25/01/2014 - 19:07

Doanh nghiệp vẫn thận trọng đầu tư mới

Năm 2013, với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu của các sở, ngành và tổ chức tín dụng đóng trên địa bàn TP Cần Thơ, cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ đạt mức 11,57%. Căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2013, các DN dự báo thị trường tiêu thụ năm 2014 có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau thời gian ảm đạm kéo dài. Một số DN đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn so với năm 2013 gắn với việc mở rộng quy mô đầu tư, phát triển sản phẩm mới nhưng rất cân nhắc.

Thay đổi để thích ứng

Năm qua, nhiều DN đã chủ động tìm nguồn nguyên liệu, cơ cấu lại tổ chức, tăng cường năng lực sản xuất phù hợp với tình hình mới. Bà Nguyễn Thị Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Phương Nam, cho biết: “Khủng hoảng kinh tế kéo dài, ngành sản xuất dược phẩm cũng bị tác động không nhỏ. Vì thế, việc cân đối sản xuất, giảm hàng tồn kho được công ty ưu tiên thực hiện. Đối với một số sản phẩm doanh thu tiêu thụ không cao, công ty mạnh dạn dừng sản xuất để tránh phát sinh hàng tồn kho. Công ty cũng chủ động sắp xếp lại hoạt động sản xuất theo hướng tinh gọn nhằm tiết giảm các chi phí không cần thiết”. Thời điểm kinh tế khó khăn, đầu ra hạn chế, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhiều DN chọn giải pháp co cụm sản xuất kinh doanh để theo dõi diễn biến thị trường, vừa cân đối sản xuất sao cho phù hợp, vừa đảm bảo tạo việc làm cho đội ngũ lao động lành nghề. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí sông Hậu, cho biết: “Thị trường tiêu thụ những năm gần đây liên tục gặp khó, DN nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn sẽ là cơ hội để các DN chứng tỏ khả năng thích ứng với những biến động khó lường của thị trường. Vì thế, bên cạnh giải pháp sắp xếp hợp lý hoạt động sản xuất, DN còn phải tập trung đảm bảo chất lượng sản phẩm nhằm khẳng định uy tín và tạo lòng tin với khách hàng”.

Công ty Cổ phần May Tây Đô tập trung vào khâu quản lý công nghệ gắn với đào tạo tay nghề thành thạo cho công nhân. 

Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ có sự tăng trưởng khá so với năm 2012 và đạt 86.750 tỉ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,42 tỉ USD, tăng 18,4% so với năm 2012. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp rất tích cực từ phía các DN bởi tình hình xuất khẩu những tháng đầu năm 2013 vẫn gặp khó, các rào cản thương mại ngày càng khắt khe, yêu cầu của khách hàng với các đơn hàng nhập khẩu cũng tăng thêm. Theo ông Ngô Văn Chơn, Trưởng phòng Chuẩn bị sản xuất Công ty Cổ phần May Tây Đô, năm qua, May Tây Đô vẫn tập trung chủ yếu vào đối tượng khách hàng truyền thống và xen kẽ một số khách hàng mới với các đơn hàng quy mô nhỏ. Hiện nay, ngoài yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các khách hàng khó tính còn thường xuyên đánh giá thêm một số tiêu chuẩn về chất lượng xã hội, an ninh hàng hóa, an toàn sản xuất. Vì thế công ty phải đảm bảo tất cả những yêu cầu này nhằm giữ vững lượng đơn đặt hàng với các khách hàng truyền thống và tìm kiếm thêm khách hàng mới. Kết quả năm 2013, giá trị gia công hàng xuất khẩu của May Tây Đô tăng 29% so với năm 2012.

Trong 2-3 năm trở lại đây, ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, các DN đa phần đều mang tâm lý cầm cự để chờ thị trường khởi sắc, tạm thời gác lại nhu cầu đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên, những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và thành phố trong việc đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho DN, nâng cao năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu giúp tăng thêm niềm tin cho DN trong năm mới.

Cân nhắc quyết định đầu tư

Thời gian qua, lãi suất cho vay của ngân hàng đã được điều chỉnh giảm theo hướng thuận lợi cho DN. Năm 2014, tình hình kinh tế trong nước và thế giới được các chuyên gia dự báo sẽ khởi sắc, nhưng nhiều DN rất thận trọng với các kế hoạch đầu tư mới. Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, nói: “Hiện nay, các DN cơ khí của Cần Thơ không chỉ cạnh tranh với các DN trong nước mà còn cả nước ngoài. Vì vậy, nhu cầu đầu tư đổi mới công nghệ là rất cấp thiết, bởi đây cũng là lĩnh vực mũi nhọn mà thành phố ưu tiên phát triển. Kể từ quý IV/2013, thị trường tiêu thụ của ngành cơ khí đã bắt đầu khởi sắc trở lại song chúng tôi vẫn chưa quyết định đầu tư ngay vì còn kỳ vọng lãi suất vay ngân hàng trong trung và dài hạn sẽ không vượt quá 10%/ năm”.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013, tình hình tồn kho hàng hóa trong DN có chuyển biến tích cực, chỉ số tồn kho trong lĩnh vực chế biến, chế tạo có xu hướng giảm dần qua các tháng. Nếu thời điểm 1-1-2013, chỉ số tồn kho cả nước tăng 21,5% so với cùng kỳ thì đến ngày 1-12-2013, chỉ số tồn kho chỉ còn tăng 10,2% và là mức tồn kho bình thường. Mặc dù nhiều DN vẫn thận trọng xem xét mở rộng đầu tư, nhưng cũng không ít DN đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn năm 2013; đồng thời phát triển thêm các sản phẩm mới. Bà Nguyễn Thị Tốt, Giám đốc Công ty TNHH Dược phẩm Phương Nam, cho biết: “Thế mạnh của công ty là chuyên về các sản phẩm thuốc dùng ngoài. Vì thế năm 2014, công ty sẽ tập trung phát triển thêm một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm chuyên về chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ. Song song đó, công ty sẽ tập trung vào khâu quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, trên cơ sở nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của khách hàng”.

Theo ông Ngô Văn Chơn, Trưởng phòng Chuẩn bị sản xuất Công ty Cổ phần May Tây Đô, dự báo năm 2014, giá gia công hàng xuất khẩu chỉ tăng nhẹ nên mục tiêu tăng năng suất lao động của đội ngũ công nhân được đặt lên hàng đầu. Trước yêu cầu phải đảm bảo mức lương tối thiểu cho công nhân, sang năm 2014 công ty tập trung vào khâu quản lý điều hành công nghệ gắn với đào tạo tay nghề thành thạo cho công nhân. Đặc biệt, trong quý I/2014, công ty sẽ đầu tư lắp đặt 2 hệ thống chuyền may tự động được quản lý hoàn toàn bằng máy vi tính. Việc đầu tư chuyển đổi công nghệ sang chuyền tự động dự kiến sẽ giúp năng suất sản xuất tăng khoảng 20% so với chuyền may thông thường.

Các chuyên gia dự báo năm 2014, kinh tế sẽ có sự phục hồi tích cực hơn, song vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc. Vì thế, các DN cần thận trọng với các quyết định đầu tư mới về cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm mới, mở rộng thị trường. Về lâu dài, các DN rất cần những hỗ trợ cụ thể từ chính sách vĩ mô, vốn đầu tư lãi suất ưu đãi từ ngân hàng để thực hiện tái cơ cấu sản xuất, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hóa trong sản phẩm, chuyển dần từ gia công, lắp ráp sang chế tạo và chế tác. Hiện một số lĩnh vực công nghiệp có thế mạnh của TP Cần Thơ như: chế biến, xuất khẩu gạo, thủy sản, dệt may, da giày, cơ khí… đang rất cần vốn trung dài hạn để đầu tư nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, đổi mới công nghệ giúp DN gia tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Song, sự nỗ lực của DN để thích nghi trong điều kiện mới cũng rất cần “đòn bẩy” từ chính sách phát triển vĩ mô và chính sách thiết thực của thành phố nhằm tạo lực đẩy cho DN trong năm mới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết