Chương trình truyền thông phòng chống ma túy trong học đường, do Quận đoàn Bình Thủy (TP Cần Thơ) tổ chức tại 2 trường: THPT chuyên Lý Tự Trọng và THPT Bùi Hữu Nghĩa chỉ diễn ra trong 60 phút nhưng đã trang bị cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích. Đặc biệt, các em còn được giao lưu, "chất vấn" một số thanh niên đã từng nghiện ma túy, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục các em tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội khác
* Những câu chuyện có thật
"Vì sao anh nghiện ma túy?", "Cảm giác hút chích heroin ra sao?" - đó là 2 trong số nhiều câu hỏi các em học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa khi lần đầu giao lưu với anh Phạm Thanh Vũ - người đã từng nghiện ma túy (nay ở phường Hưng Phú, Quận Cái Răng). Không khỏi bối rối bởi ít khi tiếp xúc với đám đông, nhưng anh Vũ đã kể lại những câu chuyện có thật của chính cuộc đời mình khiến mọi người càng trân trọng nghị lực vượt qua mặc cảm hòa nhập với cộng đồng. Vũ kể: "Tôi nhớ mãi lần đầu tiên dùng ma túy, "phê" hay sung sướng đâu chẳng thấy, chỉ thấy miệng khô, đắng ngắt, cảm giác lâng lâng, muốn ói, khát nước và rất khó chịu". Vậy mà không biết chúng có ma lực như thế nào mà mỗi ngày Vũ phải hút, tiêm chích thì mới làm việc được. Cứ thế, Vũ bắt đầu nghiện ma túy khi mới học lớp 8. Kể từ đó, Vũ không còn chú tâm việc học tập, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, mà chỉ tụ tập bạn bè kéo nhau đi mua thuốc, tiêm chích cho thỏa cơn nghiện. Cũng vì vậy, Vũ nghỉ học khi chưa hết chương trình lớp 8. Số tiền ít ỏi từ nghề sửa xe, làm thuê làm mướn, Vũ dùng tất cả để tiêm chích. Thậm chí lúc hết tiền, Vũ đã từng trộm cắp, lừa dối cha mẹ để lấy tiền (từ vài chục ngàn đến vài triệu đồng) để tiêu xài. Vũ chia sẻ: "Tôi đã nghiện ma túy hơn 10 năm nay, đã từng nhiều lần đi cai nghiện không thành công trước khi được điều trị bằng methadone". Tại buổi giao lưu với học sinh, anh khuyên các bạn trẻ không được thử dùng ma túy dù chỉ một lần nếu không sẽ phải đánh đổi bằng cả tương lai tươi sáng của bản thân.
|
Học sinh Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) tham dự hoạt động truyền thông phòng chống ma túy. |
Còn với Nguyễn Cao Thắng - người đã từng nghiện ma túy (hiện sống ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng), thì cho rằng ma túy đã khiến bạn bè, bà con xóm giềng dần xa lánh anh. "Những cuộc gặp bạn bè dần thưa thớt hơn bởi họ sợ nguy hiểm, còn bà con thì sợ chúng tôi trộm cắp hoặc có hành vi gây nguy hiểm cho họ" - Thắng bộc bạch. Hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên để có tiền tiêm chích ma túy, người thợ sửa xe trẻ tuổi này đã từng trộm cắp, đổi phụ tùng xe của khách, hoặc tổ chức đua xe có vài trăm ngàn đồng. Tuy đang được hỗ trợ điều trị bằng methadone, nhưng trong thâm tâm của Thắng rất hối hận về những lỗi lầm, sự háo thắng nhất thời của bản thân. Thắng nghẹn ngào nói: "Tôi đã từng ước mơ được học hành đến nơi đến chốn để có việc làm ổn định phụ giúp gia đình, nay thì không thể thực hiện được bởi sức khỏe không tốt và kinh tế gia đình đã túng quẫn". Theo tâm sự của Thắng, tiêm chích ma túy rất dễ bị lây nhiễm HIV/AIDS hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác, như: trộm cắp, đánh nhau, đua xe
Trong số hơn 10 người nghiện ma túy từng hoạt động chung nhóm của Thắng, đến nay cũng đã nhiễm HIV/AIDS hơn phân nửa, một số người cũng đã chết. Thấu hiểu tác hại của ma túy đối với giới trẻ và cộng đồng, Thắng đã đồng ý trở thành đồng đẳng viên phụ trách tuyên truyền phòng chống ma túy của một số dự án, tổ chức phi chính phủ
với hy vọng giúp bạn trẻ hiểu rõ hơn về tác hại khôn lường của ma túy.
* Giúp học sinh nhận diện ma túy
Phần giao lưu với một số thanh niên đã cai nghiện thành công, có việc làm ổn định, giúp nhiều học sinh nhận thức rõ hơn về tác hại của ma túy. Em Bùi Văn Sáng - học sinh lớp 12B11, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em được trực tiếp nói chuyện với người đã từng nghiện ma túy. Câu chuyện chân thực từ chính quá trình nghiện ma túy của các anh giúp chúng em hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của ma túy đối với bản thân, gia đình và cộng đồng". Điều khiến Sáng trân trọng những thanh niên lầm lỡ này là ở nghị lực vượt qua nhiều cám dỗ để cai nghiện, với mong muốn trở thành những người hữu ích cho xã hội. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Quận đoàn Bình Thủy, nhiều người vẫn còn kỳ thị phân biệt đối với người nghiện ma túy, từ đó vô tình khiến người nghiện ma túy dần sống khép kín, xa lánh cộng đồng, ảnh hưởng đến quá trình cai nghiện hoặc dễ dàng tái cai nghiện. Tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ với thanh niên từng nghiện ma túy không chỉ định hướng lối sống cho lành mạnh, mà còn góp phần xóa bỏ định kiến, sự phân biệt kỳ thi của học sinh với người nghiện ma túy.
Bên cạnh đó, các em học sinh cũng được Ban tổ chức giới thiệu chi tiết về những nguồn gốc sản xuất và tác hại của ma túy, tình hình thanh niên nghiện ma túy và những nguyên nhân cám dỗ giới trẻ sa ngã vào con đường nghiện ngập. Bùi Phúc Thiện, học sinh lớp 10B4, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ: "Trước giờ, em không rõ lắm về hàng đá hay hàng trắng, morphin, thuốc lắc. Nay được các anh, chị cho xem hình, giới thiệu nguồn gốc và những hệ lụy khôn lường của nó giúp em phòng tránh nếu bị dụ dỗ". Những hình ảnh tiều tụy của một số người sử dụng ma túy khiến cho Thiện "lạnh" người. Cậu học trò cũng bất ngờ trước thông tin thuốc lắc có thể làm thay đổi tính cách con người - thích bạo lực, lối sống "bầy đàn" hơn.
Tâm đắc với nội dung tuyên truyền hấp dẫn, Nguyễn Linh Nguyên - học sinh lớp 10B2, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: "Đã nhiều lần tham gia các buổi tuyên truyền, nhưng chương trình truyền thông có cả người thật - hình ảnh phong phú giúp em hiểu nhận diện rõ ràng, đầy đủ hơn về ma túy và những hậu quả của nó". Nguyên tâm đắc nhất là những thông tin về biểu hiện của người nghiện ma túy, như: sống khép kín, hay trầm tư một chỗ, ít tiếp xúc với người xung quanh, thân hình gầy ốm, đặc biệt là tìm mọi cách vòi vĩnh tiền của gia đình
Theo Nguyên, sớm phát hiện bạn bè nghiện ma túy để có biện pháp giúp đỡ kịp thời. Trong khuôn khổ các hoạt động truyền thông về ma túy, học sinh còn được các tuyên truyền viên định hướng lối sống lành mạnh, hạn chế vào các vũ trường, quán bar vì không phù hợp với lứa tuổi và rất dễ bị cám dỗ sa ngã vào các tệ nạn xã hội.
Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, Phó Bí thư Quận đoàn Bình Thủy, chương trình truyền thông phòng chống ma túy trong học đường được Quận đoàn tổ chức thường xuyên, nhằm định hướng, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh. Qua đó, góp phần cùng các cấp, các ngành đẩy lùi tệ nạn ma túy, giúp thanh thiếu niên phát triển toàn diện từ thể chất đến tinh thần, trở thành người hữu ích cho xã hội.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI