14/12/2017 - 21:10

Đón Giáng sinh ở miền đất lạnh 

Thêm một lần nữa, cao nguyên Lâm Viên lại khiến du khách đứng ngồi không yên, bởi Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 7 sẽ được tổ chức trong 5 ngày, từ 23 đến 27-12, tại Đà Lạt, Bảo Lộc và một số huyện phụ cận. Nhờ vậy, du khách có thêm lý do để ghé lại thành phố hoa, đắm mình trong không gian tràn ngập sắc màu, rượu vang và lụa tơ tằm hòa cùng những khúc nhạc du dương của những bản tình ca miền đất lạnh…

 Nghệ thuật đường phố Đà Lạt là điểm dừng chân để thưởng thức âm nhạc.

Thành phố hoa của cao nguyên Lâm Viên- Lâm Đồng luôn được ưu ái với nhiều tên gọi mỹ miều. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là “miền đất lạnh”. Bởi ở xứ nhiệt đới, một chút lạnh lẽo, một chút sương mù, cũng là xa xỉ. Và mùa Giáng sinh về, người ta lại tìm đến chốn mộng mơ để khoác lên người chiếc áo len và choàng khăn ấm áp, nắm tay nhau đi dạo bên bờ hồ thơ mộng trong tiết trời lành lạnh của chiều buông, hay sương giăng đêm muộn trên mặt hồ lung linh… Bởi thế, chẳng phải ngẫu nhiên mà Đà Lạt luôn tổ chức lễ hội hoa vào dịp cuối năm. Đó là điểm rơi có chủ đích để kéo du khách trở lại với miền đất này dù họ mới xa nó chưa lâu.

Đà Lạt vốn rực rỡ bởi ngàn hoa, dịp lễ hội càng thêm hương sắc. Vườn hoa thành phố, con đường ven hồ hay những nẻo đường đồi dốc thơ mộng Lê Đại Hành, Hồ Tùng Mậu… là điểm dừng chân để du khách cảm nhận vẻ đẹp tươi tắn của hoa cỏ xứ ôn đới. Ở đó, người ta thỏa sức sáng tạo để biến những loài hoa vốn dĩ đẹp đẽ thành những tác phẩm nghệ thuật xếp đặt. Hoa trải dài bên hồ, kéo sang những con đường, những lối đi có hoa chào đón. Ở các khu du lịch, rừng hoa Đà Lạt… hoa nghệ thuật càng thêm rực rỡ và thi vị. Đó là chưa kể những cánh đồng hoa bạt ngàn thơm nức mùi oải hương, rực rỡ như hồng ri, tinh tươm như hướng dương hay khoe sắc như cẩm tú cầu… Ở đó, hoa mọc một cách tự nhiên như nó sống, không xếp đặt nhưng vẫn làm choáng ngợp khách phương xa.

Lễ hội hoa Đà Lạt không chỉ có hoa rực rỡ mà còn có cả vị nồng nàn của rượu vang. Du khách như bước ra từ thùng rượu khổng lồ dưới tán thông. Tiết trời lạnh lẽo, một ngụm rượu vang của cao nguyên Lâm Viên, một tách trà nóng của xứ Cầu Đất hay ngụm cà phê của xứ B’lao… cũng làm người ta trở nên ấm áp, xích lại gần nhau. Đà Lạt cũng không thể thiếu những khúc tình ca của Trịnh, của Lê Uyên Phương… khi du khách hòa mình vào không gian của những nghệ sĩ đường phố. Họ là những nghệ sĩ gốc Đà Lạt, người yêu mến Đà Lạt, hoặc chỉ dừng chân lại ở những sân khấu, ga tàu… để nghe hát tình ca. Miên man giữa không gian của ánh sáng, âm thanh và hương sắc, người ta có cảm giác đang lạc giữa Paris vào đêm đông của mùa Giáng sinh. Cứ đi và thả lỏng cảm xúc phóng khoáng của mình để cảm nhận một Đà Lạt rất riêng, rất lạ dù đang đi giữa miền đất quen thuộc, đến nỗi đã nhớ rõ đến từng góc phố, con đường.

Mùa Giáng sinh trên cao nguyên không thể thiếu những giáo đường. Được người Pháp biết đến và xây dựng thành thành phố du lịch từ rất sớm, nên tôn giáo lớn nhất nhì thế giới cũng đến với miền đất này từ khi khai phá. Không chỉ mang lối kiến trúc công giáo truyền thống, nhiều ngôi giáo đường ở đây mang đậm nét Tây Nguyên từ những mái nhà rông, nhà sàn, nhà dài của người bản địa. Ngôi chính tòa mang dáng vấp kiến trúc Roman kiểu mẫu của nhiều nhà thờ trên thế giới, đồng thời, mang đậm dấu ấn Pháp bởi chú gà trống làm biểu tượng trên nóc chuông. Trong khi đó, nhà thờ Sơn Cước lại mang dáng dấp của mái nhà rông kinh điển, kết hợp với kiếng màu và tranh kiếng đặc trưng của Công giáo. Riêng Domaine De Marie lại hòa hợp giữa kiến trúc của người Bana và châu Âu bởi nóc nhọn cao vút và những ô cửa trên mái… Xung quanh trung tâm Đà Lạt trong vòng 10-20 cây số, có hàng chục ngôi giáo đường nằm giữa núi đồi, làng mạc hay phố thị, nhưng đều mang vẻ riêng, đặc biệt là địa hình nơi giáo đường cư ngụ. Du khách một lần nữa miên man giữa những nẻo về của giáo đường mùa Giáng sinh.

Đà Lạt, dù đã đến và đi nhiều lần nhưng dịp lễ hội hoa luôn tạo cho du khách cảm giác khác lạ bởi sự náo nhiệt của hội hè hòa trong nét trầm mặc của xứ sương mù. Trong cái náo nhiệt ấy, du khách yêu Đà Lạt vẫn có chỗ nương náu, đứng nép mình để quan sát, chiêm ngưỡng thành phố yêu thương của mình ở một cung bậc khác.

Bài, ảnh: DU MIÊN

Chia sẻ bài viết