19/11/2023 - 19:38

Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2023)

Đột phá từ đội ngũ nhà giáo
Bài 1: TẬN TỤY TRAO TRUYỀN TRI THỨC 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao sứ mệnh của người thầy: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Tư tưởng của Người luôn đồng hành cùng các quyết sách về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của Đảng ta và Đại hội XIII của Đảng tiếp tục đề ra giải pháp tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ ngành giáo dục, coi đây là khâu then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Cùng với cả nước, toàn hệ thống chính trị TP Cần Thơ đã thực hiện nhiều giải pháp, chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD&ĐT.

Một trong những sứ mệnh trọng yếu của nhà giáo là dạy kiến thức và hướng dẫn học trò kỹ năng tự học, học tập suốt đời. Để làm được điều đó, bản thân thầy cô cũng là gương sáng “học nữa học mãi” và tận tụy trao truyền tri thức đến học sinh.

Từ đồng hành cùng học sinh khám phá tri thức...

Tại Cuộc thi Robothon quốc tế năm 2023 chủ đề “Trái đất thứ hai” diễn ra vào ngày 26-3-2023 tại Malaysia, học sinh của Trường Tiểu học Bình Thủy (quận Bình Thủy) đã đoạt 1 giải Vô địch, 1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Ba. Học sinh Lưu Phúc An đoạt giải tại cuộc thi, cho biết: “Con và các bạn được thầy cô theo sát hướng dẫn, kịp thời động viên và bổ sung cho con nhiều kiến thức mới”. Trước đó, năm 2019 tại Giao lưu Robothon và Wecode quốc tế, tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc), Cần Thơ có 2 học sinh giành 2 giải Vô địch, đều là học sinh Trường Tiểu học Bình Thủy. Thành tích này là kết quả việc Ban Giám hiệu, Hội đồng sư phạm Trường Tiểu học Bình Thủy tạo mọi điều kiện cho giáo viên, học sinh. Đặc biệt, là sự tận tụy của cô Phạm Thị Trúc Linh, giáo viên dạy môn Tin học.

Cô Phạm Thị Trúc Linh, giáo viên dạy môn Tin học, Trường Tiểu học Bình Thủy, cùng học trò thử robot trên sa bàn. Ảnh: B.NGỌC

Chúng tôi có dịp cùng cô Trúc Linh và học trò miệt mài bên robot nhiều giờ. Cô trò trao đổi nguyên lý, điều chỉnh linh kiện và sắp xếp đường đi robot trên sa bàn sao cho hiệu quả nhất. Những nỗ lực, kiên nhẫn trong thời gian dài của cô Trúc Linh và học trò sau giờ học chính khóa, đã mang lại nhiều giải thưởng trong các cuộc thi Robothon quốc tế. Cô Trúc Linh chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc với nghề giáo. Ban giám hiệu, đồng nghiệp hỗ trợ, tạo điều kiện cho tôi bổ túc kiến thức trong sáng tạo kỹ thuật. Các em học sinh hào hứng, sáng tạo trong học tập”. Cô Trúc Linh còn đoạt nhiều giải thưởng cuộc thi sáng tạo kỹ thuật TP Cần Thơ, giáo viên dạy giỏi và có nhiều sáng kiến phục vụ dạy học...

Cùng có nhiều sáng kiến trong nghề giáo, cô Phan Thanh Nhớ, Tổ trưởng khối Lá, Trường Mầm non Thới Long (quận Ô Môn), chia sẻ: “Tôi tâm niệm luôn phải học hỏi phương pháp giảng dạy và cập nhật các kiến thức, để tổ chức giờ học thu hút các bé tham gia vui vẻ hào hứng, đồng thời phát triển đạo đức, kiến thức, kỹ năng, sáng tạo…”. Cô Phan Thanh Nhớ còn đi đầu trong vận dụng Steam vào hoạt động giáo dục, được trường áp dụng từ năm 2022; bồi dưỡng học sinh tham gia các phong trào đạt hiệu quả cao, như Hội thi Bé khỏe - bé ngoan, Bé với luật lệ an toàn giao thông, Bé kể chuyện đọc thơ… Trong 27 năm công tác, cô Nhớ đạt nhiều thành tích: giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua, Bằng khen của UBND thành phố, giải thưởng Võ Trường Toản... 

...đến chinh phục các giải thưởng

Thầy Nguyễn Hoài Thanh trong một chuyến dẫn học sinh dự thi chương trình Đường lên đỉnh Olympia. Ảnh: CTV

Thầy Nguyễn Hoài Thanh, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng, từ năm 2015 được giao nhiệm vụ dẫn học sinh tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Các học sinh do thầy Thanh hướng dẫn ra Hà Nội dự thi đã đạt nhiều thành tích, trong đó có em Nguyễn Bá Vinh vào đến trận chung kết năm; nhiều học sinh vượt qua vòng thi tuần, tháng, quý.

Thầy Nguyễn Hoài Thanh cho biết, vốn là cựu học sinh trường và đam mê chương trình Đường lên đỉnh Olympia từ nhỏ, nên thầy hỗ trợ học sinh hết khả năng. Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng tổ chức cuộc thi cấp trường, trong đó thầy Nguyễn Hoài Thanh phụ trách bộ phận ra đề thi. Các học sinh được chọn tiếp tục được đào tạo kỹ năng, giao tiếp, tổng hợp kiến thức... Trong mỗi lần cùng học sinh ra Hà Nội dự thi, thầy không chỉ hướng dẫn đường đi nước bước, mà còn luôn động viên, chăm sóc khi học sinh xin tạm dừng thi để gặp thầy cô vì quá căng thẳng. Thầy còn kết nối với các cựu học sinh trường từng tham gia Đường lên đỉnh Olympia để trao đổi kinh nghiệm.

Trong công tác chuyên môn, thầy Nguyễn Hoài Thanh tham gia đội ngũ giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp quốc gia từ năm 2019. Trong 4 năm qua, các học sinh giỏi môn Ngữ văn do thầy Thanh ôn luyện đã đạt 1 giải Nhất (cũng là thí sinh cao điểm nhất kỳ thi năm đó) cấp quốc gia năm 2019; cùng với 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 3 giải Khuyến khích. Với vai trò Bí thư đoàn trường, thầy Nguyễn Hoài Thanh luôn tổ chức nhiều hoạt động tập thể nhằm tạo sự gắn kết, đồng thời tăng tính tự lập, tự chủ và năng động cho học sinh. Qua đó, nhiều học sinh trưởng thành qua hoạt động Đoàn, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Qua 12 năm dạy học, thầy Thanh tâm sự: “Niềm vui lớn nhất của tôi là nhìn thấy các học sinh trưởng thành và thành công”.

Còn thầy Nguyễn Phúc Thịnh, giáo viên dạy Hóa học, Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền), dẫn dắt học trò tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học, kỹ thuật đạt nhiều giải thưởng ấn tượng. Hằng năm, học sinh Trường THPT Phan Văn Trị đều đạt giải cấp thành phố, cấp quốc gia trong các cuộc thi. Gần đây nhất, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc được tổng kết và trao giải vào cuối tháng 10-2023 tại Hà Nội, sáng kiến “Hệ thống cảnh báo khí gas, báo cháy và điều khiển thiết bị gia đình” của nhóm học sinh Trần Đăng Mạnh, Nguyễn Công Thành, Lý Ngọc Gia An (Trường THPT Phan Văn Trị) và Phan Ngọc Bảo Trân (Trường THCS Nhơn Ái) do thầy Nguyễn Phúc Thịnh hướng dẫn, đã đoạt giải Ba.

Bên cạnh đó, thầy Thịnh đã tâm huyết hướng dẫn học sinh sáng tạo kỹ thuật, làm nên những sản phẩm hữu ích, phục vụ cộng đồng như gậy, vali dành cho người già, ghế đa năng dành cho bệnh nhân, hệ thống cảnh báo cháy, ngôi nhà thông minh... Chỉ trong thời gian ngắn, với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Phúc Thịnh, học sinh nhà trường đã đạt hàng chục giải thưởng danh giá… Những thành tích của thầy Thịnh được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng, danh hiệu như Nhà giáo tiêu biểu, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ...

Chung sức làm nên đội ngũ vừa hồng vừa chuyên

Câu chuyện của cô Phan Thanh Nhớ, cô Phạm Thị Trúc Linh, thầy Nguyễn Hoài Thanh, thầy Nguyễn Phúc Thịnh mà chúng tôi ghi nhận ở trên, đã góp vào câu chuyện tận tụy với sự nghiệp GD&ĐT của khoảng 15.000 cán bộ, viên chức giáo viên, người lao động của ngành Giáo dục TP Cần Thơ. Các nhà giáo bằng tình yêu nghề, đã luôn vượt qua khó khăn để thi đua dạy tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nâng bước học trò theo đuổi ước mơ chinh phục tri thức. Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đánh giá: Hầu hết nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của thành phố đều đạt chuẩn về trình độ, có năng lực chuyên môn tốt; tâm huyết với nghề. Các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy đều được tập huấn, bồi dưỡng về Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nắm chắc chương trình, có hiểu biết sâu rộng về nội dung môn học, lĩnh vực giảng dạy.  

Qua thống kê, hằng năm có hàng trăm lượt nhà giáo được công nhận và tặng thưởng các danh hiệu thi đua các cấp. Tính từ năm học 2004-2005 đến năm học 2021-2022, toàn thành phố có 2 Nhà giáo Nhân dân; 204 Nhà giáo Ưu tú; 2 chiến sĩ thi đua toàn quốc; 34.292 chiến sĩ thi đua cơ sở; 1.514 chiến sĩ thi đua cấp thành phố… Trong 20 năm qua, ngành giáo dục có hàng trăm cán bộ, giáo viên, học sinh đã phấn đấu vươn lên từ hoàn cảnh khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và học tập.

BÍCH NGỌC - ĐĂNG HUỲNH 

(Còn tiếp)

------------ 

Bài 2: Ơn thầy

Chia sẻ bài viết