19/03/2012 - 21:40

Dồn sức cho phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi

Cô trò Trường Mầm non Trường Long, huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) trong giờ sinh hoạt ngoài trời. 

Mầm non là bậc học quan trọng, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học cao hơn. “Làm gì để giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi thực sự phát triển bền vững?”- Đó là vấn đề mà nhiều đại biểu tham dự Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vừa qua, tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, các tỉnh, thành trong cả nước đã tạo được sự chuyển biến lớn trong GDMN. Tính đến cuối năm 2011, toàn quốc có 12.976 trường MN, trong đó có 9.742 trường công lập, 1.798 trường bán công, 316 trường MN dân lập và 1.120 trường MN tư thục. Cả nước đã tăng 610 trường so với 2 năm trước. Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Thị Nghĩa, hệ thống cơ sở GDMN đã phát triển sâu rộng đến các địa bàn dân cư, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ trên địa bàn.

Việc phát triển mạng lưới trường lớp đã tạo điều kiện để phát triển qui mô bậc học MN, đẩy mạnh công tác vận động trẻ ra lớp. Chỉ trong 2 năm, cả nước đã tăng 158.782 trẻ trong tổng số 3.966.980 trẻ. Đặc biệt, số trẻ mẫu giáo 5 tuổi tăng 12.573 trẻ, so với trước khi có quyết định phổ cập. Với tỷ lệ này, chỉ tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đã đạt và vượt chỉ tiêu huy động trẻ đề ra tại Quyết định số 239 QĐ/TTg. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở trường lớp trang thiết bị cho phát triển GDMN, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên MN cũng được các địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, toàn quốc có 186.312 giáo viên MN, trong đó, có 96,2% giáo viên đạt và vượt chuẩn. Công tác chăm lo chế độ chính sách cho các giáo viên MN cũng được các tỉnh, thành quan tâm thực hiện. Để thực hiện phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi, các tỉnh, thành phố đã và đang tuyển dụng 33.984 giáo viên MN vào biên chế. Đồng thời giải quyết chế độ về hưu 1 lần cho trên 6.000 giáo viên MN cao tuổi... Sau 2 năm thực hiện Quyết định 239/QĐ-TTg, qua thống kê số liệu từ 60 tỉnh thành cho thấy, tổng kinh phí đầu tư cho GDMN hơn 13 ngàn tỉ đồng. Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đến tháng 2-2012 đã có 1.543/ 11.069 xã, phường được kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi (chiếm 13,9% số xã, phường). Trong đó, một số địa phương đạt khá cao (từ 70% trở lên) là: Thái Bình, Đà Nẵng, Lào Cai.

Có thể nói, Đề án phát triển MN cho trẻ 5 tuổi đã làm thay đổi sâu sắc nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương và xã hội về phát triển GDMN. Đồng thời khẳng định vai trò, vị trí của GDMN trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, với nền tảng GDMN còn thấp nên sau 2 năm thực hiện, đề án bộc lộ nhiều khó khăn. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt thấp về tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ trẻ ăn bán trú, số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày ở các tỉnh, thành ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đạt thấp. Đặc biệt, tỉnh An Giang vẫn chưa phê duyệt Đề án phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi của tỉnh. Nói về vấn đề này, bà Phan Ngọc Trinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho biết: “Đến thời điểm này, đề án phổ cập giáo dục Mẫu giáo 5 tuổi của tỉnh cơ bản đã hoàn thành, bởi vì tỉnh An Giang đã xây dựng kế hoạch phổ cập mầm non của tỉnh từ năm 2002. Từ năm 2010, tỉnh An Giang cũng có những đề án lồng ghép phổ cập mẫu giáo 5 tuổi, trong đó, có đề án nâng cao chất lượng cán bộ, giáo viên MN đến năm 2015, phát triển trường lớp, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng trường học ở điểm lũ, phát triển trường MN bán trú ở vùng dân tộc thiểu số... Do đó, khi xây dựng đề án phổ cập MN, tỉnh đã nhiều lần thẩm định để tránh trùng lắp với các đề án khác, nhằm tránh lãng phí kinh phí đầu tư dẫn tới muộn hơn so với các đơn vị khác”.

Một trong những nguyên nhân làm cho Đề án phát triển GDMN cho trẻ 5 tuổi còn nhiều khó khăn là do địa bàn của một số tỉnh, thành rộng, nhiều vùng sâu xa nên việc huy động trẻ ra lớp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất của bậc học MN còn thiếu nên các trẻ phải học lớp ghép 2-3 độ tuổi, khó thu hút trẻ. Thực tế, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp bậc học MN ở một số tỉnh, thành còn hạn chế, chưa ưu tiên dành quỹ đất cho trường MN... Vì vậy, cả nước vẫn còn 15% số xã chưa có trường MN độc lập; hiện cả nước còn thiếu 23.379 phòng học. Tỷ lệ phòng học kiên cố mới đạt hơn 48%, số phòng học phải học nhờ, học mượn chiếm 18%. Trong khi đó, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia còn chậm, cả nước mới có 20% số trường đạt chuẩn quốc gia. Chẳng hạn như, TP Cần Thơ vẫn còn khó khăn trong việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi. Bởi thành phố vẫn còn 5 xã, phường chưa có trường MN; còn thiếu trên 780 phòng học, phòng chức năng... Còn theo bà Trần Thị Kim Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, một số phường vẫn chưa có trường MN, do chưa có quỹ đất để xây dựng... Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ, giáo viên còn thiếu và chậm được khắc phục. Hiện nay, nếu tính 62 tỉnh, thành (trừ tỉnh An Giang) cả nước còn thiếu đến 22.811 giáo viên MN so với nhu cầu...

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để nâng cao chất lượng GDMN, Chính phủ, các bộ ngành Trung ương cần có sự đầu tư đột phá cho giáo dục- đào tạo nói chung, GDMN nói riêng; nhất là tiếp tục thực hiện đề án kiên cố hóa trường lớp từ nay đến năm 2015, nhất là ở các tỉnh, thành còn nhiều khó khăn. Từ đó tạo nền tảng huy động nguồn vốn để đầu tư cho GDMN, góp phần giúp các tỉnh, thành trên cả nước hoàn thành chương trình PCGDMN 5 tuổi. Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, đề suất: Để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho riêng bậc học MN giai đoạn từ nay đến năm 2015, địa phương cần 350 tỉ đồng. Nhưng địa phương chỉ “gánh” khoảng 40% tổng kinh phí nên rất cần sự hỗ trợ đầu tư từ Trung ương. Đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp, trong đó có bậc MN”. Bên cạnh đó, đi đôi với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên MN, Trung ương cũng cần có chế độ chính sách, tiền lương cho giáo viên, nhân viên; nhất là nhân viên bảo mẫu đã qua đào tạo hưởng thang bậc lương theo qui định...

Theo mục tiêu Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015: Đến năm 2015, cả nước có 95% số trẻ em trong độ tuổi 5 tuổi được học 2 buổi/ ngày; 100% trẻ tại các cơ sở GDMN được học chương trình GDMN mới; số tỉnh đạt chuẩn phổ cập GDMN lên 85% năm 2012 và 100% đến năm 2015... Tuy nhiên để đạt được mục tiêu trên, ngoài sự linh động đầu tư của địa phương, cần có sự đầu tư của bộ, ngành trung ương... Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, thời gian tới, các tỉnh, thành phố cần rà soát lại kế hoạch, địa phương nào đặt mục tiêu năm 2012-2013 hoàn thành phổ cập GDMN phải có kế hoạch cụ thể về số trường đạt chuẩn theo năm. Với nhóm tỉnh, thành phố đặt mục tiêu đạt chuẩn vào năm 2014-2015, cần rà soát kế hoạch chi tiết để đảm bảo tính khả thi, đồng thời điều chỉnh thời gian đạt chuẩn cho phù hợp. Cuối năm 2012, UBND các địa phương phải báo cáo HĐND tỉnh kết quả phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi;... Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Các địa phương cần huy động mọi nguồn lực trong hệ thống chính trị, xã hội để dồn sức cho việc thực hiện đề án phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi đúng lộ trình làm nền tảng để nâng cao chất lượng giáo dục ở các bậc học cao hơn”.

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết