Liam Hoekstra ở Grand Rapids, bang Michigan (Mỹ) là đứa trẻ có thể lực “siêu phàm”. Lúc mới 5 tháng tuổi, Liam đã làm quen với động tác iron cross (đu người trên không trong tư thế chữ thập, với hai tay dang rộng và chịu vào hai vòng tròn treo tòng teng trên cao trong khi hai chân duỗi thẳng) vốn chỉ dành cho viên động viên thể hình. Đến 8 tháng tuổi, cậu có thể thực hiện động tác hít xà ngang, và 9 tháng tuổi, bé lên xuống cầu thang như chơi.
Bà Dina Hoekstra, mẹ của Liam, là người đầu tiên khám phá nội lực phi thường của con nuôi. Không lâu sau, gia đình đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa, và bé được chẩn đoán bị chứng phình trướng cơ có liên quan tới myostatin, gien ức chế sự phát triển cơ bắp. Bệnh này cực kỳ hiếm gặp chỉ có vài ca tương tự được y văn thế giới ghi nhận. Những trường hợp như bé Liam (năm nay 3 tuổi) luôn thu hút các nhà khoa học, bác sĩ và chuyên gia thể hình nghiên cứu hòng tìm ra cách phát huy sức mạnh tự nhiên của cơ thể.
 |
Cậu bé “siêu mạnh” Liam có thể cho thấy những tác hại lâu dài của tình trạng siêu sức mạnh. Ảnh: Muskegon Chronicle |
Tìm ra chìa khóa làm nên sức mạnh cơ bắp
Cơ thể người có nhiều chất có thể chi phối sự phát triển cơ bắp nhưng năm 1997, các nhà nghiên cứu Đại học Johns Hopkins (Mỹ) lần đầu tiên khám phá gien và protein mang tên myostatin ở chuột, và sau đó trong đàn bò Belgian Blue (giống bò của Bỉ nổi tiếng với bắp thịt cuồn cuộn). “Đó là một trong những lý do tại sao tôi không giống Arnold Schwarzenegger (cựu diễn viên cơ bắp nổi tiếng Hollywood và hiện là thống đốc bang California)”, Dominic Wells, giáo sư nghiên cứu gien myostatin ở Đại học Hoàng gia Luân Đôn (Anh), lý giải.
Theo giáo sư Wells, gần như mọi sinh vật trên Trái đất đều mang gien sản sinh protein ức chế sự phát triển cơ bắp, có tên gọi myostatin. Hàm lượng myostatin càng cao cơ thể càng khó phát triển cơ bắp, và ngược lại. Sau khám phá myostatin ở chuột và gia súc, các nhà khoa học ghi nhận hiện tượng myostatin biến thể tự nhiên ở một số con chó và cừu, nhưng chưa bao giờ thấy ở người cho đến năm 2004.
Đứa bé siêu mạnh
đầu tiên ở Đức
Cách đây 5 năm, Se-Jin Lee, giáo sư bộ môn di truyền và sinh học phân tử thuộc khoa y Đại học Johns Hopkins báo cáo trường hợp một đứa bé ở Đức chào đời bị khiếm khuyết gien myostatin, và có sức mạnh trội hơn bé Liam. Trường hợp của Liam thì khác, cơ thể bé có gien myostatin nhưng bị rối loạn chức năng điều tiết. Tiến sĩ Lee cho biết nhiều người từng thử dùng kháng thể hoặc những liệu pháp khác để ức chế gien myostatin với hy vọng chữa khỏi chứng loạn dưỡng cơ (bệnh di truyền với biểu hiện cơ teo dần). Tuy nhiên, chưa có thử nghiệm nào thành công.
Tác động myostatin
để phát triển cơ bắp
Cho tới nay, theo giáo sư Wells, chưa có phương pháp nào có thể làm thay đổi hàm lượng myostatin, ngoại trừ rèn luyện thể lực. “Để duy trì sự sống của cơ bắp, cơ thể phải tiêu tốn năng lượng”. Do hệ cơ không bị myostatin chi phối nên Liam “thực như hổ”. “Cháu luôn than đói dù cách đó một giờ đã ăn uống no nê. Tốc độ chuyển hóa thức ăn trong cơ thể bé nhanh hơn so với người bình thường”, mẹ Liam cho biết.
Tuy nhiên, chứng phàm ăn như ở Liam hầu như không làm nản chí những người theo đuổi việc tìm kiếm bí quyết để có cơ bắp rắn chắc. Các bác sĩ ở Đại học Pennsylvania, đơn vị nghiên cứu chuyên sâu về cơ bắp, gần đây được Cơ quan chống doping thế giới đánh tiếng nhờ phát triển phương pháp phát hiện “doping gien” (liệu pháp tác động hàm lượng myostatin trong cơ thể). Theo Tejvir S.Khurana của Đại học Pennsylvania, ông và đồng nghiệp có thể nhận biết nếu vận động viên được doping bằng thuốc ức chế gien myostatin. “Vấn đề là liệu nó (kỹ thuật xét nghiệm doping gien) có được phép ứng dụng thường quy”.
Do nghiên cứu myostatin và những ảnh hưởng của nó lên cơ bắp là lĩnh vực còn khá mới nên giáo sư Wells lẫn Khurana và Lee đều không xác định liệu “doping gien” có gây tổn hại cho sức khỏe hay không. Trong khi đó, John Faulkner, chuyên gia công nghệ y sinh ở Đại học Michigan, nhận thấy một số ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng myostatin thấp ở chuột. “Doping gien giống như con dao hai lưỡi. Nó có lợi nếu bạn muốn có cơ bắp vạm vỡ nhưng vấn đề là các sợi gân không phát triển theo kịp với sự phình ra của cơ bắp”. Faulkner nhận thấy gân của chuột được tiêm “doping gien” phát triển theo hướng giòn, dễ vỡ và quá nhỏ để nâng đỡ các khối cơ khổng lồ.
THIÊN LAM (Theo ABC, Answers)