Ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, trong đó Cần Thơ và ĐBSCL cũng chịu chung ảnh hưởng khi liên tục sụt giảm số lượng khách và doanh thu. Nhằm biến những thách thức thành cơ hội để khôi phục và phát triển, tại Cần Thơ, ngành du lịch vừa tổ chức Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Điểm đến sáng tươi” và tọa đàm “Thúc đẩy du lịch ĐBSCL hậu COVID-19 từ chiến lược liên kết hàng không với du lịch”. Từ đó, mở ra nhiều hướng đi và cơ hội mới...
Các doanh nghiệp lữ hành giới thiệu sản phẩm kết nối từ đường bay Cần Thơ - Buôn Mê Thuột tại hội thảo.
►Liên kết hàng không với du lịch
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2020 tổng lượt khách đến Cần Thơ giảm 69,7%, doanh thu giảm 62,1% so với cùng kỳ năm trước. Thời gian qua, thành phố chỉ tổ chức 3.526 chuyến bay nội địa, giảm 17%; lượng khách nội địa là 523.205 lượt, giảm 24% so cùng kỳ. TP Cần Thơ hiện là cửa ngõ then chốt với vai trò trung chuyển và điều phối khách ở vùng ÐBSCL. Bình quân mỗi tuần, Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ phục vụ khoảng 120 chuyến bay quốc nội khứ hồi, kết nối Cần Thơ đến: Hà Nội, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Hải Phòng, Phú Quốc, Côn Ðảo, Vinh, Nghệ An… Mới đây, Vietnam Airlines chính thức đưa 3 đường bay mới: Cần Thơ - Hải Phòng, Cần Thơ - Vinh, Cần Thơ - Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động và sắp tới có thêm Cần Thơ - Ðà Lạt (2-7). Với sự bổ sung các đường bay mới này, dự kiến mỗi tuần Vietnam Airlines sẽ khai thác 52 chuyến bay khứ hồi và vận chuyển 12.000 lượt khách qua Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Du lịch Cần Thơ đang cần có những giải pháp kịp thời theo tình hình mới. Việc Vietnam Airlines khai trương các đường bay nội địa kết nối Cần Thơ đến Vinh, Hải Phòng, Buôn Ma Thuột và tổ chức Hội thảo “Du lịch Việt Nam - Ðiểm đến sáng tươi” là hoạt động thiết thực nhằm từng bước phục hồi ngành du lịch sau đại dịch COVID-19; thu hút các nhà đầu tư đến địa phương; tạo tiền đề khôi phục kinh tế của thành phố và vùng ÐBSCL, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng: để vực dậy du lịch trong giai đoạn hiện nay, cần phải có sự chung tay và đồng hành xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ phù hợp, tạo kích cầu du lịch hiệu quả, trong đó du lịch và hàng không có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời trong quá trình phát triển chung. Do đó, việc khai thác các đường bay mới của Vietnam Airlines góp phần thiết thực, kịp thời góp phần hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng phục hồi. Riêng với ÐBSCL, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu khẳng định: “Kết nối hàng không thuận lợi chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và du lịch của các tỉnh, thành ÐBSCL”. Ðặc biệt, sự kiện Vietnam Airlines ký kết các thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành: Cần Thơ, Lâm Ðồng, Nghệ An, Hải Phòng, Ðắk Lắk càng thúc đẩy đi lại thuận lợi hơn, trước hết cho khách du lịch nội địa, tương lai là khách quốc tế.
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho rằng ÐBSCL là thị trường có nhiều tiềm năng, được Vietnam Airlines đầu tư phát triển từ sớm khi thành lập chi nhánh tại Cần Thơ cách đây 10 năm. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác 7 đường bay kết nối trực tiếp Cần Thơ với Hải Phòng, Hà Nội, Vinh, Ðà Nẵng, Buôn Ma Thuột, Côn Ðảo, Phú Quốc. “Thông qua các đường bay này, Vietnam Airlines kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và đóng góp vào sự phát triển du lịch, kinh tế của địa phương cũng như các tỉnh, thành phố khác có đường bay kết nối, đặc biệt trong bối cảnh cả đất nước đang chung sức tái phát triển du lịch, kinh tế. Ðối với các đường bay tới ÐBSCL, hãng luôn nhận định rằng đây là điểm đến có tiềm năng lớn với tốc độ phát triển kinh tế cao, dân cư đông đúc, nhiều dự án đầu tư vào các thành phố trọng điểm như Cần Thơ… Ðó là lý do Vietnam Airlines tạo kết nối giao thông thuận lợi cho giao thương và du lịch, kết nối ÐBSCL tới các điểm đến khác trên cả nước”, ông Lê Hồng Hà nhấn mạnh.
►Thách thức và cơ hội
Việc mở các đường bay nội địa mới tạo nhiều thuận lợi cho ngành du lịch, nhất là trong giai đoạn cần xây dựng những chính sách, chương trình kích cầu phù hợp. Ðây là cơ sở để có những gói kích cầu tốt nhất (kết hợp cùng các đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn…) thu hút du khách đến Cần Thơ, ÐBSCL. Qua đó, nhiều kiến nghị đã được đề xuất: kết hợp ưu đãi giá vé máy bay - tour - khách sạn; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; phát huy các không gian, đặc trưng văn hóa truyền thống của địa phương và nâng cao chất lượng dịch vụ an toàn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là về vấn đề an toàn.
Cho đến nay, vấn đề an toàn trong du lịch vẫn đang được ưu tiên hàng đầu. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nói: “An toàn luôn là vấn đề quan trọng nhất. Khi dịch bệnh suy giảm, Hiệp hội đã trình những phương án kích cầu và ngay lập tức Chính phủ đã đề ra tiêu chí an toàn và những giải pháp cần chuẩn bị. Hiệp hội cũng đã phối hợp với Bộ Y tế xây dựng bộ tiêu chí an toàn, với các tiêu chí quan trọng: điểm đến an toàn, doanh nghiệp du lịch an toàn, dịch vụ an toàn và vận chuyển an toàn. Sau đó, đơn vị cũng đã phối hợp với các địa phương xây dựng và phát động các chương trình kích cầu, trong đó Cần Thơ và ÐBSCL là điểm đầu tiên được lựa chọn để phát động chương trình”.
Du khách trên chuyến bay Hải Phòng - Cần Thơ.
Song hành cùng chiến dịch “Du lịch Việt Nam an toàn”, Chương trình Kích cầu du lịch do Hiệp hội Du lịch ÐBSCL cũng được triển khai từ tháng 6. Ðây là chương trình hành động đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch ÐBSCL là điểm đến an toàn, công bố chương trình kích cầu du lịch vùng, từng bước khôi phục du lịch nội địa. Ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ÐBSCL, nhấn mạnh: “Chương trình xác định ưu tiên hợp tác, liên kết với TP Hồ Chí Minh, chọn các địa phương, trung tâm du lịch cụm phía Ðông, phía Tây làm trọng điểm; đồng thời xây dựng các chính sách giảm giá, nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo an toàn, ưu tiên du lịch nội địa; đẩy mạnh các hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp để hạ giá thành và nâng cao chất lượng, hình thành các tour tuyến hấp dẫn khách đến”. Hiệp hội Du lịch ÐBSCL đã vận động được khoảng 100 doanh nghiệp giảm giá bình quân từ 10-50%, trong đó có nơi giảm 100% vé tham quan.
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ, chia sẻ: “Cần Thơ sớm chủ động xây dựng chương trình kích cầu du lịch, hiện đã vận động được khoảng 30-40 đơn vị tham gia. Ðịa phương cũng có nhiều sản phẩm, dịch vụ mới ra mắt và tiêu chí an toàn luôn được chú trọng. Chúng tôi cũng đang xây dựng bản đồ du lịch an toàn trên cơ sở phối hợp kiểm định và giám sát của ngành y tế địa phương. Ðể phát huy hiệu quả các đường bay và tăng sức hút du khách đến Cần Thơ và ÐBSCL, sắp tới tại Cần Thơ sẽ có nhiều sự kiện về du lịch”.
Theo đó, loạt các sự kiện về du lịch sẽ diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 3 đến 5-7, bao gồm: Hội nghị sơ kết 6 tháng Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL; Famtrip khảo sát các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch Cần Thơ; Ngày hội kích cầu du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ÐBSCL; Sự kiện ấn tượng du lịch Việt Nam năm 2020, kết nối ÐBSCL… Trong đó, hoạt động chính là hội nghị sơ kết 6 tháng Liên kết phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành khu vực ÐBSCL, đánh giá lại tình hình và hiệu quả nội dung thỏa thuận hợp tác triển khai giữa 14 tỉnh, thành; đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, nhấn mạnh đến các chương trình, kế hoạch kích cầu du lịch của các địa phương gắn với việc khôi phục các hoạt động du lịch theo tình hình mới sau dịch COVID-19; bàn các giải pháp ứng phó, hiệu quả các chương trình liên kết...
Thực tế, các hoạt động du lịch vẫn đang phục hồi, dù tốc độ hơi chậm. Cho nên việc ngành hàng không vào cuộc cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp du lịch và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy nhanh sự phục hồi của du lịch nội địa trong thời gian tới.
Bài, ảnh: ÁI LAM