21/06/2009 - 21:03

DNTN Hòa Thành (Long An)

Đưa lục bình xuất ngoại...

Trước đây, cây lục bình đối với người nông dân không có lợi ích gì nhiều, trái lại còn gây bao phiền toái, làm cản trở sự lưu thông trên sông rạch, làm nghẽn dòng chảy của các công trình thủy lợi. Thế nhưng, những năm gần đây, cây lục bình bỗng lên ngôi, trở thành cây nguyên liệu phục vụ cho ngành thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Từ cơ sở thu mua chiếu xuất khẩu nhỏ, đến năm 2004, DNTN Hòa Thành ra đời ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức (Long An) với ngành nghề kinh doanh là sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ban đầu các mặt hàng chủ yếu làm bằng mây tre, cói, dây chuối, nhưng sau đó do yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, DNTN Hòa Thành Long An đã sản xuất thêm mặt hàng lục bình. Hiện DN có hàng chục đại lý thu mua nguyên liệu lục bình khô ở hầu hết các tỉnh thành trong khu vực miền Tây Nam bộ.

Một góc phòng trưng bày sản phẩm thủ công làm từ lục bình của Công ty Hòa Thành. 

Tại phân xưởng sản xuất chính ở Bến Lức, có gần 100 lao động làm việc thường xuyên, có thu nhập ổn định trên dưới 1.500.000 đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho gần 800 lao động thời vụ, lao động bán thời gian. Họ chủ yếu là nông dân địa phương tìm việc làm lúc nông nhàn. Chị Nguyễn Thị Kim làm công nhân tại đây cho biết: với thu nhập 1.500.000 đồng như hiện nay chị cũng trang trải được chi phí cho gia đình. Ngày chủ nhật không làm, chị đi cắt lục bình phơi khô bán để tăng thêm thu nhập. Lục bình phơi khô bán được 5.000 - 7.000 đồng/kg. Một người có thể kiếm được cả chục ký lục bình nguyên liệu, thu nhập bình quân 50.000 đồng/ngày. Một hộ gia đình 4 người lao động kiếm được 200.000 đồng/ngày từ lục bình, góp phần đáng kể cho việc nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống ở nông thôn. Ngoài ra, tại đây còn có 1 phân xưởng may để may một số sản phẩm xuất theo lục bình.

Với đặc tính dẻo dai khi phơi khô, dễ đan hoặc quấn quanh các khung gỗ, sắt, các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đã dùng cây lục bình phơi khô làm thảm, bàn ghế, tủ kệ và một số sản phẩm khác dùng để trang trí nội thất thay thế cho các loại nguyên liệu mây, tre, cói... ngày càng khan hiếm.

DNTN Hòa Thành hiện sản xuất nhiều mặt hàng từ nguyên liệu lục bình như: chiếu, thảm, giỏ xách, tủ nhà bếp, đĩa đựng trái cây, sọt cắm hoa, kệ đựng rượu, salon và dép... Khách hàng nước ngoài yêu thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng lục bình của công ty Hòa Thành vì nhiều lý do như: chất lượng cao, số lượng dồi dào, mẫu mã phong phú, đa dạng, thiết kế tinh tế, phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của các nền văn hóa khác nhau trên thế giới... Nhưng cho dù thế nào đi nữa, tất cả các sản phẩm mỹ nghệ làm từ lục bình mang nhãn hiệu Hòa Thành vẫn giữ chung một tiêu chí, đó là thân thiện với môi trường thiên nhiên. Hàng thủ công mỹ nghệ của Hòa Thành, cho dù được bán cho mục đích sử dụng nào đi nữa, đôi khi chỉ là một búp bê lục bình trưng bày trong tủ kính hay các vật dụng hàng ngày như chiếu, gối, giỏ xách, chậu đựng hoa quả, trồng cây kiểng... tất cả đều phải sử dụng nguyên liệu lục bình thiên nhiên, không sử dụng hóa chất trong sản xuất. Chính vì vậy, sản phẩm mỹ nghệ lục bình của Hòa Thành tạo được niềm tin ở các nước Tây Âu, Mỹ, Nhật vốn được coi là những thị trường đặc biệt khắt khe về việc sử dụng hóa chất trong hàng mỹ nghệ gia dụng.

Ông Eric Ciabaut, Đại diện thương mại Công ty Ste Val, Cộng hòa Pháp, một khách hàng quen thuộc của DNTN Hòa Thành từ nhiều năm nay, cho biết: “Công ty của tôi đã mua hàng của ở đây từ 8 năm qua. Tôi yêu mến và tin tưởng sản phẩm mỹ nghệ làm từ lục bình do DNTN Hòa Thành sản xuất. Đó là sản phẩm tôn trọng môi trường. Hàng hóa ở đây không sử dụng hóa chất, nó vẫn giữ màu nguyên thủy và còn phảng phất mùi vị của cây lục bình phơi khô”.

Một khía cạnh khác khiến cho sản phẩm mỹ nghệ lục bình Hòa Thành có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nước ngoài đó là sự tôn trọng các yếu tố thuộc về văn hóa và mỹ thuật. Eric Ciabaut cho biết thêm: “Hàng làm bằng lục bình của Trung Quốc không phải là hàng thủ công mà nó được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, sản xuất công nghiệp tạo ra số lượng lớn và giá thành rẻ. Vì vậy, đó là hàng công nghiệp chứ không phải là hàng thủ công. Còn hàng mỹ nghệ của Việt Nam được làm bằng đôi tay con người chứ không phải máy móc công nghiệp, vì vậy nó mang đậm dấu ấn về ý tưởng mỹ thuật, phản ánh được những nét văn hóa và tâm hồn thông qua bàn tay lao động trực tiếp của con người”.

Ông Võ Thanh Tú, Giám đốc DNTN Hòa Thành, cho biết: Hằng tháng, DN tiêu thụ khoảng 10 tấn nguyên liệu lục bình khô, sản xuất khoảng 5.000 sản phẩm các loại, doanh thu trung bình đạt 50.000USD. Trong năm 2008, DN đạt doanh thu xuất khẩu trên 500.000 USD từ các sản phẩm mỹ nghệ làm bằng lục bình. Trong các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác được sản xuất trong hơn 10 năm qua như cói, lác, mây, tre, trúc, sọ dừa... chưa có mặt hàng nào đạt doanh số cao như vậy.

Bài, ảnh: Hữu Phước

Chia sẻ bài viết