Ngày 29-3-1975, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết đặc biệt số 15 về chủ trương giải phóng toàn miền Nam. Ba ngày sau, Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ đã chuyển điện số 340 của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đến các địa phương trong tỉnh về chỉ đạo khởi nghĩa bằng tất cả khả năng của địa phương. Đã 45 năm trôi qua, hồi ức về khí thế hào hùng của Cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, trong đó có Cần Thơ, vẫn còn sống động trong ký ức những người lính Cụ Hồ năm xưa.

Đại tá Võ Tấn Dũng (bìa phải) và đồng đội trong lễ giỗ các liệt sĩ là Biệt động thành phố được tổ chức vào ngày 29-2. Ảnh: Phạm Trung
|
Những bước đệm giải phóng
Tháng 10-1974, quân dân tỉnh Cần Thơ và TP Cần Thơ đã tiến công địch trên khắp các mặt trận vũ trang, binh vận và chính trị. Nổi bật như lực lượng địa phương quân huyện Phụng Hiệp tấn công địch trên lộ 4, đêm 25-10. Lực lượng của ta đã phá sập cầu Trắng Nhỏ, tiêu diệt 17 dân vệ, bắt giáo dục tại chỗ 9 phòng vệ. Hai tháng sau, địa phương quân huyện Phụng Hiệp tấn công tiêu diệt đồn tứ giác cách Chi khu Phụng Hiệp 1km, tiêu diệt 1 đại đội, 1 Ban Chỉ huy Liên đoàn bảo an 885. Ở huyện Long Mỹ, đêm 5-12-1974, địa phương quân diệt toàn Phân chi khu Mười Bốn Ngàn (Vị Thanh). Cùng thời điểm này, Tiểu đoàn Tây Đô III và Biệt động thị trấn Long Mỹ tiêu diệt đồn Tám Ngàn.
Tính từ ngày 5-12-1974 đến 15-1-1975, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh, huyện, xã kết hợp với lực lượng chủ lực Quân khu 9 (QK9) gỡ 123 đồn, cốt, 1 chi khu, 3 phân chi khu; diệt 38 đồn, 1 chi khu, 2 phân chi khu; giải phóng hoàn toàn 4 xã, 46 ấp… Trong đó, tiêu biểu có trận diệt Chi khu Một Ngàn của Tiểu đoàn Tây Đô I. Đây là trận có ý nghĩa then chốt, tạo bước đệm để LLVT tỉnh làm chủ hoàn toàn tuyến kinh xáng Xà No, áp sát lộ Vòng Cung. Anh hùng LLVT Nhân dân Nguyễn Văn Tài (Ba Tài), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô I, kể: “Nhận lệnh của Tỉnh đội, Tiểu đoàn hành quân từ Châu Thành B về huyện Phụng Hiệp xây dựng đơn vị, xây dựng Quyết tâm đánh Chi khu Một Ngàn. Lúc đó, tôi là Tiểu đoàn phó - Tham mưu trưởng, được lệnh tổ chức anh em huấn luyện để đánh tập kích, cường tập nhằm tiêu diệt chi khu. Anh Bùi Thanh Hải (Bảy Nhỏ), Tiểu đoàn trưởng, cùng các anh em khác đi nắm tình hình địch”.
Chi khu Một Ngàn gồm 3 khu là đồn tam giác, tứ giác và khu dã chiến, quân số địch tập trung đông. Tiểu đoàn Tây Đô I nhận nhiệm vụ phải tiêu diệt được chi khu này. Thời điểm đó, Tiểu đoàn chỉ có gần 100 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu. Vì vậy, đơn vị được Tỉnh đội tăng cường 1 Đại đội đặc công thủy, 1 Đại đội đặc công đánh bộ và Đại đội pháo trợ chiến. Đêm 7-12-1974, ông Ba Tài nhận nhiệm vụ dẫn lực lượng đặc công luồn sâu, ém sẵn tại khu chỉ huy của địch, chờ các lực lượng áp sát chi khu. Đúng 12 giờ khuya, ông Ba Tài cho nổ khối bộc phá nặng 2kg tại Sở Chỉ huy Chi khu Một Ngàn, rồi cùng 3 đồng đội chia làm 4 hướng đánh nhau với địch. Các đội khác cũng hiệp đồng đánh chiếm Chi khu. Đến 5 giờ sáng ngày 8-12, ta tiêu diệt hoàn toàn Chi khu Một Ngàn, loại khỏi vòng chiến đấu 144 tên địch, bắt sống 14 lính, phá hủy 2 khẩu pháo 105mm và 1 kho đạn 50 tấn, thu được nhiều vũ khí các loại…
Sau chiến thắng Chi khu Một Ngàn, Tiểu đoàn Tây Đô I tiếp tục giải phóng nhiều đồn ở Xà No, Xà No Cạn, Lò Đường, Trầu Hôi… Đầu tháng 4, các đơn vị tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ và QK9 áp sát lộ Vòng Cung.
Tiến về Cần Thơ

Lực lượng vũ trang Cần Thơ hành quân tiến về giải phóng thành phố năm 1975. Ảnh: Tư liệu
Sau khi Tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố từ chức, giao quyền tổng thống cho ông Trần Văn Hương, từ ngày 22-4 đến 24-4-1975, Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị tại xã Vĩnh Tường, huyện Long Mỹ. Hội nghị đã triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương Đảng, đồng thời hạ quyết tâm giải phóng tỉnh Cần Thơ. Trước nguy cơ chính quyền Sài Gòn sụp đổ, Mỹ - ngụy dự định dồn toàn bộ bộ máy chiến tranh về Cần Thơ để tử thủ, chờ chi viện, hòng lật ngược thế cờ. Lúc này, Bộ Tư lệnh Vùng IV chiến thuật của địch đã điều lực lượng giữ tuyến lộ Vòng Cung, với 4 trung đoàn chủ lực, Sư đoàn 4 không quân, 2 thiết đoàn xe M113... Đồng thời thành lập 3 vành đai phòng thủ thành phố. Trong nội ô, địch ra lệnh giới nghiêm, liên tục mở nhiều cuộc hành quân, theo dõi sự đi lại của người dân…
Ngày 27-4-1975, LLVT tỉnh Cần Thơ, TP Cần Thơ và lực lượng QK9 chia làm 3 cánh quân áp sát thành phố. Một cánh quân gồm đơn vị chủ lực QK9, Tiểu đoàn Tây Đô III tiến về hướng Châu Thành A, vượt lộ Vòng Cung qua Trà Niền, xã Nhơn Ái. Cánh quân thứ hai gồm Tiểu đoàn Tây Đô I và Đại đội Biệt động 823 do đồng chí Lê Thanh Sơn, Tỉnh đội trưởng và đồng chí Phạm Thông, Thành đội trưởng trực tiếp chỉ huy về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ qua An Bình. Cánh thứ 3 gồm Đại đội Biệt động 824, Tiểu đoàn Tây Đô II, Tiểu đoàn 303 QK9 vượt sông Hậu hướng Châu Thành B tiến về Xóm Chài và thị trấn Cái Răng.
Đại tá Võ Tấn Dũng (Tư Dũng), Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cần Thơ, kể: “Lúc đó, tôi là Chính trị viên Đại đội Biệt động 824. Đơn vị của tôi có nhiệm vụ tham gia tiến công giải phóng Chi khu Quận 2 và Phân chi khu Hưng Thạnh của địch tại vàm Cái Da. Đồng thời cùng các lực lượng ở Quận 2 bảo đảm bộ đội vượt sông Cần Thơ tiến công vào nội ô TP Cần Thơ”.
Ông Tư Dũng cho biết, ngày 30-4, trên hướng Quận 2 (nay là các phường Hưng Thạnh, Hưng Phú thuộc quận Cái Răng và phường Hưng Lợi thuộc quận Ninh Kiều), đơn vị của ông Tư Dũng đang triển khai kế hoạch, bất ngờ hướng Tiểu đoàn Tây Đô I ngưng tiến súng, mở radio thì nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng, Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn. Đến 15 giờ, Đại đội Biệt động 824 và địa phương quân Quận 2 cùng lực lượng công khai kịp thời triển khai tiếp quản Quận 2. Tiểu đoàn 303 được Đại đội Biệt động 824 dẫn đường tiến chiếm phường Hưng Phú, vượt sông Cần Thơ vào trung tâm thành phố. Tiểu đoàn Tây Đô II và địa phương quân Châu Thành tiến chiếm Chi khu Châu Thành tại Cái Răng, rồi tiến vào giải phóng Cần Thơ.
“Trưa 30-4, chúng tôi vượt sông. Đơn vị lên được bờ thì chia làm 2 hướng về trung tâm thành phố. Lúc này, địch đã rối loạn nhưng vẫn chưa chịu buông súng đầu hàng. Lực lượng của địch rút về áng ngữ ngay cầu Rau Răm” - ông Ba Tài nhớ lại. Khoảng 14 giờ, lực lượng của ta đến cầu Rau Răm, tiến hành vận động, thuyết phục địch đầu hàng chính quyền cách mạng. Đến 15 giờ, đồng chí Nguyễn Văn Lưu đọc bản tuyên bố đầu tiên của UBND cách mạng TP Cần Thơ trên Đài Phát thanh Cần Thơ. Các lực lượng của ta tiến vào giải phóng thành phố, chiếm giữ các mục tiêu quan trọng: Dinh tỉnh trưởng Phong Dinh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Trung tâm Vùng 4 chiến thuật…
Sau 45 năm, ông Ba Tài vẫn bồi hồi khi nhắc về kỷ niệm ngày tham gia giải phóng Cần Thơ. Tham gia chiến đấu trong Tiểu đoàn Tây Đô từ năm 1967, trong kháng chiến chống Mỹ, ông Ba Tài đã chịu đựng nỗi đau vì cha, anh trai và em trai hy sinh. Ngày giải phóng Cần Thơ, ông Ba Tài đau đáu nghĩ về những hy sinh, mất mác của người thân, đồng chí, đồng bào trong 21 năm kháng chiến ác liệt. Ông Ba Tài kể: “Khi nhận nhiệm vụ tham gia giải phóng Cần Thơ, chúng tôi xác định là thắng hoặc hy sinh. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã xây dựng Quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ là còn một người cũng chiến đấu. Bây giờ, tôi mong các thế hệ sau tiếp tục phát huy truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu để giúp cuộc sống mọi người dân ngày càng được nâng cao”.
Hằng năm, đến ngày 30-4, ông Tư Dũng và đồng đội trong lực lượng Biệt động thành phố lại tổ chức gặp nhau, ôn lại truyền thống. Năm nay, từ 2 tháng trước, vào ngày 29-2, những người lính biệt động năm xưa đã gặp nhau trong lễ giỗ đồng đội tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Căn cứ Vườn Mận (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Theo thống kê của ông Tư Dũng, lực lượng Biệt động thành phố tham gia kháng chiến chống đế quốc Mỹ có 481 người, trong đó có 206 liệt sĩ. “Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Biệt động thành phố luôn anh dũng chiến đấu, kiên cường bám đất, bám dân và lập nhiều chiến công, góp phần cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi - những người lính được hưởng hạnh phúc hôm nay, vẫn cố gắng hỗ trợ đồng đội gặp khó khăn, giáo dục truyền thống quê hương cho đoàn viên thanh niên, học sinh… như một sự tri ân với đồng đội, đồng bào đã nằm xuống trong hai cuộc kháng chiến” - ông Tư Dũng chia sẻ.
Phạm Trung