16/03/2020 - 09:21

Đồng Tháp hướng tới chăn nuôi vịt an toàn sinh học 

Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch COVID 19, cùng với sự bùng phát trở lại của dịch cúm gia cầm tại một số tỉnh thành, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm từ gia cầm. Tại tỉnh Đồng Tháp, từ sau Tết Nguyên đán đến nay với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc chủ động liên kết tìm đầu ra cho nông sản của tỉnh, Đồng Tháp đã mời gọi nhiều doanh nghiệp hợp tác liên kết tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản nói chung và sản phẩm trứng vịt nói riêng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp ký kết biên bản thỏa thuận về hợp tác tiêu thụ sản phẩm trứng vịt với Công ty cổ phần Ba Huân.

Đầu tháng 3 vừa qua, đáp lại lời mời của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Minh Hoan, lãnh đạo Công ty cổ phần Ba Huân, TP Hồ Chí Minh đã đến khảo sát vùng chăn nuôi vịt của tỉnh Đồng Tháp,  ký kết hợp tác giữa người chăn nuôi vịt  và Công ty cổ phần Ba Huân. Thông qua việc hợp tác này đã mở ra nhiều hi vọng cho người chăn nuôi, phát triển  ổn định và bền vững.

Với tổng đàn vịt gần 7 triệu con, sản lượng trứng bình quân trên 273 triệu trứng/năm, tỉnh Đồng Tháp hiện là địa phương có tổng đàn vịt lớn nhất ĐBSCL. Chính những lợi thế về điều kiện chăn nuôi nên Đồng Tháp đã lựa chọn ngành hàng vịt là 1 trong 5 ngành hàng được địa phương ưu tiên lựa chọn trong phát triển Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.

Để hỗ trợ ngành hàng này phát triển, thời gian qua tỉnh Đồng Tháp đã tập trung nhiều chính sách hỗ trợ về tín dụng, hỗ trợ kỹ thuật, định hướng người nông dân chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và có chứng nhận VietGAP. Người chăn nuôi vịt ở Đồng Tháp cũng có nhiều đột phá mới về kỹ thuật nuôi. Thay cho hình thức nuôi vịt chạy đồng truyền thống, người chăn nuôi vịt đã tiến đến nuôi vịt nhốt rọ theo hướng công nghiệp. Chăn nuôi theo hướng tập trung, có sự giám sát và theo dõi dịch bệnh sát sao nên mô hình mới này đã mang tới nhiều hi vọng mới cho ngành hàng vịt tại Đồng Tháp.

Hiện Đồng Tháp đã hình thành được nhiều mô hình liên kết và sản xuất tập trung với 5 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi vịt rọ, có 26 thành viên với quy mô tổng đàn vịt rọ trên 154.000 con, sản lượng trứng bình quân khoảng trên 3,8 triệu trứng/tháng. Hiện mô hình này đang được phát triển và nhân rộng tại nhiều huyện, thị, thành của Đồng Tháp.

Trong chuyến khảo sát vùng chăn nuôi vịt tập trung của tỉnh Đồng Tháp, bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, nhận xét: "Từ việc nuôi vịt chạy đồng để chuyển sang nuôi vịt nhốt rọ theo quy trình công nghiệp là sự đột phá rất lớn về tư duy sản xuất của nông dân Đồng Tháp. Bởi đây là giải pháp duy nhất có thể giúp nhà chăn nuôi chủ động kiểm soát chất lượng trứng vịt của mình một cách hiệu quả. Hiện tại, thị trường xuất khẩu trứng vịt của doanh nghiệp đang tăng trưởng tốt. Song để đáp ứng được yêu cầu của các nhà nhập khẩu, đòi hỏi chất lượng trứng vịt phải đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là tránh tình trạng trứng vịt nhiễm chất Sudan. Do đó, để trứng vịt có thể xuất khẩu cũng như được tiêu thụ tốt tại các kênh phân phối hiện đại trong nước thì người chăn nuôi cần thực hiện theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm là những yếu tố cần thiết".

Nhìn nhận về sự cần thiết có sự đồng hành của doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi sản xuất ngành hàng vịt, ông Lê Ngọc Mới, Tổ trưởng THT chăn nuôi vịt an toàn xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, bày tỏ: "Nông dân chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng với lần liên kết hợp tác với Công ty cổ phần Ba Huân. Bởi chỉ có liên kết với doanh nghiệp thì nông dân mới không còn lo lắng nhiều về thị trường và từ đó có thể dành nhiều thời gian chuyên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề mà THT chúng tôi lo lắng chính là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân. Bởi trước đây, THT đã từng ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ với một công ty, tuy nhiên khi lợi nhuận không được san sẻ hợp lý, mối liên kết đã xảy ra nhiều rạn nứt, đứt gãy. Để mối liên kết bền bỉ, tôi nghĩ rằng một mình người nông dân nỗ lực vẫn chưa đủ mà chúng tôi mong có sự san sẻ nhiều hơn từ doanh nghiệp".

Chăn nuôi vịt theo hướng công nghiệp tại Đồng Tháp.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, Công ty cổ phần Ba Huân cam kết, sẽ đồng hành cùng nông dân Đồng Tháp trong xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết ngành hàng vịt. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ đưa kỹ thuật phối hợp với ngành nông nghiệp của địa phương để có những hướng dẫn về quy trình chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn an toàn sinh học. Sau khi hoàn tất các khâu về: khảo sát vùng nuôi, thực hiện kiểm tra chất lượng trứng vịt tại một số THT chăn nuôi vịt an toàn sinh học của tỉnh Đồng Tháp, dự kiến đầu tháng 4 tới sản phẩm trứng vịt của Đồng Tháp sẽ có mặt tại các kênh phân phối và tiêu thụ trứng vịt của Công ty cổ phần Ba Huân trên khắp cả nước.

Chia sẻ về thực hiện chuỗi liên kết trong nông nghiệp thời gian qua tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Minh Hoan cho rằng, phần lớn các chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp đứt gãy thường xuất phát từ hai phía, chứ không phải lỗi riêng của mình doanh nghiệp. Nông dân vẫn còn tình trạng gian lận, không tuân thủ hợp đồng khi giá cả thay đổi. "Do đó, để chuỗi liên kết bền chặt, nền nông nghiệp phát triển bền vững hơn thì nông dân cần hướng đến "tử tế" và chuyên nghiệp hơn trong làm ăn, cần giữ chữ tín khi làm ăn và liên kết. Vì khi liên kết là lâu dài chứ không phải một mùa một vụ là hết" - ông Lê Minh Hoan nói.

Bài, ảnh: VÂN KHÁNH

Chia sẻ bài viết