07/08/2024 - 09:11

EVFTA thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với châu Âu 

Ngày 1-8-2024  tròn 4 năm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2024). Theo các chuyên gia, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, đưa quan hệ kinh tế thương mại thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU. Tuy nhiên, để EVFTA mang lại hiệu quả cao, phát triển mối hợp tác song phương, bên cạnh việc các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực đáp ứng những yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường EU, sự trợ lực từ các Bộ, ngành địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước có ý nghĩa rất quan trọng.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Cổ phần thủy sản Hải Sáng (TP Cần Thơ).

Ðiểm sáng

EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giúp cho việc kết nối Việt Nam với nền kinh tế của 27 nước thành viên của EU, các cam kết ở rất nhiều lĩnh vực và mức độ cam kết cao hơn hầu hết các FTA Việt Nam đã ký kết. Sau 4 năm EVFTA có hiệu lực, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU đã tăng lên và Việt Nam trở thành quốc gia có thị phần lớn nhất so với các nước trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào EU. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỉ euro vào năm 2019 lên hơn 48 tỉ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực: điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản. Tuy nhiên, trong cùng kỳ, mức tăng xuất khẩu của EU sang Việt Nam chỉ tăng từ 11 tỉ euro lên 11,4 tỉ euro.

Theo các chuyên gia, nhờ được hưởng ưu đãi từ thuế nhập khẩu cho nhiều sản phẩm từ châu Âu vào Việt Nam giảm theo lộ trình đến 0% theo cam kết của EVFTA, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận với nhiều sản phẩm hàng hóa đa dạng và chất lượng cao từ châu Âu với giá thành hợp lý hơn. Cùng với đó, nhiều mặt hàng nhập khẩu như máy móc, thiết bị từ châu Âu cũng bắt đầu giảm theo lộ trình giúp cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao quá trình sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ở chiều ngược lại, các ngành hàng có lợi thế xuất khẩu sang EU như dệt may, da giày và lĩnh vực vận chuyển đã tạo ra nhiều việc làm cho người lao động Việt Nam. Người lao động cũng có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng các yêu cầu mới từ EVFTA.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2024 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU đạt trên 24,69 tỉ USD, tăng 15,37% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang đa số thị trường chủ lực trong khối EU đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hà Lan đạt trên 6,14 tỉ USD, chiếm 24,88%; thứ 2 là thị trường Ðức đạt gần 3,82 tỉ USD, chiếm 15,46%; thứ 3 là thị trường Italia đạt gần 2,53 tỉ USD, chiếm 10,23%... trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU.

Các FTA thế hệ mới đã tạo ra những tác động tích cực trong việc thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của TP Cần Thơ, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy các doanh nghiệp thành phố tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn. Chẳng hạn với ngành hàng thủy sản - một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố đã từng bước khẳng định chất lượng và uy tín thương hiệu, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối toàn cầu. Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, thành phố có 67 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, hàng hóa xuất khẩu đến trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó một số thị trường xuất khẩu lớn nằm trong khối EU như Hà Lan, Bỉ...

 Tận dụng thời cơ, thúc đẩy hợp tác

Theo khảo sát gần đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về mức độ tận dụng của doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác, gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 16,7% vào năm 2022 và gần 20% năm 2023. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao. Năm 2023, tỷ lệ sử dụng C/O mẫu EUR.1 là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, tương đương kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O là 15,4 tỉ USD, tăng 26,1% so với năm 2022. EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỉ euro.

EVFTA giảm thuế quan lên 65% giá trị hàng xuất khẩu của EU kể từ thời điểm hiệp định có hiệu lực, các loại thuế còn lại sẽ được loại bỏ dần trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi đó, 71% hàng xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế sau khi EVFTA có hiệu lực. Tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên hơn 99% trong 7 năm tới. Ðồng thời, trong EVFTA, các doanh nghiệp sẽ được tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, hải quan, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường… Nhưng đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn về tăng trưởng xanh, sở hữu trí tuệ... từ thị trường EU.

Ðại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, trong xây dựng kế hoạch sản xuất và kinh doanh các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt thông tin về thị trường thế giới, các tác động của kinh tế thế giới… Ðồng thời, chủ động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường EU.

Doanh nghiệp của TP Cần Thơ phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít, năng lực sản xuất còn hạn chế, phần lớn doanh nghiệp chưa có khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng cho các thị trường và các điều kiện ưu đãi thuế quan trong các FTA đã ký kết nên vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội từ FTA… Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết: Ðể tận dụng tốt cơ hội từ FTA, trong đó có EVFTA, thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp xuất khẩu để chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, nhất là trước xu hướng gia tăng các hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ðồng thời ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố. Tăng cường liên kết các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại giữa thành phố với các tỉnh, thành trong nước và đối tác quốc tế. Ðẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đào tạo chuyên sâu cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp trực tiếp thực hiện các nội dung có liên quan đến các quy định về thuế, thủ tục cấp C/O, hải quan, truy xuất nguồn gốc,… thực hiện đúng và đầy đủ các cam kết FTA mà Việt Nam đã tham gia. Tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống logistics; tăng cường liên kết các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại...

Theo ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam cho biết, các nhà đầu tư từ khối Liên minh châu Âu đã rót 28 tỉ euro vào 2.450 dự án, qua đó nhấn mạnh niềm tin của EU vào tiềm năng phát triển của Việt Nam. Trong bối cảnh xu thế FDI toàn cầu suy giảm, các doanh nghiệp lớn tại EU vẫn tin tưởng vào tiềm năng của Việt Nam và đã bổ sung 800 triệu euro đầu tư trực tiếp nước ngoài trong vòng 9 tháng (từ tháng 1 đến tháng 9-2023). EVFTA chắc chắn đã tạo ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, ông Dominik Meichle đưa ra khuyến nghị, khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận, điều quan trọng là phải tiếp tục nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, thống nhất các tiêu chuẩn và đảm bảo mọi người đều hiểu cách thức hoạt động của EVFTA. EuroCham đang tích cực ủng hộ việc phê chuẩn đầy đủ Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) như một bước quan trọng để mở khóa toàn bộ tiềm năng của EVFTA nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết