17/11/2013 - 20:43

THẠC SĨ TRẦN MINH LÝ, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ SÓC TRĂNG:

Đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội

 

Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng đã đào tạo hàng chục ngàn cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2013, Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng đã thành lập Khoa Dạy nghề nội trú cho học sinh dân tộc Khmer với quy mô 600-700 học sinh, tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho học sinh dân tộc Khmer và lao động nông thôn, Thạc sĩ Trần Minh Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng, cho biết:

- Trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng được tỉnh giao đào tạo nghề ở 3 trình độ là sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề. Hàng năm, trường tuyển sinh từ 700-800 học sinh, số lượng ra trường khoảng 350 học viên/năm ở cấp trung cấp và cao đẳng nghề. Trường đã được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội chỉ đạo thí điểm khoa dân tộc nội trú học nghề Khmer. Ngoài đào tạo nghề, Trường đã có khoa dân tộc nội trú để tuyển sinh cho các em học sinh dân tộc thiểu số học nghề và nội trú tại trường. Thời gian qua, trường đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban Dân tộc tỉnh, tuyển sinh học sinh dân tộc nội trú học nghề giai đoạn 2013-2015. Hiện nay, bình quân một năm trường có khoảng 400 - 600 em dân tộc Khmer theo học nghề tại trường. Trong đó, đối tượng được hưởng chính sách nội trú 50 em. Các em này, ngoài hưởng chính sách miễn giảm học phí, ăn ở trong trường còn được hưởng học bổng hàng tháng 920.000 đồng/em. Hai năm qua, trường đã thực hiện chính sách chi trả trợ cấp cho học sinh, sinh viên dân tộc nội trú với số tiền hơn 300 triệu đồng. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi giúp cho các em yên tâm học nghề.

* Để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trường có những chuẩn bị gì?

- Năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Tổng cục Dạy nghề, trường được đầu tư trang thiết bị dạy nghề nên đã có bước chuẩn bị cơ bản cả về cơ sở vật chất dạy nghề và đội ngũ giáo viên. Hiện nay, trường có trên 100 giáo viên đạt chuẩn theo quy định, trong đó có trên 30 % giáo viên đạt trình độ thạc sĩ. Đối với lĩnh vực dạy nghề lao động nông thôn, trường đang xúc tiến kết hợp với Trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã và thành phố để tham gia dạy nghề theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, nhà trường đưa giáo viên xuống tác động với các trung tâm giáo dục thường xuyên ở các huyện, thị xã và thành phố, ngoài việc dạy nghề ngắn hạn dưới 3 tháng, trường còn kết hợp mở lớp trung cấp nghề cho các đối tượng thanh niên nông thôn có điều kiện học nghề tại địa phương.

* Thời gian qua, công tác tuyển sinh của các trường nghề gặp nhiều khó khăn, vậy nhà trường có những giải pháp gì để thu hút học viên?

- Năm học 2013-2014, công tác tuyển sinh của trường đã gặp nhiều khó khăn, nhưng với biện pháp tích cực trường cũng đạt chỉ tiêu đề ra. Để thu hút học viên, thời gian tới, trường sẽ nâng cao chất lượng dạy và học, làm sao để trường có được thương hiệu, niềm tin trong phụ huynh cũng như các em học sinh. Năm nay, trường đã tập trung nâng cao trình độ đào tạo giáo viên và tranh thủ các nguồn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ phải là người đầu tàu, tích cực động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em thi đua học tập. Song song đó, nhà trường cũng đổi mới về phương thức, nội dung cũng như hoạt động của trường làm sao để việc học nghề của các em ngày càng sát với thực tế, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp. Để đảm bảo số lượng học viên ra trường có việc làm, trường tổ chức hội thảo, ngày hội việc làm, mời doanh nghiệp, các đơn vị đến tư vấn, trao đổi tìm ra hướng mới, tích cực theo nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.

* Xin cảm ơn ông!

LÝ THEN

 

Chia sẻ bài viết