30/01/2021 - 06:58

Đón Tết đầm ấm, yêu thương 

Những ngày này, các chị em nữ công nhân thường “rỉ tai” nhau câu chuyện “thưởng Tết”, những dự định đón Tết thế nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Đặc biệt, nhiều chị em nhận tăng ca, xin việc làm thêm, hoặc lên kế hoạch ăn Tết gọn nhẹ với tinh thần tiết kiệm nhưng gia đình luôn vui vẻ và ấm áp...

Chị Mỹ Lệ mua quần áo Tết cho con gái.

Chị Mỹ Lệ mua quần áo Tết cho con gái.

Những ngày cuối năm, chị Nguyễn Thị Thơm, công nhân may, khu công nghiệp Trà Nóc, tranh thủ  làm thêm tại một quán ăn trên địa bàn phường. Mặc dù công việc nhiều, rất áp lực nhưng chị vẫn vui vẻ chia sẻ nhiều dự định về Tết: “Tôi tranh thủ ngày chủ nhật đi phụ rửa chén cho quán, kiếm thêm tiền mua quần áo mới, đồ dùng học tập cho con. Năm nay, tôi lãnh tiền thưởng Tết tương đương 1 tháng lương. Tôi trích ra một khoản ăn Tết, dự định kho nồi thịt, mua vài trái dưa hấu, làm mâm cơm cúng ông xã, rồi 2 mẹ con hủ hỉ đón Tết…”.

Hoàn cảnh chị Thơm khá éo le, chồng mất, chị một mình nuôi con. Năm nay, con trai chị 9 tuổi, đang học lớp 3. Công việc của chị bắt đầu từ 7 giờ sáng kéo dài đến 7 giờ tối mới về đến nhà. Vì vậy, từ sáng sớm, chị đã chuẩn bị thức ăn cho 2 mẹ con, rồi đưa con đi học. Chiều tan ca muộn, chị nhờ người quen rước con giúp, mỗi tháng trả công 500.000 đồng. Tính chung, tiền thuê nhà trọ, tiền cơm nước, học hành cho con… hết gần 5 triệu đồng. Với thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng như hiện nay, gói ghém lắm 2 mẹ con chị Thơm mới đủ sống, chứ không có tích lũy. 

Chị Đoàn Thị Thủy (công nhân may Khu công nghiệp Trà Nóc) vừa nhận được tiền thưởng Tết hơn 7 triệu đồng, cũng ấp ủ kế hoạch đón Tết sum vầy cùng gia đình. Chị bộc bạch: “Quê tôi ở Phong Điền. Tôi thuê nhà trọ, làm công nhân ở Khu công nghiệp Trà Nóc đã 10 năm. Năm nay, tôi không nghỉ phép ngày nào, làm việc luôn đạt yêu cầu, nên tiền thưởng có phần nhỉnh hơn chị em khác. Tôi dự định sẽ dùng số tiền này mua sắm quần áo cho 3 thành viên trong gia đình, gởi biếu má chồng phụ lo tiền Tết và mua quà Tết tặng bên ngoại. Số tiền còn lại dành dụm và ăn Tết tiết kiệm”. Điều vui nhất là trong thời gian làm công nhân, chị Thủy tích lũy tiền cho con trai học nghề bếp. Năm nay, con trai duy nhất của chị đã học nghề xong và có việc làm ổn định tại một quán ăn gần chỗ chị làm. Nhờ vậy, mẹ con có thể gần gũi và chia sẻ nhiều hơn.

Chị Phùng Thị Mỹ Lệ (ở phường Lê Bình, quận Cái Răng) tan ca khá muộn, hơn 8 giờ tối. Chị tranh thủ ghé qua cửa hàng thời trang mua cho con gái vài bộ quần áo mới diện Tết, đồng thời thưởng con vừa có kết quả học kỳ I đạt danh hiệu học sinh giỏi, thuộc “top” 3 của lớp. Chị kể, chị làm công nhân ở công ty nông sản trên địa bàn quận Ninh Kiều gần 6 năm nay. Chị chọn thuê nhà trọ ở Cái Răng vì tiền thuê trọ và chi phí sinh hoạt thấp. Chị Mỹ Lệ bộc bạch: “Thu nhập của tôi tùy đơn hàng nhiều hay ít. Trung bình mỗi tháng khoảng 6 triệu đồng. Riêng tháng cận Tết hàng nhiều, tôi làm về trễ hơn ngày thường nhưng thu nhập có nhỉnh hơn, khoảng 9 triệu đồng”. Chị Lệ rất phấn khởi khi được thưởng Tết khoảng 9 triệu đồng. Chị kể, số tiền này trích ra một phần mua quần áo và đồ dùng học tập mới cho con gái. Riêng phần đón Tết, vợ chồng chị dành 2 ngày để thăm chúc Tết nội ngoại. Thời gian còn lại, cả nhà đưa nhau đến các điểm du lịch tại địa phương, vì ngày thường bận bịu công việc ít có dịp tham quan các nơi. Riêng mâm cơm Tết năm nay, con gái đã lớn, biết phụ giúp mẹ nhiều việc trong nhà. “Tôi dự định sẽ hướng dẫn con gái để 2 mẹ con cùng nấu các món ăn, chuẩn bị mâm cơm ngày Tết với các món truyền thống: canh khổ qua hầm, thịt kho hột vịt,… Tôi nghĩ, ăn Tết đơn giản thôi, miễn cả gia đình quây quần, hạnh phúc bên nhau là tôi mãn nguyện” - chị Mỹ Lệ chia sẻ.

Chia sẻ của chị Mỹ Lệ cũng là suy nghĩ chung của nhiều chị em hiện nay. Điều thật sự quý giá, ý nghĩa nhất của ngày Tết chính là sum vầy. Dù điều kiện kinh tế chưa hẳn dư dả, nhưng bằng tình yêu thương, sự khéo vén và sẻ chia, các chị biết cách sắp xếp, kết nối các thành viên trong gia đình, để đón Tết đầm ấm, yêu thương.

Bài, ảnh: HẢI THƯ

Chia sẻ bài viết