28/01/2022 - 19:39

Du lịch Cần Thơ nỗ lực vượt qua ảnh hưởng dịch COVID-19 

Trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành Du lịch TP Cần Thơ xây dựng và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi du lịch trong thời gian sớm nhất theo hướng bền vững.

Du khách bơi ghe tại khu du lịch Phi Yến. 

Khó khăn và nỗ lực thích nghi

Năm 2021, tổng lượt khách đến Cần Thơ đạt 2,1 triệu lượt, giảm 62,2% so với năm 2020, trong đó khách lưu trú có hơn 898.000 lượt, giảm 55,5%. Riêng khách quốc tế lưu trú chỉ đạt 9.705 lượt, giảm 94,3%. Doanh thu du lịch ước đạt 1.375 tỉ đồng, giảm 56,6%. Hoạt động xúc tiến đầu tư các dự án, xây dựng phát triển sản phẩm, quảng bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch đều gián đoạn.

Khảo sát từ các doanh nghiệp du lịch tại Cần Thơ cho thấy 70% lao động bị ảnh hưởng, thất nghiệp hoặc chuyển ngành nghề. Tính đến tháng 10-2021 chỉ có 17,5% doanh nghiệp du lịch đã hoạt động trở lại, đa phần là các công ty lớn. Tuy nhiên các đơn vị này cũng giảm quy mô. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria Cần Thơ, Chủ nhiệm CLB Khách sạn của Hiệp hội Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Năm 2021, trên địa bàn có 616 cơ sở lưu trú với 10.500 phòng. Tuy nhiên, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 năm 2021 thì gần như 100% các cơ sở lưu trú đều đã tạm dừng hoạt động, chỉ trừ một số khách sạn được cấp phép hoạt động dịch vụ cách ly có thu phí như Victoria Cần Thơ Resort, Bamboo Resort... Ngoài ra còn có một số khách sạn lớn duy trì hoạt động do có khách lưu trú dài hạn, như: Mường Thanh, TTC, Nam Bộ, Vinpearl”.

Bà Lê Thị Bé Bảy, đại diện CLB Du lịch cộng đồng cồn Sơn, bày tỏ: “Khi du lịch cồn Sơn hoạt động trở lại, chúng tôi đã kết nối khoảng 45 đơn vị lữ hành, trong đó có 10 đơn vị từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, thực tế lượng khách từ các công ty gửi về chưa đến 10% và đa phần từ các đơn vị lớn. Ðối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì không kết nối được vì họ vẫn chưa hoạt động trở lại”. Thực tế có nhiều công ty, điểm đến đã buộc phải đóng cửa vì tài chính và nhân lực không đủ. Dù vậy, vẫn có đơn vị tìm được giải pháp để duy trì.

Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ Du lịch Hồng Hiếu và Hieu’s Cottage, chia sẻ: “Ngành Du lịch đã trải qua nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực thích ứng, với sự ra đời của Hieu’s Cottage. Sáng tạo, nắm bắt xu hướng, tìm hiểu thị trường và kiên trì chờ đợi là những gì chúng tôi làm thời gian qua”. Sản phẩm và dịch vụ tại Hieu’s Cottage phù hợp xu thế du lịch xanh, trên cơ sở gìn giữ những giá trị văn hóa bản địa và kết nối cộng đồng. Chia sẻ về giải pháp thích nghi của Victoria Cần Thơ Resort, bà Võ Xuân Thư, cho biết: “Chúng tôi tập trung vào 3 vấn đề chính: sản phẩm, nhân lực và phương thức vận hành. Thực tế, các doanh nghiệp thường tập trung vào thị trường khách từ phương xa mà bỏ ngỏ thị trường khách nội tỉnh. Xu hướng staycation vẫn chiếm lượng lớn ở Cần Thơ. Xuyên suốt mùa dịch qua, doanh thu từ dịch vụ ăn uống của khách địa phương chiếm đến 70%. Ðây là nguồn thu nuôi chúng tôi trong suốt mùa dịch. Ngoài sản phẩm staycation chúng tôi còn hướng đến sản phẩm dành cho gói gia đình, nhất là kết nối với các tỉnh, thành có đường bay đến Cần Thơ”. 

Tìm giải pháp phục hồi du lịch

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ cũng đã có nhiều động thái để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Cụ thể, Sở VHTT&DL đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt hỗ trợ 323 hướng dẫn viên với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng. Ðồng thời, triển khai đến doanh nghiệp du lịch và lao động đăng ký các gói hỗ trợ tại địa phương theo quy định; phối hợp với Ðiện lực thành phố hỗ trợ giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch với số tiền hỗ trợ gần 16 tỉ đồng. Ðối với lĩnh vực lữ hành, Sở đã triển khai các quy định của Chính phủ và Bộ Tài chính về giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành, thời gian kéo dài đến tháng 6-2022; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023. Ngành Du lịch Cần Thơ cũng xây dựng những định hướng thúc đẩy phục hồi du lịch bền vững, đáp ứng xu hướng mới của du khách: ưu tiên các điểm đến mới, gần gũi với thiên nhiên, nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Du khách cũng chọn đi theo nhóm nhỏ, ngắn ngày. 

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Sở VHTT&DL TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành Du lịch Cần Thơ triển khai tập trung thị trường nội địa, khai thác thị trường gần; đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi đủ điều kiện. Ðẩy mạnh phát triển loại hình sinh thái sông nước, du lịch MICE, du lịch cộng đồng; chú trọng các sản phẩm du lịch gắn với thiên nhiên; đa dạng các loại hình ẩm thực đặc trưng của thành phố. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đa dạng hóa các phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch, chuyển đổi số, hợp tác với các địa phương trọng điểm về du lịch, phối hợp với các hãng hàng không thúc đẩy gia tăng các chuyến bay nội địa. Tiếp tục tham mưu UBND thành phố về các cơ chế, chính sách hỗ trợ các dự án đầu tư, doanh nghiệp và lực lượng lao động đang gặp khó khăn”.

Các đơn vị lữ hành, điểm đến tại Cần Thơ đang đầu tư các sản phẩm, dịch vụ mới theo thị hiếu du khách. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, chỉ đạo: “Du lịch thành phố xác định thị trường nội địa là chủ yếu trong giai đoạn phục hồi, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, từng bước mở cửa thị trường quốc tế. Sở VHTT&DL cần chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện hoạt động tốt nhất cho các doanh nghiệp du lịch, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mong rằng các doanh nghiệp chung tay cùng địa phương đầu tư và xây dựng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ đa dạng, các chương trình kích cầu để có thể nhanh chóng phục hồi du lịch theo hướng bền vững trong điều kiện bình thường mới”.

Bài, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết