31/10/2008 - 08:42

Đọc “Tư bản luận” thời khủng hoảng

Nghiền ngẫm “Tư bản luận” bên tượng Karl Marx trong Bảo tàng Karl Marx hiện đại ở thành phố Chemnitz, Đông Đức. Ảnh: AFP

Gần đây, tại Đông Đức đang nổi lên phong trào tìm đọc lại cuốn “Tư bản luận” ra đời năm 1867 của Karl Marx. Sách trở nên đắt hàng, nhất là kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu nổ ra tại Mỹ - quốc gia có nền kinh tế tư bản thống trị thế giới. Joern Schuetrumpf, giám đốc nhà xuất bản Karl-Dietz-Verlag, cho biết cuốn “Tư bản luận” có khả năng trở thành sách bán chạy nhất (của đơn vị này) khi 9 tháng đầu năm nay, có đến 1.500 ấn bản đến tay người đọc, gấp 3 lần so với cả năm 2007.

Không chỉ các nhà nghiên cứu, chuyên gia, học giả, chính khách mà thậm chí cả giới chủ ngân hàng, doanh nghiệp cũng nghiền ngẫm “Tư bản luận”. Mục đích, theo Schuetrumpf, “là để cố gắng tìm hiểu họ (giới tài chính) đã làm gì nên nỗi. Những gì Karl Marx viết trong sách hoàn toàn đúng với tình hình hiện nay”.

Theo hãng tin Anh Reuters, phong trào đọc “Tư bản luận” hiện nay có thể xuất phát từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng đồng thời cũng phản ánh xu hướng bài bác chủ nghĩa tư bản (CNTB) thu hút ngày càng đông dân chúng ở Đông Đức, vốn đang bất bình vì thất nghiệp tràn lan. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho hay có tới 52% dân Đông Đức tin rằng nền kinh tế thị trường tự do hiện “không bền vững”, trong khi 42% ủng hộ chủ nghĩa xã hội. “Cơ chế kinh tế thị trường tự do rất tàn nhẫn. Giới tư bản muốn vơ vét thật nhiều hơn nữa”, bác thợ rèn về hưu Hermann Haibel bày tỏ suy nghĩ. Còn Thomas Pivitt, 46 tuổi, nhân viên công nghệ thông tin ở phía Đông Thủ đô Berlin, cho biết trước khi bức tường Berlin sụp đổ, anh đã học được ở trường về “những nỗi kinh hoàng của CNTB của Karl Marx và ngày nay điều đó đang diễn ra đúng như thế”. Anh nhớ lại cuộc sống tốt đẹp trước khi Đông Đức tan rã, lúc đó không một ai lo lắng về tiền bạc, công việc thì lúc nào cũng có. Còn hiện tại, nạn thất nghiệp ở Đông Đức lên tới 14%, cao gấp đôi Tây Đức, trong khi lương bổng thì khá thấp. Nhiều nhà máy sau khi bị các đối thủ ở Tây Đức thôn tính đã đóng cửa, khiến hàng triệu việc làm bị mất trắng.

Sự phê phán gay gắt của công luận Đông Đức về CNTB và “sự hồi sinh” của tinh thần Karl Marx phần nào phản ánh sự thay đổi nhận thức của thế giới đối với thực trạng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay. Nhiều nhà nghiên cứu Karl Marx tại phương Tây thừa nhận CNTB luôn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng. Thủ tướng Australia Kevin Rudd cho rằng CNTB đang bước vào “giai đoạn tự do cực đoan vô trách nhiệm”. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy thì đề xuất kế hoạch tái lập “nền tảng CNTB mới”. Dù CNTB có thể chưa đến hồi cáo chung, nhưng bản thân nó không còn đáng tin cậy nữa.

Trong “Tư bản luận”, Karl Marx đã dự báo giới trùm tư bản sẽ phải sụp đổ dưới sức nặng của những mâu thuẫn bên trong. Đây là lý do vì sao những người chưa từng đọc qua quyển sách này luôn muốn tìm đến nó để hiểu rõ căn nguyên của cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay.

PHÚC GIA AN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết