27/09/2011 - 09:05

Dự án xây mới Trường Tiểu học Cái Khế kéo dài 12 năm

Nhằm giải quyết tình trạng hơn 1.000 học sinh tiểu học (TH) ở địa bàn phường Cái Khế phải học rải rác trong 5 điểm trường bằng cây tôn tạm bợ, từ năm 1999, UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) đã có Quyết định số 2791/QĐ.UBT.XDCB phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường TH Cái Khế trên diện tích 8.961 m2 tại khu vực 1 của phường, thời gian thực hiện từ năm 2000 -2002. Thế nhưng đến nay, dự án này vẫn còn nằm trên giấy, vì khu tái định cư Trường TH Cái Khế vẫn chưa xong. Trong khi đó, trường phải hoạt động trong điều kiện phòng ốc xuống cấp nghiêm trọng…

Để có mặt bằng xây mới Trường TH Cái Khế, UBND tỉnh Cần Thơ phải triển khai thêm dự án đầu tư xây dựng đường dẫn vào trường. Vì trường nằm trong khu dân cư diện tích 13,32 ha thuộc khu vực 1 của phường (hiện nay là đường Trần Quang Khải nối dài và trục đường 20-25 là đường nối giữa đường Trần Quang Khải và đường Lê Lợi). Theo đề nghị của bà con tại cuộc họp dân ngày 10-3-2003 là được tái định cư tại chỗ, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3438/QĐ.CT.UB ngày 15-11-2004, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu tái định cư Trường TH Cái Khế, có diện tích 12.436 m2. Công trình này có tổng mức đầu tư lên đến trên 26,2 tỉ đồng do UBND quận Ninh Kiều làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện đến năm 2006. Khu tái định cư Trường Tiểu học Cái Khế cũng nằm trên trục đường Trần Quang Khải, có cơ sở hạ tầng được đầu tư cao cấp như khu dân cư ở Trung tâm thương mại Cái Khế. Khi hoàn thành sẽ có 96 nền diện tích 60 m2/nền phục vụ nhu cầu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Ngày 26-5-2005, UBND quận Ninh Kiều đã phát hành Thông báo số 113/TB-UB về việc điều tra thu thập số liệu đất đai, nhà cửa để phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tháng 6-2005, tổ chuyên viên của quận đã hoàn thành phương án chi tiết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Dự án khu tái định cư Trường TH Cái Khế có 73 hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 37 hộ bị mất trắng, cần quận giải quyết 46 nền tái định cư. Trong quá trình giải phóng mặt bằng, có 3 hộ dân tích cực thực hiện chủ trương giao đất. Đó là hộ bà Phạm Thị Đạt giao 2.300 m2, hộ ông Nguyễn Thành Tài và hộ ông Ngô Xuân Hoan mỗi hộ đều giao trên 2.000 m2 đất. Tuy nhiên, đến nay công trình khu tái định cư chỉ làm được hơn 50% (7.000 m2), còn lại gần 5.800 m2 đất của 12 hộ dân chưa giao mặt bằng, nhiều nhất là đất của ông Phạm Văn Bé có đến 1.308 m2 và hộ ông Nguyễn Đình Hạ có 1.400 m2 bị ảnh hưởng.

Trường TH Cái Khế 2, bằng cây tôn xây dựng từ năm 1957, nằm núp sau dãy phố lầu.  

Ông Lê Hoàng Đức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Ninh Kiều, (trước đây là Ban Bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng), cho biết: “Hộ ông Nguyễn Đình Hạ đòi bồi thường theo giá thị trường, quận không có cơ sở để giải quyết. Còn ông Phạm Văn Bé khiếu nại đòi tăng mức bồi thường, quận đã giải quyết cho ông Bé 5 nền tái định cư, nhiều hơn 2 nền so với quy định, nhưng ông Bé tiếp tục đòi thêm 3 nền tái định cư nữa, nên 10 hộ kia đã dựa vào đây để làm khó quận”.

Trường hợp người dân cố tình trì hoãn, không giao mặt bằng để quận thực hiện dự án xây dựng phục vụ cho công trình phúc lợi công cộng, thì thành phố có quyền cưỡng chế thu hồi đất theo tinh thần Nghị định 69 của Chính phủ (ban hành ngày 13-8-2009) quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giấy đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Hiện nay, quận đã có tờ trình về việc 12 hộ dân cố tình làm khó quận trong công tác giải phóng mặt bằng để thành phố giải quyết. Trong 12 hộ này, thì đất của hộ ông Phạm Văn Bé có một phần là đất cấp, vì ông Bé nguyên là Phó Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang (cũ). Do vậy, quận đã giải quyết khiếu nại của ông Phạm Văn Bé theo hướng vừa hỗ trợ, vừa động viên để ông Bé làm gương cho bà con địa phương. Thế nhưng ông Bé đã không nghĩ đến lợi ích chung. Theo Báo cáo số 39/BC.BTTH-GPMB ngày 7-12-2010 của Ban bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng đã có 9 lần làm việc với ông Bé, nhưng ông vẫn không chấp nhận mức bồi thường do quận đề nghị. Ông không ký biên bản làm việc, không cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (phần diện tích đất 1.308 m2 mà quận lập hồ sơ bồi thường cho ông Phạm Văn Bé là do Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên – Môi trường quận đo đạc thực tế vào ngày 26-7-2005), cố tình làm khó cơ quan chức năng. Trong khi đó, cơ quan chức năng đã đưa ra mức bồi thường cho ông Bé lên đến gần 1,7 tỉ đồng, gồm tiền bồi thường nhà ở, đất ở, hoa màu, vật kiến trúc, hỗ trợ tái định cư và tiền thưởng cho hộ di dời sớm (?!). Đồng thời, hỗ trợ 5 nền tái định cư, trong đó có 2 nền ở vị trí mặt tiền đường Trần Quang Khải.

Công trình xây dựng khu tái định cư trường TH Cái Khế được thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, giải phóng mặt bằng tới đâu làm cơ sở hạ tầng, phân lô nền tới đó. Trước tình trạng công tác giải tỏa bồi hoàn bị kéo dài, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, đã ký Tờ trình số 1601 (ngày 27-7-2011) xin thành phố cho quận được quyết toán 17,4 tỉ đồng khối lượng công trình đã thực hiện, bằng 66,4 % tổng kinh phí đầu tư (26,4 tỉ ) và phần mặt bằng chưa giải tỏa quận xin lập dự án mới. Thành phố đã chấp thuận đề nghị của quận, như vậy công trình xây dựng khu tái định cư Trường TH Cái Khế sẽ phải tiêu tốn thêm kinh phí.

Năm học 2011-2012, phường Cái Khế có 1.250 học sinh TH học rải đều ở 3 trường: TH Cái Khế 1, Cái Khế 2 và Cái Khế 3 nhưng mặt bằng trường nào cũng chật hẹp, học sinh không có sân chơi. Trường TH Cái Khế 1 và Cái Khế 2 mỗi nơi Ban giám hiệu phải quản lý 2 điểm trường, nằm cách nhau trên 300 mét. Trường TH Cái Khế 2 ở đường Cách Mạng Tháng Tám, nhưng phải đi qua con hẻm nhỏ xíu và tối om. Cô Lê Mỹ Trang, Hiệu trưởng Trường TH Cái Khế 2, cho biết: “Điểm trường này được thành lập từ năm 1957. Do xây dựng đã 54 năm nên cơ sở vật chất xuống cấp, giáo viên và học sinh phải dạy và học trong tình trạng chật chội và nóng bức. Giờ tan trường, giáo viên càng vất vả hơn vì nhà trường nằm ở vị trí cua tay chỏ của hẻm, giáo viên ở điểm B phải dẫn học sinh vào tập trung tại điểm A, rồi từ từ đưa các em ra đường Cách Mạng Tháng Tám để phụ huynh rước. Khi học sinh về hết thì thầy cô giáo mới ra về”.

Thời gian qua, dù phải dạy và học trong điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp nghiêm trọng, nhưng thầy và trò ở các trường TH Cái Khế đều có nhiều thành tích tốt. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với chúng tôi, giáo viên của các điểm trường đều bộc bạch: “Tình trạng cơ sở vật chất chật chội, nóng bức rất ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thầy và trò, ai cũng ao ước có được trường mới...”. Giá như hộ ông Phạm Văn Bé hiểu được nỗi vất vả của thầy cô và các cháu học sinh...

Bài, ảnh: ĐÌNH KHÔI

Chia sẻ bài viết