Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, kỹ năng nghề, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Những năm gần đây, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của người học và thị trường lao động (TTLÐ).
Một buổi học tại Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Ảnh: Đơn vị cung cấp.
Điểm sáng trong GDNN
Trong 3 năm gần đây, bình quân mỗi năm Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ tuyển sinh đào tạo mới khoảng 1.200 học sinh, sinh viên (HSSV); đồng thời cung cấp cho TTLÐ khoảng 1.000 lao động mỗi năm. Không ngừng phát triển và khẳng định vị thế qua việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao cho địa phương và ÐBSCL, Trường chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới công tác đào tạo. Hiện nay, Trường đang đào tạo 14 nghề trình độ cao đẳng và 11 nghề trình độ trung cấp. Ngoài ra, Trường còn liên kết với Ðại học Nha Trang, Ðại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long... đào tạo liên thông từ bậc cao đẳng lên đại học; liên kết với Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ Bách khoa đào tạo chính quy bậc trung cấp và cao đẳng.
Theo cô Cao Thị Hồng Tho, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ, những năm qua, nhà trường quan tâm, tăng cường liên kết với doanh nghiệp (DN), tạo điều kiện cho HSSV gặp gỡ giao lưu, được giải quyết việc làm sau tốt nghiệp. Hiện tại, Trường đang liên kết với trên 400 cơ quan, DN trong và ngoài TP Cần Thơ, ký kết thỏa thuận hợp tác với 45 đơn vị. Bên cạnh các thỏa thuận hợp tác, mối liên kết này còn được cụ thể bằng các hoạt động, như tổ chức hội thảo, tọa đàm về định hướng nghề nghiệp cho HSSV; tổ chức cho HSSV năm cuối đi thực tập tốt nghiệp tại các đơn vị, DN... Ðặc biệt, trong 2 năm trở lại đây, Trường đã liên kết với các công ty tuyển dụng lao động đi làm việc nước ngoài hoặc theo diện thực tập sinh (Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ðức…) cho HSSV đang học năm cuối hoặc năm thứ 2. Kết quả năm 2022 và 2023 có khoảng 20 SV chọn chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản của Công ty TNHH MTV Ðầu tư và Thương mại Xây dựng Hải Phong. Ngoài ra, Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ còn phối hợp với các công ty, DN, các trung tâm dịch vụ việc làm cung cấp thông tin nhu cầu tuyển dụng của DN trên bảng thông báo, trang web của Trường; hỗ trợ HSSV tham gia các chương trình ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm để gặp gỡ DN... Với những nỗ lực của Trường, hằng năm, tỷ lệ HSSV ra trường có việc làm đạt trên 90%, đáp ứng nhu cầu của TTLÐ trong nước và hội nhập quốc tế.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Theo bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, những năm qua, mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố và tăng cường, phát triển đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Toàn thành phố hiện có 67 cơ sở GDNN; trong đó, có 13 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp (trong đó có 1 phân hiệu), 19 trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có dạy nghề.
Thời gian qua, công tác GDNN luôn được các cấp, ngành quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Các cơ sở GDNN đã chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế sang học tín chỉ, mô đun tạo sự thuận lợi cho người học. Ðáng chú ý, nhiều trường nỗ lực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, đào tạo. Ðơn cử như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, đang áp dụng hiệu quả mô hình đào tạo KOSEN, cải tiến môi trường làm việc theo 5S và ứng dụng công nghệ 4.0. Ðồng thời, triển khai tốt công tác quảng bá, tư vấn tuyển sinh trực tuyến; số hóa hoạt động giảng dạy, quản lý cấp phát bằng tốt nghiệp; số hóa tài liệu lưu trữ chuyên môn... Các khoa của Trường đều triển khai các phần mềm dạy và học trực tuyến trên các nền tảng Google Meet, Zoom, Microsoft Team; tổ chức biên soạn, thành lập ngân hàng đề thi, giáo án điện tử...
Bên cạnh đó, các cơ sở GDNN luôn quan tâm tổ chức các hoạt động gắn kết giữa nhà nước - nhà trường - DN trong đào tạo, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề và giải quyết việc làm cho người học; chú trọng xây dựng mô hình liên kết 3 bên: cơ sở GDNN - DN - trung tâm dịch vụ việc làm nhằm tạo sự gắn kết chặt chẽ, phát huy lợi thế tối đa của các bên tham gia trong GDNN và giải quyết việc làm; đến nay đã có 11 cơ sở đào tạo, 21 DN ký kết tham gia mô hình. Ðây là cơ sở để thực hiện ngày càng tốt hơn, gắn kết chặt chẽ hơn công tác dạy nghề, giải quyết việc làm. Ngoài ra, các cơ sở GDNN trên địa bàn thành phố đã và đang chú trọng phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN theo hướng chuẩn, chuyên nghiệp, tinh gọn và hiệu quả.
Nhìn chung, chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN ngày càng được nâng lên. Trong năm 2023, các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 45.600 người (vượt 1,33% kế hoạch năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82,5% (đạt 100,61% so với chỉ tiêu); giải quyết việc làm 50.921 người (đạt 100,83% kế hoạch). Thêm một tín hiệu vui khi mới đây, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDNN, đã khẳng định vị thế, chất lượng đào tạo của Trường nói riêng, lĩnh vực GDNN của thành phố nói chung.
KIẾN QUỐC