18/12/2011 - 21:24

THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đưa ngành công nghiệp vào "đường ray" phát triển

Hoạt động sản xuất tại DNTN Cơ khí Sông Hậu.

Giai đoạn 2006 - 2010, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ đạt mức tăng trưởng 18,63%. Năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ ước tăng gần 16% so với năm 2010. Dù kết quả khá khả quan, nhưng theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, ngành công nghiệp của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi cần phải có giải pháp khắc phục. Để tiếp nối đà tăng trưởng, TP Cần Thơ đã và đang nỗ lực xây dựng các đề án, quy hoạch dài hạn... hướng ngành công nghiệp thành phố vào “đường ray” phát triển ổn định và bền vững.

* NHỮNG BỨC BÁCH CẦN GIẢI QUYẾT

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, từ năm 2006 đến nay, ngành công nghiệp thành phố có bước tăng trưởng khá cao. Nếu năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố đạt khoảng 9.905,45 tỉ đồng thì con số này của năm 2010 đã lên đến 19.286 tỉ đồng. Và năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp của toàn thành phố ước đạt 22.682 tỉ đồng, tăng gần 16% so với năm 2010...

Tuy nhiên, theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, hiệu quả của sản xuất công nghiệp còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, cần có giải pháp tháo gỡ. Đó là: Sự tăng trưởng về sản lượng sản xuất còn cách biệt lớn với tăng trưởng về giá trị gia tăng trong công nghiệp. Nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến chưa ổn định dẫn đến mất cân đối cung cầu cục bộ nhất là nguyên liệu gạo, thủy sản. Thành phố vẫn chưa tổ chức và thực hiện hiệu quả việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng giữa người sản xuất và doanh nghiệp... Ngoài ra, thời gian qua, giá nguyên liệu, nhất là nguyên liệu nhập khẩu khá cao, sản lượng lại thiếu tính ổn định. Trong khi đó, hàng nông sản kích cỡ không đồng đều, chưa đa dạng chủng loại, số lượng lại ít và không được sản xuất tập trung nên khó đáp ứng yêu cầu với số lượng lớn, việc bảo quản sau thu hoạch chưa tốt ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nguyên liệu... Những vấn đề này làm ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả hoạt động sản xuất công nghiệp của thành phố.

Ngoài ra, dù thành phố đã cơ bản hình thành những sản phẩm công nghiệp chủ yếu nhưng hơn 10 năm qua vẫn chỉ tập trung vào các mặt hàng nông, thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất nông, thủy sản phụ thuộc nhiều điều kiện tự nhiên. Khi nông nghiệp mất mùa hoặc bị thiên tai, dịch bệnh thì nguyên liệu cung cấp cho chế biến không ổn định. Mặt khác, chi phí vận chuyển nguyên liệu, chi phí quản lý và các chi phí khác phát sinh khá cao, dẫn đến giá thành tăng cao, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp ở thị trường trong nước và xuất khẩu. Vì vậy, phần nhiều sản phẩm sản xuất công nghiệp ở mặt hàng nông, thủy sản cho xuất khẩu của thành phố chủ yếu là sơ chế. Các sản phẩm dệt may, da giày, cơ khí chế tạo, hóa chất cơ bản... với sản lượng tăng mạnh nhưng giá trị không tăng nhiều, chưa tăng trưởng theo chiều sâu nên đã làm hạn chế một phần hiệu quả phát triển công nghiệp. Một số sản phẩm khác như thuốc tân dược, phân bón, hóa chất, xi măng, sắt thép, sản phẩm gia công cơ khí các loại... dù đang phát triển mạnh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sản xuất công nghiệp của thành phố nhưng thị trường tiêu thụ trong nước vẫn là chủ yếu.

Ngoài ra, theo Sở Công Thương thành phố, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp nhẹ, các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh trên địa bàn TP Cần Thơ thời gian qua còn rất khiêm tốn. Thành phố chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI đầu tư vào ngành công nghiệp nguồn, công nghiệp công nghệ cao. Mặt khác, xuất khẩu của TP Cần Thơ tuy tăng trưởng khá, cả về quy mô lẫn kim ngạch nhưng vẫn chứa đựng những yếu tố chưa bền vững, dễ bị tổn thương từ những biến động bên ngoài. Không chỉ vậy, cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng cao hàng hóa có hàm lượng chế biến tinh và công nghệ cao còn chậm... Ngoài ra, việc mở cửa thị trường theo cam kết WTO, các tập đoàn phân phối đa quốc gia với sức mạnh về tài chính và kinh nghiệm phân phối hàng hóa hiện đại cùng với việc giảm dần các rào cản của thị trường trong nước đã và đang là thách thức không nhỏ cho sự phát triển của ngành công nghiệp thành phố.

* TẠO THẾ VÀ LỰC ĐỂ CÔNG NGHIỆP PHÁT TRIỂN

Năm 2012, TP Cần Thơ phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 22.525 tỉ đồng, tăng gần 16% so năm 2010. Dự kiến sản lượng một số sản phẩm chính như sau: thủy sản chế biến - đông lạnh khoảng 380.000 tấn, gạo xay xát 5,2 triệu tấn, quần áo may sẵn 16 triệu sản phẩm, phân hóa học 282.000 tấn, xi măng 1,2 triệu tấn, thép các loại 60.000 tấn... Theo UBND TP Cần Thơ, mục tiêu phát triển ngành công nghiệp của thành phố giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Đến năm 2015, TP Cần Thơ phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp 40.458 tỉ đồng và đạt 82.831 tỉ đồng vào năm 2020.

Theo UBND TP Cần Thơ, để đạt được các mục tiêu phấn đấu, thành phố đã và đang tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, thành phố phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí trọng điểm, công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn.... Thúc đẩy, thu hút nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; đặc biệt là đầu tư hệ thống xử lý nước thải, sớm tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, UBND thành phố chỉ đạo các ngành hữu quan tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các khu công nghiệp (Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B và Thốt Nốt) để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư...

Hướng ngành công nghiệp thành phố vào “đường ray” phát triển bền vững, UBND thành phố đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến 2025... Ngoài ra, thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai hoàn thành các đề án như: Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của TP Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025; quy hoạch phát triển công nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2025... Đặc biệt, trong tiến trình phát triển, thành phố lựa chọn một số sản phẩm công nghiệp đang có làm sản phẩm công nghiệp chủ lực; đồng thời hình thành những sản phẩm công nghiệp chủ lực mới trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu mới của thị trường, tăng đóng góp của công nghệ, vốn con người vào tăng trưởng. Và theo Quyết định 2543/QĐ - UBND của UBND TP Cần Thơ ban hành ngày 19-10-2011 về phê duyệt đề án chiến lược sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP Cần Thơ giai đoạn 2011-2015, thành phố phấn đấu phát triển được 20-30 sản phẩm công nghiệp chủ lực và có giá trị đóng góp từ 10-15% tổng sản phẩm nội địa của thành phố...

Bài, ảnh: T.ĐẠT

Chia sẻ bài viết