17/09/2010 - 08:35

Đồng chí Trương Tấn Sang dự và chỉ đạo Đại hội Đảng bộ Đường sắt Việt Nam

* THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG: Lạng Sơn phải tạo được bước phát triển vượt bậc về kinh tế cửa khẩu và thương mại, dịch vụ, du lịch

Ngày 16-9, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Đường sắt Việt Nam lần X nhiệm kỳ 2010-2015.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương Đảng bộ Đường sắt Việt Nam đã có nhiều cố gắng, phát huy truyền thống đoàn kết chủ động sáng tạo, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức động viên cán bộ, đảng viên, công nhân viên người lao động trong toàn ngành khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005-2010, đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đó là tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội thông qua Luật Đường sắt Việt Nam, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tạo hành lang pháp lý và những định hướng cụ thể cho đường sắt Việt Nam xây dựng và phát triển.

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng bày tỏ ủng hộ mục tiêu Đảng bộ đề ra trong báo cáo trình trước Đại hội là trong nhiệm kỳ tới Đảng bộ đường sắt phải “lãnh đạo từng bước hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt theo chiến lược đã được Chính phủ phê duyệt, tạo bước đột phá trong nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, sức kéo, sức chở và nguồn nhân lực”. Cùng với lãnh đạo tốt nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ phải lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, phải đổi mới nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng cho cán bộ đảng viên công nhân viên, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu để có nhiều cá nhân và điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Quan tâm đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nhất là ở những công ty đơn vị chưa có tổ chức cơ sở đảng, đảng viên.

* Ngày 16-9, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XV với sự tham dự của 350 đại biểu chính thức thay mặt cho 4.700 đảng viên trong toàn tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Nguyễn Tấn Dũng nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương sự nỗ lực phấn đấu và những thành tích của Đảng bộ, chính quyền và quân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí cho rằng, những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua là rất quan trọng và đáng tự hào, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận Lạng Sơn vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém...

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Đại hội tiếp tục thảo luận, làm rõ hơn, sâu sắc hơn những nguyên nhân, đặc biệt là những nguyên nhân chủ quan, đồng thời tìm ra những giải pháp tích cực để khắc phục bằng được các mặt hạn chế, yếu kém trong thời gian tới. Theo đó, Lạng Sơn cần phát huy tiềm năng lợi thế để phát triển, trước hết là có vị trí thuận lợi, có cửa khẩu quốc tế lớn nhất trên tuyến giao thông huyết mạch nối liền nước ta với Trung Quốc - một nền kinh tế lớn, một thị trường lớn đang phát triển mạnh mẽ và sẽ rộng lớn hơn khi khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN được hình thành. Lạng Sơn còn có vị trí rất quan trọng trong hành lang kinh tế Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng nói riêng và hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore nói chung, đồng thời là tỉnh giàu tiềm năng to lớn về đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, có tiềm năng lớn về con người với nền văn hóa truyền thống phong phú.

Cùng với phát triển kinh tế, Lạng Sơn cần đặc biệt quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung phát triển giáo dục đào tạo, trong đó chú trọng chăm lo giáo dục ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục phổ cập, xóa mù chữ, chăm lo đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; chú trọng đào tạo nghề để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao và có cơ cấu hợp lý; đào tạo đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh...

HOÀNG GIANG-THIỆN THUẬT (TTXVN)

Chia sẻ bài viết