14/09/2022 - 15:43

Động lực tăng trưởng từ thị trường tín dụng 

Moody’s nâng mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên Ba2, nâng mức triển vọng tích cực lên ổn định. Moody’s ghi nhận hiệu quả thực thi chính sách tài khoá của Việt Nam là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. Việt Nam còn là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm 2022 đến nay.

Kết quả từ những nỗ lực

Các TCTD đều hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Các TCTD đều hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Theo Bộ Tài chính, việc Moody’s nâng hạng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức Ba2 thể hiện sự tín nhiệm của tổ chức này đối với hiệu quả thực thi chính sách phát triển của Việt Nam. Moody’s cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, đa dạng hóa xuất khẩu và khả năng tiếp tục thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực sản xuất, chế biến chế tạo. Kết quả nâng hạng cũng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện.

Moody’s cũng ghi nhận sức mạnh kinh tế của Việt Nam được củng cố bởi năng lực cạnh tranh ngày càng nâng cao và việc tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực. Theo Moody’s, các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, hiệu quả thực thi chính sách tài khoá của Việt Nam được Moody’s ghi nhận là một trong những yếu tố chính đóng góp vào quyết định nâng hạng. Chính phủ đã duy trì thành quả kiểm soát tỷ lệ nợ trên GDP ổn định, thấp hơn tỷ lệ các năm trước và dưới mức trần 60%, trong khi vẫn điều hành chính sách tài khoá linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Trong hoạch định chính sách tài khóa, Chính phủ cũng chú trọng đưa ra các giải pháp căn cơ hướng tới xử lý các thách thức trong dài hạn như nâng cao khả năng thích ứng với nguy cơ biến đổi khí hậu, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo công ăn việc làm trong những ngành nghề với giá trị gia tăng cao hơn…

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong bốn quốc gia trên toàn thế giới được Moody’s nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm 2022 đến nay. Việc Moody’s nâng định mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu nhiều biến động và thách thức là hết sức tích cực, thể hiện sự đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về các nỗ lực chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng chính trị - xã hội. Đồng thời cũng ghi nhận nỗ lực của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan trong việc truyền tải các chính sách, thành tựu của Việt Nam đến các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và tổ chức quốc tế.

Linh hoạt thích ứng với biến động

Tín dụng ngân hàng là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

Tín dụng ngân hàng là nguồn lực quan trọng để tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh có nhiều biến động và bất định gia tăng ở nhiều quốc gia, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng lãi suất điều hành; trong khi Việt Nam vẫn giữ nguyên mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý, hỗ trợ phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), thời gian qua có biến động lãi suất, nhưng mức tăng nhẹ, cụ thể lãi suất huy động tăng 0,25%, lãi suất cho vay tăng 0,24% (mức tăng thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á và châu Á). Lãi suất cho vay bình quân hiện dao động từ 7,9-9,3%/năm, lãi suất huy động 6,3-6,8% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. NHNN cũng kêu gọi các ngân hàng thương mại tiếp tục dành nguồn lực của mình để hỗ trợ doanh nghiệp.

NHNN cũng vừa có thông báo về điều hành tiền tệ các tháng cuối năm. Theo dự báo của NHNN, áp lực lạm phát tăng cao trên toàn cầu tác động đến cuộc sống người dân và nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô tại nhiều quốc gia, khiến hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đều thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ở trong nước, với thực tiễn nhu cầu đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc lớn vào tín dụng của hệ thống ngân hàng, nên để điều hành chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong những năm qua, NHNN đã nghiên cứu đưa ra chỉ tiêu tín dụng định hướng hàng năm và điều chỉnh theo tình hình thực tiễn, qua đó đã góp phần đắc lực vào kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới (đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%) là mức cảnh báo Việt Nam về rủi ro bất ổn vĩ mô tiềm ẩn. Trong bối cảnh đó, ngay từ đầu năm 2022, để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 (Chỉ thị 01), NHNN tiếp tục điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng (TCTD) theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tính đến ngày 26-8-2022, theo NHNN, tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, nhưng phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua. NHNN chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Với hạn mức còn lại, NHNN cũng đã phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho từng TCTD trên cơ sở kết quả xếp hạng từng TCTD (theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung). Xem xét một số yếu tố cụ thể hóa chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ, NHNN đối với các TCTD, nhằm đảm bảo các hệ số an toàn cao, giảm rủi ro khi nới room tín dụng.

SONG NGUYÊN

Chia sẻ bài viết