10/01/2011 - 21:26

"Gắn" cây bưởi da xanh với đất nhiễm phèn, mặn

Anh Hoàng trồng bưởi da xanh hiệu quả trên đất nhiễm phèn, mặn.

Cây bưởi da xanh hiện nay đang được trồng nhiều nơi trong tỉnh Bến Tre. Thế nhưng, ở vùng đất nhiễm phèn, mặn nông dân vẫn “ngán ngại” không dám trồng vì sợ cây không phát triển. Thế nhưng, anh Nguyễn Văn Hoàng vẫn “khởi nghiệp” thành công khi “gắn” cây bưởi da xanh trên đất nhiễm phèn, mặn ở tỉnh Bến Tre…

Vườn bưởi da xanh của anh Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp Tân Hòa A, xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày Nam, không những tươi tốt khi được trồng ngay trên vùng đất nhiễm phèn, mặn mà còn được xếp là vườn bưởi đạt hiệu quả kinh tế cao ở tỉnh Bến Tre.

Anh Hoàng bắt đầu trồng bưởi da xanh vào năm 1999, khi giống bưởi này còn khá lạ với nông dân trong tỉnh. Thời điểm đó, anh Hoàng tìm đến nhà ông Ba Rô ở xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) mua 2 nhánh bưởi da xanh về trồng. Thấy cây phát triển tươi tốt, anh nhân giống ra trồng ngày càng nhiều. Đến năm 2004, anh Hoàng đã trồng được 4,5 công bưởi da xanh, sau đó anh tiếp tục mua thêm 1 công đất đầu tư trồng bưởi da xanh...

Năm 2004, anh Hoàng có thu nhập từ số bưởi da xanh trồng đầu tiên. Ba năm trở lại đây, vườn bưởi da xanh của anh Hoàng đã cho thu hoạch trái ổn định, đem về thu nhập rất cao, với mức lãi vài chục triệu đồng mỗi năm. Năm 2009, anh thu hoạch trái bán được 120 triệu đồng, lãi khoảng 100 triệu đồng. Năm 2010, giá bưởi luôn ổn định ở mức cao, từ đầu năm 2010 đến nay anh đã thu hoạch trái bán được khoảng 90 triệu đồng. Hiện tại, trong vườn bưởi của anh còn khoảng 3 tấn trái, để dành bán vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Nếu giá bưởi tiếp tục ổn định ở mức trên dưới 30.000 đồng/kg như hiện tại, số bưởi đang chờ thu hoạch Tết sẽ mang về nguồn thu nhập trên dưới 90 triệu đồng nữa...

Nhưng để có được vườn bưởi da xanh phát triển tốt như hiện tại, anh Hoàng dành rất nhiều thời gian đầu tư, chăm sóc từ lúc trồng cho đến thu hoạch trái. Anh Hoàng cho biết: “Bưởi da xanh phải trồng trên mô cao để cây thông thoáng, đủ ánh sáng. Đất bị nhiễm phèn, mặn, nên hàng năm tôi bón 4 đợt phân vô cơ hỗn hợp gồm các loại lân, urê, kali cho cây nhanh hấp thụ và bón mỗi gốc cây khoảng 30kg phân hữu cho đất tơi xốp. Vào mùa nước mặn xâm nhập vào các ao trong vườn, phải tỉa bỏ bớt trái và không tưới cây để cây tránh bị suy kiệt. Hàng năm, đều quét vôi gốc bưởi để ngăn sự cư trú và phát triển của sâu bệnh. Về cách để trái cho cây, số lượng trái để hàng năm dựa vào sự phát triển của từng cây bưởi và chỉ để lại mỗi chùm một trái bưởi cho cây không mất sức...”.

Đó là những cách làm cơ bản, còn trong vườn bưởi, anh luôn để cỏ mọc tự nhiên. Cỏ trong vườn ngoài là nguồn thức ăn để anh nuôi từ 5 đến 7 con bò sinh sản và vỗ béo, thu lãi khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán bò mỗi năm, còn có tác dụng làm mát gốc cây và bảo vệ gốc cây “dễ thở” vào mùa mưa vì cây không bị “đóng ván”. Với cách chăm sóc như trên, đến nay vườn bưởi của anh Hoàng có nhiều cây trên 10 năm tuổi vẫn còn phát triển rất tốt, cho năng suất ngày càng cao.

Trồng cây bưởi da xanh hiệu quả trên vùng đất nhiễm phèn, mặn là nhờ “dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới” cộng với tính chịu thương chịu khó, anh Hoàng đã thành công. Anh được UBND tỉnh Bến Tre tặng bằng khen với thành tích đã áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đạt hiệu quả cao, là hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu cấp tỉnh năm 2007 – 2009. Mô hình trồng bưởi da xanh trên đất nhiễm phèn, mặn đang được nhiều nông dân ở các địa phương khác trong tỉnh đến học tập kinh nghiệm.

CAO DƯƠNG

Chia sẻ bài viết