, nhờ được sự hỗ trợ kỹ thuật và tham gia các lớp tập huấn từ Trạm Khuyến nông quận Bình Thủy và tham quan các mô hình kinh tế vườn tại một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Dậu đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang mô hình trồng các loại cây ăn trái đặc sản gắn với du lịch sinh thái. Để có đủ trái cây theo mùa phục vụ khách tham quan, ông Dậu trồng nhiều chủng loại cây ăn trái như xoài Đài Loan, măng cụt, dâu Hạ Châu, chôm chôm, dừa xiêm lùn. Mô hình này góp phần tạo đầu ra ổn định cho vườn trái cây của ông. Mấy năm qua, gia đình ông Dậu thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng từ mô hình này.

Lãnh đạo thành phố thăm vườn cây ăn trái ở quận Bình Thủy.

Cùng với ý nghĩ chung của nhiều nông dân địa phương, mong muốn cải thiện mô hình sản xuất theo hướng mới, năm 1999, ông Võ Ngọc Tài, khu vực Bình Thường A, phường Long Tuyền cũng đã mạnh dạn phá bỏ vườn cam bị bệnh vàng lá chuyển sang trồng trên 200 gốc măng cụt, 500 gốc chôm chôm Thái, cùng một số loại cây ăn trái khác… Theo ông Võ Ngọc Tài, qua thời gian chăm sóc cho thấy măng cụt trồng xen với chôm chôm Thái là rất hợp lý, không tốn nhiều thời gian, chi phí bón phân cũng thấp hơn một số loại cây trồng khác mà cho thu nhập tương đối lâu dài, ổn định. Đặc biệt, để tạo đầu ra và nâng cao giá trị cây ăn trái, ông Tài đã còn phối hợp với một số công ty du lịch tổ chức cho nhiều đoàn khách du lịch sinh thái đến tham quan, thưởng thức trái cây vườn nhà, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình. Trong năm 2013, mô hình này đã mang về cho gia đình ông Tài mức thu nhập gần 200 triệu đồng.

Phát triển vườn cây gắn với du lịch sinh thái chẳng những góp phần giúp nông dân tăng thêm nguồn thu nhập, còn là giải pháp tốt nhất để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn hiện nay ở quận Bình Thủy. Đây cũng là động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị theo hướng bền vững. Nông dân địa phương mạnh dạn cải tạo vườn tạp thành những vườn cây ăn trái đặc sản đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu khách tham quan, góp phần phát triển và đa dạng dịch vụ du lịch của quận nhà. Bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Kinh tế quận Bình Thủy, cho biết: "Mặc dù quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng song diện tích vườn cây ăn trái trên địa bàn quận vẫn còn khoảng trên 1.869 ha, rất đa dạng về chủng loại và tập trung chủ yếu tại 3 phường Long Hòa, Long Tuyền và Thới An Đông. Để duy trì và phát triển vườn cây ăn trái, chúng tôi đẩy mạnh việc hỗ trợ những giống cây ăn trái chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân trong sản xuất và bảo vệ vườn cây ăn trái, tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, đê bao, thủy lợi,…từng bước giúp nông dân đầu tư cải tạo vườn tạp, thay thế bằng những vườn cây ăn trái có giá trị, hiệu quả kinh tế cao gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn. Qua kết quả khảo sát tại phường Long Tuyền cho thấy có 6 điểm có đủ điều kiện để phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái vườn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ hỗ trợ các hộ này tham gia mô hình và tiếp tục tuyên truyền vận động người dân để nhân rộng mô hình trên địa bàn".

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: "Bình Thủy là 1 trong 4 quận, huyện được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố quy hoạch phát triển vườn cây ăn trái tập trung gắn với phát triển du lịch sinh thái vườn. Vì vậy, nhằm đưa kinh tế vườn ở Bình Thủy phát triển đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, UBND quận chỉ đạo các ngành có liên quan tiếp tục hỗ trợ đầu tư, chuyển đổi giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, phát triển vườn cây ăn trái tập trung. Quận sẽ phấn đấu duy trì ổn định diện tích vườn cây ăn trái, nâng cao quy trình sản xuất theo hướng chất lượng, tạo ra các sản phẩm cây ăn trái chủ lực, có tiếng của địa phương. Cùng với đó, tiếp tục khảo sát nhu cầu các nhà vườn có ý định đầu tư làm du lịch để kịp thời tư vấn, lựa chọn địa điểm gắn kết với các tour tuyến thuận tiện để phục vụ khách tham quan, góp phần đa dạng hóa các loại hình du lịch của địa phương".

HOÀNG ĐỊNH - KIỀU NƯƠNG

Chia sẻ bài viết