15/04/2017 - 16:26

Đôi tay của má

Gió chiều thoảng mùi rơm khô, đẫm vị phù sa ngai ngái đưa tôi về thăm nhà. Cánh đồng làng trơ gốc rạ, đất ngửa mặt hứng sương đêm đòi con nước. Hoàng hôn rải đều trên đường quê, ngõ xóm ánh tia nắng vàng cuối ngày. Những mái lá nhấp nhô trong khói chiều bảng lảng, nhẹ tênh. Chạng vạng, mé sông con nước trườn mơn bờ bãi. Phía ấy, mẹ tôi giờ này ngồi đan thảm lác trước hàng ba hay bận bịu với buổi cơm chiều?

Quê tôi, hễ chiều về thì vẳng xa xa có tiếng chim vịt, thanh âm buồn mà ấm áp. Bên ánh lửa tàn mất ngọn, ba ngồi ở bộ bàn tròn, kể cho má nghe những câu chuyện thường ngày: chuyện con nước lớn, nước ròng, chuyện mùa cá rủ nhau về quẫy ổ. Má ngồi nghe, đôi tay vẫn đều đặn đan lác, thỉnh thoảng nói chuyện đặt hàng, mẫu thảm...

Thỉnh thoảng có ai hỏi má theo nghề đan lác bao lâu, má cười rồi bấm đốt ngón tay. Bàn tay má gầy guộc, khô ráp chi chít những vết trầy, xước. Nhọc nhằn năm tháng hằn trên gân tay xanh xanh tắt ngang, rẽ dọc. Gần ba chục năm má theo nghề, cây lác rời xứ về quê chồng theo má vươn xanh bám rễ. Má nói ba đâu biết chẻ lác, đánh dây; nhưng thấy má vất vả, ba làm phụ riết rồi quen tay…

Hồi mới mười bốn tuổi, má đã được bà ngoại truyền nghề đan lác. Từng sợi lác kết nên những tấm thảm bắt mắt, đều đặn. Má không chỉ kế nghiệp ngoại, mà còn truyền nghề cho chị em trong làng khi về làm dâu nhà ba. Sợi lác quê nghèo đã kết thành những trang sách thơm tho của tôi trên bước đường đại học. Cuối tháng giao hàng cho vựa, má cắc củm gửi hai phần tiền công cho tôi, phần còn lại trang trải cho gia đình.

Về thăm nhà, tôi thích ngồi kế má học nghề đan, nghe má tỉ mỉ dạy tôi. Rồi má lại nói: Con thấy không, trong từng bụi lác kia, những thân lác yếu ớt nương tựa vào nhau để đứng vững trên những bãi đất mềm. Con đi học, xa vòng tay ba má, ráng sống chan hòa thương yêu nhường nhịn với bạn bè, thầy cô và những người xung quanh. Rồi con sẽ nhận được những tình thương và điểm tựa trong đời…

Đôi bàn tay của má, một đời nuôi tôi khôn lớn và dạy tôi những giá trị bất biến của cuộc đời.

Văn Nguyên

Chia sẻ bài viết