25/06/2022 - 21:35

Đồng hành, kết nối thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp 

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Cần Thơ vừa phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực nông nghiệp”. Sự kiện nhằm giới thiệu các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ứng dụng vào quá trình CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp; tạo dựng hệ sinh thái số nông nghiệp. Đồng thời, tăng cường sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp trong quá trình CĐS nông nghiệp.

Nhiều công nghệ mới

Lãnh đạo thành phố và Sở KH&CN cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc  các vấn đề về CĐS trong nông nghiệp của thành phố.

Lãnh đạo thành phố và Sở KH&CN cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc  các vấn đề về CĐS trong nông nghiệp của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thông tin: UBND thành phố đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) thực hiện số hóa trong nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư vào hoạt động kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn; ứng dụng CNTT vào quản lý các vùng sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp. Thực tế, hoạt động CĐS trong nông nghiệp của thành phố đã có những kết quả bước đầu thông qua một số mô hình ứng dụng nông nghiệp 4.0 tiêu biểu như trồng rau thủy canh theo công nghệ Israel; điều khiển tưới, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động trên lúa và vườn cây ăn trái; cảm biến điều khiển môi trường chuồng trại chăn nuôi, nuôi thủy sản...

Ngoài việc chia sẻ, thông tin về vấn đề CĐS nông nghiệp, hội thảo còn giới thiệu nhiều công nghệ mới phục vụ CĐS trong nông nghiệp. TS Trương Minh Thái, Khoa CNTT và Truyền thông, Trường Đại học Cần Thơ trình bày một số ứng dụng CNTT và truyền thông của Trường Đại học Cần Thơ trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Điểm đặc biệt của mô hình được đề xuất là một hệ thống kết hợp các yếu tố kỹ thuật của công nghệ 4.0 như IoT, mạng cảm biến, Bigdata và AI trong công tác quản lý sản xuất, dự báo và kết nối các bên liên quan. Sự thành công trong hiện thực hóa mô hình không chỉ giúp nhà quản lý và người sản xuất giám sát được các chỉ số chất lượng môi trường tại bất cứ thời điểm nào, mà còn có thể phân tích số liệu, gửi cảnh báo và giải pháp ứng phó thích hợp trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thinksmart Cần Thơ giới thiệu công nghệ mô phỏng EDEM được hỗ trợ bởi phương pháp phần tử rời rạc (DEM). Phần mềm EDEM cho phép các kỹ sư mô phỏng và phân tích hành vi của các vật liệu dạng hạt như ngũ cốc, hạt giống, cây trồng và đất. Mô phỏng EDEM còn cung cấp cách nhìn sâu sắc về cách những vật liệu sẽ tương tác với thiết bị trong một loạt hoạt động khác nhau. Ngoài ra, EDEM được sử dụng để thiết kế, kiểm tra hiệu suất và tối ưu hóa máy móc nông nghiệp như máy gặt đập liên hợp, thiết bị làm cỏ khô và thức ăn gia súc, công cụ làm đất, thiết bị gieo hạt…

Trong khuôn khổ hội thảo, còn diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu các công nghệ mới như hệ thống cảm biến, giám sát, cảnh báo, điều khiển trong nông nghiệp; bộ giải pháp phát triển kinh tế số và xã hội số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel); nền tảng nông nghiệp thông minh mobiAgri và IoT mFarm của MobiFone khu vực ĐBSCL…

Hướng đến trung tâm phục vụ CĐS nông nghiệp

Với định hướng là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ đang chuẩn bị và bước đầu có các tiềm lực về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ CĐS trong nông nghiệp như: nguồn nhân lực và cơ sở vật chất dồi dào với 68 trường đại học, viện nghiên cứu, 6.045 người có hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: Sở tiếp tục phối hợp với các sở ngành hữu quan đồng hành, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Đơn cử như việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ phục vụ CĐS trong nông nghiệp; kết nối các thành phần trong hệ sinh thái CĐS. Ngoài ra, Sở đang triển khai thực hiện Sàn giao dịch ĐBSCL giúp thương mại hóa các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng số; hỗ trợ thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp gắn mã QR truy xuất nguồn gốc… Nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng trong quá trình CĐS. Vì vậy, Sở KH&CN sẽ phối hợp các bên có liên quan tổ chức thêm nhiều hội nghị, tập huấn về CĐS, kỹ năng sử dụng nền tảng công nghệ thông tin để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, tìm kiếm thị trường và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo TS Trương Minh Thái, để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, TP Cần Thơ cần xây dựng một hệ thống thông tin hỗ trợ kết nối, trao đổi thông tin giữa nông dân, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà quản lý. Mở đầu cho sự kết nối này, Trường Đại học Cần Thơ đã xây dựng Diễn đàn Phát triển ĐBSCL bước đầu kết hợp với tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), Úc xây dựng dự án “Xây dựng tổ nhóm đổi mới sáng tạo trong nuôi thủy sản ĐBSCL (MAIC)”. Ngoài ra, theo TS Trương Minh Thái vấn đề cấp thiết hiện nay là xây dựng một mô hình mẫu, chuẩn nhằm giúp theo dõi các chỉ số môi trường, quản lý hoạt động sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp công tác đánh giá chất lượng môi trường và cung cấp thông tin nhanh, hữu ích cho người sản xuất, nhà quản lý, nhà khoa học và người tiêu dùng.

TP Cần Thơ xác định CĐS là một trong những xu hướng tất yếu, “chìa khoá” để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu, dịch bệnh, nhất là sự bùng nổ của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Với sự quyết liệt từ Nhà nước và hợp lực từ doanh nghiệp, nông dân, các tổ chức liên quan, tin rằng nông nghiệp TP Cần Thơ sẽ bứt phá trong hành trình số hóa.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết