Kết thúc năm 2014, TP Cần Thơ đạt chỉ tiêu 65% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo đạt tỷ lệ 100%. Thành quả này là sự đóng góp công sức của các địa phương và nhiều cơ quan chức năng. Trong đó, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHYT đến tận hộ dân được xem là giải pháp nền tảng, tạo hiệu quả bền bỉ. Đó là Dự án C1-043 Cần Thơ, với sự hỗ trợ của Quỹ PARAFF.
Quỹ PARAFF đến TP Cần Thơ
Đối với TP Cần Thơ, để đạt mục tiêu độ bao phủ BHYT chiếm tỷ lệ 65% dân số năm 2014, công tác phát hành thẻ BHYT được xác định phải thực hiện quyết liệt, khẩn trương. Kết thúc năm 2013, số lượng người dân tham gia BHYT thành phố đạt tỷ lệ 54% (trên 671.000 người) so với tổng dân số. Đối với đối tượng thuộc hộ cận nghèo thành phố có trên 57.000 người, người có thẻ BHYT chiếm tỷ lệ 44,7% (khoảng 25.500 người). Thành phố tổ chức nhiều đợt kiểm tra. Kết quả cho thấy chỉ có 2.500 người mua thẻ BHYT theo quy định chung (nhà nước hỗ trợ 80% tiền tính trên mệnh giá thẻ BHYT, người mua chỉ đóng 20%). Còn lại trên 23.000 người có thẻ BHYT là diện được địa phương cấp miễn phí theo Quyết định 705.
Quyết định số 705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 8-5-2013, quy định: "Kể từ ngày 1-1-2013, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo mới thoát nghèo, thời gian hỗ trợ 5 năm sau khi thoát nghèo. Trường hợp người cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 1-1-2013, nhưng thời gian thoát nghèo tính đến ngày 1-1-2013 chưa đủ 5 năm, thời gian còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% BHYT, trong đó thời gian hỗ trợ thấp nhất là một năm". Thực tiễn đã nảy sinh tâm lý so bì trong bà con hộ cận nghèo và đây cũng là tình trạng phổ biến tại nhiều địa phương trong cả nước.
Ông Lars Adermalm, Trưởng Ban Thư ký PARAFF trao Quyết định hỗ trợ Dự án C1-043 Cần Thơ cho bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Cần Thơ. Ảnh: CTV
Trong khuôn khổ này, TP Cần Thơ được Quỹ PARAFF hỗ trợ 600 triệu đồng để triển khai Dự án C1-043 Cần Thơ (Dự án "Nâng cao nhận thức về Luật BHYT và những sửa đổi bổ sung của Luật cho hộ cận nghèo", thực hiện năm 2014. Mục tiêu chính là tuyên truyền, hướng dẫn để người dân thuộc hộ cận nghèo hiểu được các quy định ưu đãi của nhà nước dành cho hộ cận nghèo khi tham gia BHYT. Thí điểm tại 3 địa phương có số lượng hộ cận nghèo nhiều nhất thành phố là quận Ô Môn và huyện Thới Lai, Cờ Đỏ). Quỹ PARAFF do Văn phòng Quốc hội quản lý. Dự án C1-043 Cần Thơ do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Cần Thơ chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố và UBND các địa phương cùng thực hiện.
Để người dân thông hiểu
Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Cần Thơ kiêm Trưởng ban Chủ nhiệm Dự án C1-043 Cần Thơ, cho biết: "PARAFF là tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ các dự án nhỏ, nhằm mục tiêu tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật đến tận người dân. Để nhận Dự án C1- 043 Cần Thơ, chúng tôi chủ yếu làm việc với Ban thư ký PARAFF qua hộp thư điện tử: emailoffice.paraff@gmail.com". Qua trao đổi, Ban thư ký PARAFF thống nhất cho Dự án C1-043 Cần Thơ thực hiện các hoạt động gồm: Điều tra, khảo sát tình hình hộ dân tham gia BHYT và thu thập nhận xét của người dân đối với dịch vụ y tế trong suốt hệ thống (từ trạm y tế xã đến các bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố và trung ương; phát hành các tài liệu bướm tuyên truyền về chính sách BHYT. Hai công việc này được thực hiện thông qua các tình nguyện viên là cộng tác viên cơ quan bảo hiểm xã hội. Đặc biệt và quan trọng nhất là các buổi tọa đàm "trách nhiệm giải trình" tại từng quận, huyện do thành phố tổ chức. Mỗi nơi có trên 200 người dân đại diện hộ gia đình tham dự. Đoàn chủ tọa buổi tọa đàm là lãnh đạo chính quyền địa phương, ngành Y tế, Bảo hiểm xã hội, Lao động - Thương binh - Xã hội, có trách nhiệm lắng nghe và giải trình từng chất vấn của đại diện hộ dân về các vấn đề liên quan công tác BHYT tại địa phương. Qua đóng góp cụ thể và thẳng thắn của người dân, giúp chính quyền địa phương kịp thời giải quyết các mắc mứu trong công tác BHYT. Chẳng hạn, trong buổi tọa đàm tại quận Ô Môn, chị Lê Thị Hạnh (54 tuổi, ở khu vực Long Bình, phường Long Hưng), thuộc hộ cận nghèo, nói: "Ông xã tôi bị sỏi thận, phải xuống BVĐK thành phố mổ, do không có thẻ BHYT nên tiền viện phí gần 10 triệu đồng, ba người con trai của tôi phải làm mướn một năm mới trả hết nợ. Ở xóm tôi có hộ thuộc diện cận nghèo giống như gia đình tôi nhưng cả nhà lại được phường cấp cho thẻ BHYT, còn gia đình tôi thì không được". Tại buổi tọa đàm tại huyện Cờ Đỏ, ông Nguyễn Văn Năm (65 tuổi, ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân) thuộc hộ cận nghèo, mua thẻ BHYT 3 năm qua để điều trị bệnh cao huyết áp mãn tính, bức xúc kể: "Năm ngoái, khi ghé nhà người cháu ở quận Ô Môn, tôi đột nhiên bị đột quỵ và được đưa đến BVĐK Ô Môn cấp cứu. BVĐK Ô Môn chuyển tôi xuống BVĐK TP Cần Thơ và không cho tôi dùng xe cấp cứu của bệnh viện. Gia đình tôi phải thuê taxi. Đề nghị chính quyền kiểm tra". Hai vấn đề này đã được thành phố làm rõ. Đó là khi triển khai Quyết định số 705/QĐ-TTg, chính quyền cơ sở không làm công tác tuyên truyền, giải thích cho các hộ cận nghèo thông hiểu. Bác sĩ Phạm Hoàng Diệu, Giám đốc BVĐK Ô Môn, cho biết: Từ góp ý của người dân, bệnh viện bố trí bàn hướng dẫn bệnh nhân. Đầu năm 2015, bệnh viện nhắc nhở bộ phận hành chính phải thực hiện đúng và đủ chế độ viện phí BHYT dành cho đối tượng hộ cận nghèo.
Tạo cầu nối để quản trị bền vững
Chế độ BHYT có từ 23 năm qua (từ tháng 1-1993), chủ yếu do hai ngành đồng thực hiện. Đó là ngành Y tế đảm trách khâu điều trị bệnh và Bảo hiểm xã hội đảm trách khâu quản lý quỹ và phát hành thẻ BHYT. Việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng chính sách như: trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, người từ 80 tuổi
có sự tham gia của ngành Lao động Thương binh và Xã hội và UBND xã, phường đảm trách khâu xác nhận đối tượng. Do số lượng người tham gia BHYT ngày càng nhiều, dịch vụ khám chữa bệnh BHYT ngày càng mở rộng, đã gây áp lực cho công tác quản lý. Do các ngành chức năng được sự quản lý theo hệ thống dọc, nên việc sửa chữa không thể đạt yêu cầu của tất cả các đối tượng thụ hưởng chính sách BHYT, gây dư luận phiền hà. Để đỡ phải thực hiện khâu điều chỉnh chính sách từ cấp trung ương và tạo sự liên kết giữa các đơn vị chức năng tại địa phương, kịp thời điều chỉnh sai sót (nếu có) từ thực tế phản ánh của người dân, Dự án C1-043 Cần Thơ đã bấm đúng mạch này. Ban Chủ nhiệm dự án là những cán bộ vừa nghỉ hưu và có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, như: bà Nguyễn Ý Nguyện, nguyên Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, hiện bà là Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật TP Cần Thơ, bà Bùi Kim Thoa, Cục phó Cục Thống kê thành phố, bà Phan Thị Minh Thu, đã từng kinh qua nhiệm vụ Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Ninh Kiều, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã dành thời gian, tâm huyết đến các xã, phường để điều tra thực tế về tình hình thực hiện công tác BHYT. Tất cả vấn đề ghi nhận từ quá trình điều tra thực tế cùng ý kiến đóng góp của người dân được Ban chủ nhiệm dự án sâu chuỗi báo cáo tại Hội thảo Chính sách BHYT hộ cận nghèo - Giải pháp nâng tỷ lệ hộ tham gia BHYT tại TP Cần Thơ (tổ chức vào ngày 17-10-2014), với sự tham dự của lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND - UBND thành phố, các quận, huyện và lãnh đạo các sở, ngành trong thành phố. Mỗi ngành đều có tham luận đề xuất giải pháp tháo gỡ cản ngại từ thực tiễn công tác BHYT. Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Chủ tọa Hội thảo, đánh giá: Dự án C1-043 Cần Thơ vừa giúp thành phố ghi nhận đề xuất thiết thực từ ngành chức năng, vừa tạo cầu nối để ngành chức năng có giải pháp quản trị bền vững đáp ứng mục tiêu BHYT toàn dân.
Công bằng mà nói, kết quả cuối năm 2014, có 100% hộ cận nghèo tham gia BHYT là có sự hỗ trợ kinh phí mua tặng thẻ BHYT từ các bệnh viện doanh nghiệp thông qua sự vận động của Bảo hiểm xã hội thành phố. Tuy nhiên, chính việc tuyên truyền, tạo cầu nối cho các ngành cùng làm tốt công tác BHYT là giải pháp đảm bảo tính bền vững, đáng được phát huy.
ĐÌNH KHÔI
TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NHÂN DÂN TRONG TÌNH HÌNH MỚI
(CT) Ngày 8-1-2015, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị (LHCTCHN) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2014 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015.
Năm 2014, LHCTCHN TP Cần Thơ đã thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra theo kế hoạch. Việc tổ chức các sự kiện đối ngoại được đổi mới và đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho đông đảo nhân dân tham gia. Các mô hình dân vận khéo "Đưa công tác đối ngoại nhân dân về cơ sở", "Câu lạc bộ hữu nghị thân nhân kiều bào Hàn Quốc" được triển khai sâu rộng. Trong năm qua, LHCTCHN thành phố cũng đã xây dựng và triển khai kế hoạch thông tin đối ngoại trung hạn giai đoạn 2015-2017, kế hoạch tập huấn chuyên đề "Hội nhập Quốc tế, vai trò của nhân dân"; kế hoạch "Tuyên truyền, quảng bá cộng đồng ASEAN giai đoạn 2014-2015"; tổ chức 20 buổi tập huấn và tuyên truyền về biển Đông cho 3.250 cán bộ, hội viên, sinh viên, học sinh tham dự... Công tác vận động viện trợ và triển khai thực hiện dự án phi chính phủ có nhiều khởi sắc, huy động nguồn lực cao hơn so với những năm trước. Cụ thể, LHCTCHN TP Cần Thơ đã xúc tiến vận động, chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện 2 dự án phi chính phủ nước ngoài, 4 phi dự án và 1 doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị trên 5,6 tỉ đồng;
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Công tác đối ngoại nhân dân luôn có vị trí và vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Để gắn kết sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị: LHCTCHN thành phố tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ; các sở, ngành có liên quan cần tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động của Liên hiệp. Đồng thời, LHCTCHN TP Cần Thơ cần tăng cường kêu gọi đội ngũ trí thức, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tham gia vào hoạt động của Liên hiệp
nhằm đóng góp để công tác đối ngoại của thành phố ngày càng phát triển.
Dịp này, LHCTCHN TP Cần Thơ được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2014 và có 5 cá nhân được LHCTCHN Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc".
H. VÂN |