19/11/2022 - 19:46

Đội ngũ nhà giáo tâm huyết, đáp ứng yêu cầu đổi mới 

Bích Kiên

Bài cuối: Để nguồn nhân lực tiếp tục lớn mạnh

Cần có thêm những giải pháp bền vững, căn cơ; cơ chế chính sách ưu đãi cho đội ngũ nhà giáo; điều chỉnh những bất cập trong quy định về nghĩa vụ của sinh viên sư phạm; giao quyền tự chủ hơn nữa cho các trường sư phạm trong tuyển sinh… để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Từ đó đội ngũ nhà giáo tiếp tục lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu xã hội.

Sinh viên Khoa Sư phạm - Trường Đại học Cần Thơ học tập, thực hành tại phòng thí nghiệm. Ảnh: B.NG

Những kiến nghị về đào tạo và thu hút nhân lực

Trên địa bàn TP Cần Thơ có Khoa Sư phạm Trường Ðại học Cần Thơ (ÐHCT) và Trường Cao đẳng Cần Thơ (tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ) là hai đơn vị có bề dày đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ ngành Giáo dục, các trường học của thành phố và ÐBSCL.

Trường ÐHCT đang đào tạo 13 ngành sư phạm; với trung bình từ 15 đến 100 chỉ tiêu tuyển sinh/ngành/năm. Năm học 2022-2023, trường tuyển 15 đến 90 chỉ tiêu/ngành. Theo TS Huỳnh Anh Huy, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường ÐHCT, tuyển sinh hằng năm đối với các ngành sư phạm của trường do Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) giao dựa trên “đặt hàng” các tỉnh, thành. Trước đây, sinh viên học sư phạm được miễn học phí. Hai năm gần đây, thực hiện theo Nghị định số 116/2020/NÐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116); thì sinh viên sư phạm không những được miễn học phí, mà còn được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí (trên 3,6 triệu đồng/tháng).

TS Huỳnh Anh Huy cho biết: “Trước năm 2021, sinh viên sư phạm được miễn học phí, sau khi ra trường, các em không bị điều kiện ràng buộc phải làm việc trong ngành Giáo dục. Nên đào tạo bị lãng phí. Nghị định 116 có cơ chế ràng buộc sinh viên sau khi ra trường phải làm việc với thời gian gấp hai lần so với thời gian học. Trong 2 năm sau tốt nghiệp, các em không làm trong ngành sư phạm sẽ bồi thường kinh phí đào tạo”. Tuy nhiên, Nghị định 116 cũng quy định các em có thể làm việc bất cứ ở trường học nào ở khu vực công và tư, nên dẫn đến tình trạng các địa phương khi “đặt hàng” gặp khó khi nhiều sinh viên ra trường không trở về làm việc. “Nếu có quy định sinh viên sư phạm trở về địa phương công tác, sẽ giúp cho các tỉnh thuận lợi khi “đặt hàng” đào tạo với trường; góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt giáo viên”, TS Huỳnh Anh Huy nói.

Theo thống kê của Trường ÐHCT, từ năm 2017 đến 2021, mỗi năm có từ 900 đến 1.200 sinh viên sư phạm tốt nghiệp, bổ sung nguồn cán bộ, giáo viên cho ÐBSCL. Số liệu cũng cho thấy, nếu 5 năm trước, số sinh viên làm việc ở khu vực công và tư ngang nhau; thì vài năm gần đây, khu vực tư chiếm gấp đôi, có thời điểm gấp ba so với khu vực công. Lại thêm khi sinh viên ra trường, lương thấp hơn mức hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng cho sinh viên theo Nghị định 116. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục đang thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018, giáo viên ngoài công tác giảng dạy, còn tham gia các hoạt động giáo dục, chịu nhiều áp lực. “Ngoài việc hỗ trợ sinh viên khi học, cũng cần có chính sách thu hút sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường làm việc tại các trường khu vực công”, TS Huỳnh Anh Huy nói.

Ðồng tình quan điểm này, TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ cho rằng, cần có cơ chế tiền lương đột phá đối với giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non. Nếu không có cơ sở tăng lương thì hỗ trợ bằng cách tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non để giữ chân người công tác, thu hút người học. Mặt khác, cần có cơ chế cho sinh viên ra trường theo Nghị định 116 không cần thi tuyển. TS Hồ Thanh Tâm đề xuất: Với các trường đào tạo sư phạm, Bộ GD&ÐT nên giao chỉ tiêu tuyển sinh mở hơn. Ví như người học muốn học thì tự nguyện đóng học phí; chỉ tiêu tuyển sinh sẽ giao theo năng lực đào tạo của trường và tiếp nhận chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội”. Năm 2020, năm 2021, Trường Cao đẳng Cần Thơ được giao 303 chỉ tiêu đào tạo ngành Giáo dục mầm non. Năm 2022, chỉ tiêu chỉ còn 100.

Phát triển số lượng, nâng cao chất lượng

Ông Nguyễn Văn Chi, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Thới Lai, đề xuất: Sở GD&ÐT cùng Sở Nội vụ phối hợp tham mưu UBND thành phố có những giải pháp cấp bách để địa phương tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên, để đảm bảo nơi nào có học sinh và có lớp, là nơi đó có giáo viên giảng dạy. Có cơ chế khoán kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các trường theo hình thức biên chế được giao bao nhiêu, thì cấp kinh phí trả lương và hoạt động bấy nhiêu; từ đó trường mới có đủ kinh phí trả tiền dạy thêm giờ cho giáo viên dạy dư tiết do không đủ giáo viên. Các trường sư phạm, các ngành các cấp liên quan điều tra nhu cầu giáo viên của địa phương để có kế hoạch đào tạo sinh viên đáp ứng yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo của xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Phong Ðiền, bên cạnh chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực cho ngành Giáo dục; cần cho chủ trương tuyển dụng giáo viên khi các trường có nhu cầu theo quy định.

Theo ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ, ngành Giáo dục thành phố, các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong nhà trường, đội ngũ nhà giáo; trong đó, quan tâm chăm lo, động viên và đảm bảo nâng cao đời sống để thầy cô giáo an tâm giảng dạy. Tăng cường hiệu quả hơn nữa trong công tác quản lý nhà nước của ngành, thực hiện đúng quy định pháp luật, những chỉ đạo của Bộ GD&ÐT, UBND thành phố, hạn chế mức thấp nhất sai sót theo quy định lĩnh vực GD&ÐT, tạo sự đồng thuận hệ thống chính trị đối với ngành. Ông Trần Thanh Bình cho biết: Ngành tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên, đầu tư nhiều hơn; trước mắt là hợp đồng để đảm bảo cho đội ngũ giáo viên đủ trong định biên, biên chế, đảm bảo yêu cầu dạy và học. Chỉ đạo các đơn vị hợp đồng với đội ngũ giáo viên thỉnh giảng nhất là các bộ môn mới. Ðồng thời, sắp xếp, bố trí các điểm trường, các phòng học đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn về giáo viên, số lượng học sinh, cơ sở vật chất, các thiết bị đồ dùng dạy học, đảm bảo mức tối thiểu cho hoạt động dạy và học; nhằm phát huy đội ngũ giáo viên trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục.

Ðịnh hướng phát triển của ngành Giáo dục thành phố xác định tiếp tục đổi mới, căn bản toàn diện, kiên trì vì mục tiêu chất lượng, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình Giáo dục mầm non và CTGDPT 2018. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên theo hướng chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Ðặc biệt, quan tâm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm đội ngũ có năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo… Ðể đạt mục tiêu này, ngoài nỗ lực của ngành trong công tác xây dựng đội ngũ, cần có sự hỗ trợ của các ngành các cấp trong rà soát, bổ sung biên chế cho ngành theo đúng định mức, đúng nhu cầu; có giải pháp hỗ trợ, nâng cao thu nhập cho đội ngũ giáo viên (nhất là giáo viên mầm non); sớm xây dựng, hoàn thiện nghị quyết về hỗ trợ, khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có đội ngũ giáo viên tham gia đào tạo, nâng cao trình độ.

Chia sẻ bài viết