05/03/2008 - 21:56

Giá USD giảm mạnh

Doanh nghiệp xuất khẩu khó trăm bề

Đóng thùng hàng may mặc xuất khẩu ở Công ty TNHH May XK Việt Thành (Khu CN-TTCN Cái Sơn - Hàng Bàng). Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Tỷ giá đồng đô-la (USD) trên thị trường liên tục giảm mạnh so với tiền đồng Việt Nam (VND) làm lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu tự nhiên bị tóp lại. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tăng, nhiều ngân hàng lại hạn chế cho đổi USD ra VND, hạn chế cho vay tiền mặt. Xăng dầu trong nước cũng tăng giá làm nhiều chi phí sản xuất hàng hóa tăng cao, đẩy giá thành sản phẩm tăng. Những tác động mạnh liên tiếp này đã đẩy doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối mặt với khó khăn trăm bề.

1 tấn gạo mất khoảng 135.000 đồng

Theo các DN xuất khẩu gạo, hiện nay không thể điều chỉnh giá xuất khẩu của các hợp đồng đã ký, còn các hợp đồng chuẩn bị ký kết thì cũng không thể tự ý điều chỉnh tăng lên, mà phải theo giá của thị trường. Vì nếu không khéo sẽ mất khách hàng. Trong bối cảnh này, tỷ giá đồng USD lại giảm mạnh so với VND. Theo tính toán của các DN xuất khẩu gạo: Gạo 5% tấm xuất khẩu được khoảng 450 USD/tấn. Lúc 1 USD còn 16.000 đồng thì 1 kg gạo quy đổi được 7.200 đồng. Nay USD giảm còn 15.700 đồng/USD thì 1 kg gạo chỉ còn 7.065 đồng. Tính ra, nếu xuất 1 tấn gạo, lợi nhuận tự nhiên bị tóp lại khoảng 135.000 đồng.

Trong khi đó, các DN xuất khẩu gạo còn đang phải đối mặt với nhiều sức ép khác. Ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty Mê Kông ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Cùng với tỷ giá đồng USD bị giảm so với VND, hiện nay DN xuất khẩu gạo còn chịu sức ép từ việc giá lúa gạo trong nước tăng và các chi phí vận chuyển tăng. Đáng ngại hơn cả là việc lãi suất vốn vay ngân hàng đã tăng khoảng 41% so với trước, lên ở mức 1,2%/tháng. Nhưng vào thời điểm này DN muốn vay được vốn rất khó, do nguồn vốn vay đang bị thiếu hụt, thủ tục vay vốn nhiêu khê. Đối với công ty chúng tôi, hiện nguồn vốn vay đáp ứng chưa được 50% nhu cầu”. Với những sức ép này, nhiều DN xuất khẩu gạo đang đứng trước nguy cơ xuất khẩu bị lỗ.

Thủy sản: lúng túng giá xuất khẩu mới

Ông Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (KCN Trà Nóc II), cho biết: Đồng USD mất giá, trong khi giá xuất khẩu không tăng, DN lại ký hợp đồng giao dịch với đối tác nước ngoài bằng đồng USD, nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi mất đi một khoản lợi nhuận đáng kể. Những hợp đồng đã ký trước đây theo giá quy đổi ra VND là 16.200 đồng, trong khi hiện tại DN đổi 1 USD chỉ được hơn 15.800 đồng. Đó là chưa tính phí rút tiền thông qua các ngân hàng, nếu tính thêm khoản này, 1 USD đổi được chưa đến 15.700 đồng. Tính ra, DN mất khoảng 400 đồng/USD”.

Hiện nay, chi phí sản xuất tăng, tính riêng giá xăng dầu tăng, phí vận chuyển hàng của nhiều DN xuất khẩu thủy sản đã tăng khoảng 15%. “Rồi còn giá cả, chi phí sinh hoạt tăng, đồng lương công nhân cũng phải tăng theo giá thị trường mới đảm bảo cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công nhân để họ gắn bó với xí nghiệp. Hiện tại, DN đang tính đến tăng mức lương cho công nhân lên thêm 10%. Vì thế, DN xuất khẩu thiệt thòi rất nhiều, lợi nhuận giảm” - ông Quang nói.

Khó khăn đã vậy, nhưng các ngân hàng lại đang hạn chế đổi tiền USD. Một DN xuất khẩu thủy sản cho biết: DN mang tiền đến chỉ đổi được 10.000- 20.000 USD/lần (theo giá niêm yết) là cùng. Nếu muốn đổi nhiều hơn con số này thì mình phải tự thỏa thuận với ngân hàng và dĩ nhiên là thấp hơn giá niêm yết. Thêm vào đó, các DN xuất khẩu thủy sản chưa thống nhất được giá xuất, DN nào cũng muốn xuất được nhiều hàng, đến được nhiều thị trường mà luôn có sự “so kè” cạnh tranh nhau từng chút một. Với cái cách cạnh tranh không lành mạnh này, các DN sẽ tự làm suy yếu lẫn nhau.

Khó lòng tăng lương cho công nhân

Theo nhiều DN ngành may mặc, thùng cac-tông đựng hàng xuất khẩu, chỉ may, xăng dầu tăng, phí vận chuyển và các khoản phí khác liên quan đến điều kiện sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc đã tăng từ 20% trở lên. Ông Nguyễn Đình Ngộ, Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, giá chi phí sản xuất tăng, giá USD bị tụt giảm mạnh chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu hàng may mặc. Bình quân 1 sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi ký kết từ 60 cent đến trên 1,1 USD. Giá này thì ổn định, nhưng sợ nhất là giá trị trượt giảm của đồng USD. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, chúng ta sẽ bị thiệt hại rất nhiều. Chúng tôi đang cố gắng duy trì nhịp độ sản xuất để ổn định thị trường xuất khẩu, nhất là hai thị trường lớn của DN là Mỹ và châu Âu cũng nhằm để ổn định hoạt động sản xuất của đơn vị”.

Công ty TNHH May xuất khẩu Việt Thành thu hút hơn 350 công nhân lao động, thu nhập bình quân 1 triệu đồng/người/tháng. Với tình hình như hiện nay, ông Ngộ cho biết, lương công nhân chắc chắn không tăng được vì lợi nhuận sản phẩm của DN sẽ giảm khoảng 50%. Để đối phó với những khó khăn trên, ông Ngộ cho biết: “Trước mắt chúng tôi tăng cường công tác quản lý nhằm tăng năng suất lao động để tăng thu nhập tiền lương công nhân. Bên cạnh đó, DN phải tiết kiệm triệt để nguyên vật liệu nhưng phải bảo đảm được chất lượng sản phẩm, giữ uy tín sản phẩm trên thị trường...”.

* * *

Giá đồng USD giảm mạnh, DN xuất khẩu đã khó càng khó hơn vì phải đối mặt với bài toán khó khăn khác như chi phí đầu vào tăng. Theo nhiều DN xuất khẩu, vấn đề hiện nay là họ khó có thể hạ được giá thành sản phẩm trong bối cảnh “bão giá” vẫn đang hoành hành, chi phí đầu vào tăng chóng mặt. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tình hình này nếu không được giải quyết, trong tương lai gần, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị sụt giảm mạnh, đẩy nhiều DN vào chỗ phải thu hẹp sản xuất, có thể bị phá sản, nạn thất nghiệp sẽ tăng lên...

• NHÓM PV KINH TẾ

Chia sẻ bài viết