Bài, ảnh: Yên Lương
Trong những ngày Tết Quý Mão 2023 vừa qua, An Giang tiếp tục đứng đầu ÐBSCL về số lượng khách du lịch. Thành quả đó nhờ vào cảnh quan thiên nhiên độc đáo, nhiều điểm đến hấp dẫn, xuất hiện các sản phẩm du lịch mới lạ, công tác đầu tư và quảng bá được đẩy mạnh…
Hồ Thủy Liêm đông đảo du khách.
Nhiều nét mới hấp dẫn
Thống kê nhanh cho biết số lượng khách đến các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh An Giang trong các ngày nghỉ Tết ước đạt trên 500.000 lượt. Trong đó, một số điểm có số lượng khách tăng cao như Khu du lịch Núi Sam 105.000 lượt (tăng 8.000 lượt), Khu du lịch Núi Cấm 87.000 lượt (tăng 16.000 lượt), Ðiểm du lịch Ðồi Tức Dụp 30.000 lượt (tăng 8.000 lượt), các điểm tham quan trên cù lao Giêng 9.000 lượt (tăng 5.000 lượt), các điểm tham quan cụm hồ ở huyện Tri Tôn 93.000 lượt (tăng 23.000 lượt)…
Trong đó, đáng chú ý là sự tăng vọt số lượng du khách một cách đầy bất ngờ ở Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên). Trong năm qua, ngọn núi như khoác lên mình chiếc áo mới khi được đầu tư 80 tỉ đồng để chỉnh trang cơ sở hạ tầng. Trong dịp Tết, hồ Thủy Liêm - khu vực trung tâm của ngọn núi gần như lúc nào cũng có hàng ngàn du khách, tấp nập cả ngày lẫn đêm.
Ðiểm đến mới nhất của du lịch An Giang là khu tham quan sinh thái Cồn Én (huyện Chợ Mới). Vừa khai trương đầu năm 2023, nơi đây đã nhanh chóng thu hút đông đảo các bạn trẻ. Ðến đây, du khách có trải nghiệm mới lạ khi đi qua những chiếc cầu bằng gỗ lũa (loại gỗ trầm tích chìm dưới đáy sông lâu năm), bên dưới là dòng sông Tiền mênh mông sóng nước. Trải nghiệm đó chắc hẳn không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Về ẩm thực, món gà đốt Ô Thum - đặc sản trứ danh của An Giang tiếp tục gây sốt cho đông đảo khách du lịch gần xa. Các quán gà đốt xung quanh khu vực hồ Ô Thum (huyện Tri Tôn) gần như hoạt động hết công suất trong những ngày Tết, để đảm bảo có thể phục vụ cho hàng trăm ngàn lượt thực khách tìm đến. Ðặc biệt, vào mùng 4 Tết, con đường vào hồ Ô Thum kẹt xe hàng cây số trong suốt nhiều giờ liền.
Ðể thu hút du khách, từ trước Tết Nguyên đán, các khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đã đầu tư chỉnh trang cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, thiết kế cảnh quan, phát triển dịch vụ ẩm thực… để thu hút khách du lịch. Bên cạnh đó, trong những ngày Tết, các khu điểm tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian, thể thao… rất sôi nổi và phong phú.
Sự chuẩn bị chu đáo của ngành Du lịch
Trong năm 2022 vừa qua, đặc biệt là trước thềm năm mới 2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư An Giang đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch với những hình thức đa dạng. Công tác truyền thông được đẩy mạnh, thông qua các phương tiện như báo, đài, mạng xã hội (Youtube, Facebook, TikTok…) nhằm thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch An Giang.
Song song đó, các sự kiện kết nối du lịch được tổ chức thành công, góp phần quảng bá sản phẩm du lịch An Giang và tìm kiếm cơ hội, đối tác, thị trường… Ðặc biệt, các tour du lịch An Giang được đưa lên sàn thương mại điện tử Shopee, giúp khách hàng tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm du lịch của tỉnh. Không chỉ thế, trong năm 2022 vừa qua, nhiều sản phẩm du lịch mới đã xuất hiện như homestay, trekking, caravan… góp phần tạo tiền đề cho sự phát triển của du lịch An Giang trong những năm tiếp theo. Có thể thấy, thị trường du lịch An Giang vào dịp này có nhiều nét mới, đáp ứng đa dạng các nhu cầu của du khách.
Khách nước ngoài tham quan rừng tràm Trà Sư.
Nhìn chung, nhờ có kế hoạch và chiến lược quảng bá sớm từ cuối năm, cùng với sự phối hợp tích cực của các doanh nghiệp, khu điểm du lịch mà lượt khách đổ về An Giang du xuân năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022. Ðây là những tín hiệu đáng mừng, mở đầu một năm mới nhiều khởi sắc, hứa hẹn những bước tiến mạnh mẽ cho các hoạt động du lịch. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể tìm thấy nhiều cơ hội mới, nhằm khai thác đa dạng hơn thị trường khách, đẩy nhanh tốc độ phục hồi và phát triển du lịch.
Ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Ðầu tư An Giang, cho biết: “An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch. Trong năm qua, cảnh quan của An Giang đã có nhiều thay đổi, các hoạt động du lịch có nhiều nét mới lạ, do đó được đông đảo người dân tìm đến. Trong những ngày Tết vừa qua, các khu điểm du lịch như núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Tà Pạ, Cồn Én… rất thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức đặc sản…”
Năm 2023, An Giang đề ra mục tiêu đón 8 triệu lượt khách và đạt doanh thu 5.500 tỉ đồng từ hoạt động du lịch, đưa ngành Du lịch phát triển đúng tiềm năng và lợi thế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.