Ðược đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, nhưng thời gian qua những thế mạnh của Cần Thơ vẫn chưa được phát huy hiệu quả. Vấn đề sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu điểm đến Cần Thơ vẫn là bài toán khó, đang được lãnh đạo địa phương, các chuyên gia tìm định hướng phù hợp.
Chợ nổi Cái Răng vẫn là nét đặc trưng của Cần Thơ được các đại biểu chú trọng đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch sông nước phù hợp (ảnh chụp trước thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp).
Chưa như kỳ vọng
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ÐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, có xác định “Phấn đấu đưa TP Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng ÐBSCL, là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước”. Trong Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về phát triển du lịch cũng đề ra mục tiêu: “Ðưa du lịch thành phố Cần Thơ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định thương hiệu, phát triển bền vững, đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố; phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, xứng tầm đô thị trung tâm vùng ÐBSCL”. Từ các cơ sở này, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch nhằm tạo sự thay đổi cho ngành công nghiệp không khói.
Cụ thể, giai đoạn 2015-2019, tổng lượt khách đến Cần Thơ đã tăng rõ rệt, từ 4,7 triệu lên gần 8,8 triệu lượt, mức tăng trưởng gần 1,9 lần. Cần Thơ được các chuyên gia ghi nhận có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch (chợ nổi; cảnh quan sông nước, miệt vườn phong phú; đa dạng các di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…), vị thế trung tâm ÐBSCL, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển, nguồn nhân lực và thị trường khách du lịch dồi dào...
Tuy nhiên, du lịch Cần Thơ vẫn chưa thực sự bứt phá với những sản phẩm riêng biệt. Nguyên nhân là chưa có sự đầu tư theo chiều sâu, sản phẩm vì thế không đạt được những giá trị cao, hạn chế tính hấp dẫn. Do đó, hiệu quả “níu chân” du khách chưa cao, cũng như việc chi trả cho các dịch vụ về du lịch còn thấp. Chỉ số lưu trú bình quân khách ở tại Cần Thơ là khoảng 1,5 ngày; các chỉ số doanh thu từ lữ hành, lưu trú Cần Thơ giữ vị trí thứ hai ở ÐBSCL (sau Kiên Giang). Từ thực tế này cho thấy, Cần Thơ có lúc là điểm dừng chân và trung chuyển của du khách đến các điểm du lịch ở các địa phương khác trong vùng ÐBSCL.
Vì vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch, Cần Thơ cần phải có những định hướng và giải pháp phù hợp hơn. Trong đó, yếu tố xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu điểm đến phải được chú trọng nhiều hơn.
Tìm định hướng
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Ðể thu hút khách du lịch, công tác xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch gắn với xây dựng thương hiệu đóng vai trò quan trọng. Ðể có sản phẩm độc đáo, cần nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm phát triển sản phẩm du lịch từ các địa phương, tham khảo ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp; khảo sát thị hiếu của du khách. Từ đó mới có những định hướng giải pháp phù hợp”.
Du lịch MICE với hệ thống khách sạn cao cấp và mang đặc trưng riêng là một trong những sản phẩm chính được Cần Thơ nỗ lực xây dựng.
Ðóng góp ý kiến cho ngành du lịch địa phương, TS. Nguyễn Quốc Nghi, giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Ðại học Cần Thơ, cho rằng: “Du lịch Cần Thơ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố, bởi địa phương đang thiếu một chiến lược marketing để tạo ấn tượng và níu chân du khách. Do đó, Cần Thơ nên xây dựng một chiến lược với những định hướng phù hợp”. TS. Nguyễn Quốc Nghi đề xuất chiến lược marketing tập trung 4 điểm chính: hình tượng địa phương, đặc trưng địa phương, thu hút đầu tư và thu hút nhân lực. Trong đó, việc có các sản phẩm độc đáo, đặc trưng vẫn là yếu tố then chốt để có những chiến lược lâu dài và hiệu quả.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết: “Thực tế Cần Thơ đang phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó xác định thế mạnh là du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo) và du lịch sông nước. Từ đó, địa phương cũng đã có nhiều đề án, chương trình để tập trung cho các loại hình này”. Trong đề án Phát triển sản phẩm đặc thù TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2030 cũng xác định rõ loại hình du lịch MICE và du lịch sông nước là sản phẩm chính, bên cạnh các loại hình bổ trợ là: du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch trải nghiệm nông nghiệp, du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Với các định hướng này, Cần Thơ đang tập trung nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng đáp ứng sự phát triển.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề kết nối và liên kết. Ông Nguyễn Tấn Nhơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành du lịch nên bàn với ngành Giao thông vận tải, Nông nghiệp, các đơn vị hữu quan để đưa ra quy hoạch tích hợp trong xây dựng hạ tầng đồng bộ, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Chuỗi cung ứng cần được kết nối liên tục thì mới thúc đẩy phát triển du lịch được”. Ông Nguyễn Tấn Nhơn cũng đề xuất ngành du lịch thành phố quan tâm hơn đến các sản phẩm trải nghiệm từ nông nghiệp, các trang trại, bởi đó là xu hướng đang được du khách ưa chuộng, trong khi Cần Thơ có thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, Cần Thơ hiện có 27 sản phẩm được công nhận OCOP cũng góp phần tạo ra những sản phẩm đặc trưng địa phương. ThS. Lê Thị Tố Quyên, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Ðại học Cần Thơ, chia sẻ: “Cần Thơ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng hạn chế là chuỗi giá trị và cung ứng vẫn chưa được hình thành. Những sản phẩm của loại hình du lịch này vẫn còn thô sơ, thiếu sự liên kết và đầu tư bài bản, chưa tạo được thương hiệu nhận diện riêng. Nếu được chú trọng đầu tư, du lịch nông nghiệp tại Cần Thơ có thể tạo được hướng đi riêng biệt”.
Trong khi đó, Th.S Nguyễn Lê Hoa Tuyết, Khoa Quản lý công nghiệp, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cho rằng: “Cần Thơ nên đẩy mạnh khai thác du lịch ẩm thực. Thực tế, ẩm thực là yếu tố không thể tách rời trong du lịch, tuy nhiên yếu tố này vẫn chưa được nhận diện đúng. Nếu khai thác phù hợp, du lịch chuyên về ẩm thực sẽ là xu hướng mới, tạo được nét riêng cho Cần Thơ, nhất là qua các kỳ lễ hội, sự kiện ẩm thực với thương hiệu riêng”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, nói: “Trên cơ sở những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đại biểu, chúng tôi sẽ tham khảo và rà soát để có những kiến nghị, giải pháp phù hợp trong xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, từng bước tạo được thương hiệu điểm đến và nâng cao sức cạnh tranh cho du lịch thành phố”. Theo đó, ngành Du lịch thành phố cũng đang xây dựng và triển khai nhiều đề án: du lịch đường sông, du lịch nông nghiệp, đề án kinh tế đêm, cũng như ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch để tiếp cận thị trường đa dạng hơn.
Do dịch COVID-19, năm 2020, khách đến Cần Thơ chỉ khoảng 5,6 triệu lượt, giảm đến 36,8% so với năm 2019, chỉ đạt 60,9% kế hoạch năm. Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng lượt khách đến Cần Thơ giảm 50% so với cùng kỳ. Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng phát triển du lịch, hợp tác, liên kết, phát triển du lịch đều bị ảnh hưởng. Các sự kiện điểm nhấn du lịch của thành phố không thể tổ chức theo kế hoạch. Để chuẩn bị cho du lịch thích ứng an toàn trong bối cảnh mới, Cần Thơ chuẩn bị ban hành kế hoạch “Người Cần Thơ đi du lịch Cần Thơ”, trước mắt là các tour tri ân tuyến đầu chống dịch.
Bài, ảnh: ÁI LAM