09/11/2008 - 08:52

Đồng Nai:

Nhiều sai phạm trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

Qua kiểm tra 113 trong tổng số 400 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên địa bàn tỉnh, Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai đã phát hiện có 73 cơ sở vi phạm về phân phối thuốc ngoài danh mục, thuốc đã quá hạn sử dụng, buôn bán thuốc có nhãn không đúng với nội dung ghi trên giấy chứng nhận, sai quy định về ghi nhãn thuốc...

Trước tình hình thuốc BVTV quá hạn sử dụng, kém chất lượng, ngoài danh mục bày bán tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại cho nông dân, thanh tra Chi cục BVTV tỉnh Đồng Nai đã tăng số lần đi kiểm tra từ 2 đợt/năm theo quy định, lên 6 đợt. Ông Lương Thành Trung - Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Đồng Nai hiện có khoảng 10 cơ sở sản xuất, gia công thuốc BVTV, còn lại là kinh doanh theo hình thức nhập về bán. Lỗi vi phạm nhiều nhất là buôn bán thuốc không đúng với nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký thuốc, cụ thể là có loại thuốc chỉ dùng trị bệnh cho một loại cây trồng nhưng đơn vị sản xuất lại ghi có thể trị bệnh cho nhiều loại cây trồng, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Trung bình mỗi năm Chi cục BVTV tiến hành tiêu hủy khoảng 500 kg thuốc ngoài danh mục, quá hạn nhưng ngoài thị trường những loại thuốc ngoài danh mục, quá hạn, sai nhãn mác, kém chất lượng còn trôi nổi rất nhiều. Việc kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và mắt thường, nếu phát hiện có dấu hiệu kém chất lượng mới tiến hành lấy mẫu kiểm tra. Việc lấy mẫu kiểm tra các hoạt chất của thuốc rất hạn chế, chỉ khoảng 6 - 10 mẫu/năm vì chi phí lấy và phân tích mẫu khoảng 1 triệu đồng/mẫu và 7 ngày sau mới có kết quả. Trong thời gian này, các cơ sở đã bán hoặc tẩu tán hết số thuốc không đảm bảo chất lượng. Mặt khác, trước đây đa số những chai đựng thuốc BVTV làm bằng nhựa trong, cán bộ kiểm tra chỉ xem kết tủa hoặc đếm số lượng là có thể phát hiện, nhưng hiện nay các cơ sở sản xuất thuốc BVTV đều dùng loại chai nhựa đục khiến cho khâu giám định bằng mắt thường bị nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, các hình thức xử phạt vi phạm thuốc BVTV chỉ quy định mức phạt cho những lô hàng có giá trị dưới 100 triệu đồng, còn đối với những lô hàng trên 100 triệu đồng lại chưa có quy định mức phạt, hoặc mức xử phạt dành cho những vi phạm theo quy định chỉ có vài triệu đồng đã không có tác dụng răn đe, nên nhiều cơ sở sau khi bị phạt vẫn tiếp tục vi phạm.

MINH HƯNG (TTXVN)

Chia sẻ bài viết